Thời sự 12/03/2014 08:07

Vốn rẻ cũng chưa hấp dẫn

Để thúc đẩy tín dụng đầu ra, nhiều ngân hàng đua nhau triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, ráo riết thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, giới hạn của các gói tín dụng này, cộng với sự e dè của doanh nghiệp khiến việc giải quyết “tồn kho vốn” được nhận định vẫn là thách thức lớn của hệ thống ngân hàng từ nay tới cuối năm.

Nhiều ngân hàng đua nhau triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, tiêu dùng,

nhưng do giới hạn của các gói tín dụng nên vấn đề tồn kho vốn vẫn còn khá nan giải.

Bước lùi tín dụng


Từ đầu năm 2014, khoản vay vốn tại một số ngân hàng của công ty cổ phần Vinamit tiếp tục được điều chỉnh giảm còn 7 - 8%/năm. Chủ tịch HĐQT Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết, công ty chỉ “dám” vay một lượng vốn chiếm tỷ lệ 10 - 20% tổng nhu cầu vốn. “Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đạt tỉ suất lợi nhuận 6 - 10% là tốt rồi. Nếu tỉ trọng vốn vay lớn, doanh nghiệp lăn lộn hoạt động bao nhiêu nuôi ngân hàng hết bấy nhiêu” - ông Viên giải thích.
 
Với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao như Vinamit còn phải cân nhắc, tính toán từng đồng vốn vay, việc nhiều doanh nghiệp khác ngại ngần với tín dụng là điều dễ hiểu. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống 2 tháng đầu năm tiếp tục suy giảm 1,66%, trong đó tín dụng đồng Việt Nam (VND) giảm tới 1,94%. Mặc dù tình trạng tín dụng giảm vào những tháng đầu năm đã diễn ra trong 3 năm qua, song nếu so với năm 2013, đà tăng tín dụng đã lùi một bước dài khi mức giảm gấp hơn 7 lần (2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%). Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn 2 tháng đầu năm vẫn nhích 0,83%, càng kéo xa khoảng cách cung - cầu vốn. 
 
Vốn nhiều, cho vay chẳng được bao nhiêu, các ngân hàng lần lượt công bố giảm lãi suất huy động, mà theo Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP HCM là “để giảm lỗ”. Ông giải thích: “Các ngân hàng đang phải trả lãi suất huy động kì hạn ngắn cao nhất 7%/năm, kì hạn dài phổ biến 8%/năm, trong khi lãi suất nhiều khoản cho vay vốn cũng chỉ xoay quanh mức này mà giải ngân còn nhỏ giọt. Do vậy, hạ lãi suất huy động chút nào là giảm được chi phí đầu vào tới đó”. 
 
Lãi suất giảm nhưng có giới hạn
 
Để thúc đẩy tín dụng đầu ra, các ngân hàng đua nhau giới thiệu chương trình tín dụng ưu đãi. Như Ngân hàng SeAbank dành 4.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể với lãi suất tối thiểu 8,5% và 8,8%; Ngân hàng BIDV dành 5.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, trong đó khách hàng được chọn mức lãi suất 8%/năm trong một tháng đầu hoặc lãi suất 9,5% trong 3 tháng đầu tiên; TPBank dành 2.000 tỷ đồng cho vay, lãi suất 8%/năm với VND và 3,8%/năm với USD…

Tuy nhiên, các gói tín dụng ưu đãi này đều có giới hạn cả về khối lượng vốn (chỉ vài ba nghìn tỷ đồng mỗi đơn vị) cũng như giới hạn về thời gian được ưu đãi lãi suất (thường áp dụng cho một vài tháng đầu, sau đó thả nổi). Do vậy, sức hấp dẫn chưa thực sự lớn và hiệu quả giảm mặt bằng lãi suất chung chưa cao. Trong số đó, chỉ mới có Ngân hàng TPBank công khai thông tin đã giải ngân được gần 300/2.000 tỷ đồng sau 3 tuần triển khai gói tín dụng ưu đãi này, đạt 224% so với tiến độ đề ra. Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác (có triển khai gói ưu đãi hoặc không) đều e dè hoặc từ chối trả lời PV Báo Giao thông về mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay. 
 
Đi kèm với đó, các ngân hàng cũng rốt ráo đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó tập trung khuyến khích mạnh chi tiêu, mua sắm qua thẻ tín dụng bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn, kéo dài. Agribank và SeAbank cùng có chính sách giảm giá tới 50% cho khách hàng mua sắm online qua cổng Nganluong.vn bằng thẻ quốc tế của hai ngân hàng này. Khách hàng của Vietinbank, khi sử dụng thẻm mua sắm tại hệ thống điện máy của Nguyễn Kim được tặng thêm tiền vào tài khoản, tặng quà hoặc chuyến du lịch Campuchia…
 
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhận định, các chương trình phối hợp giữa ngân hàng với các doanh nghiệp kể trên sẽ tiếp tục được mở rộng, bởi giúp cho ngân hàng thúc đẩy tín dụng, cũng như giúp các doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ đẩy mạnh doanh thu, giảm hàng tồn. 
 
Tuy nhiên, thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phá tảng băng tín dụng vẫn là một thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng từ nay tới cuối năm. Bởi khi thị trường đầu ra vẫn chật vật, doanh nghiệp vẫn ngại ngần vay vốn, dù lãi suất đã và đang tiếp tục giảm. 
 


Theo Thảo Nguyên
GTVT

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *