Đầu tư 15/01/2014 18:35

Việt Nam không thể tăng trưởng bền vững với hệ thống tài chính lỏng lẻo

FICA - Chủ tịch ADB nhấn mạnh, tăng trưởng nhanh không thể bền vững nếu thiếu những quy định và sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với hệ thống tài chính, không áp dụng những quy tắc thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn và không có hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội tốt hơn.

 

Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao.

Trong chuyến thăm ba ngày tới Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tái khẳng định sự hỗ trợ của ADB đối với tiến trình phát triển và tăng trưởng toàn diện của Việt Nam.

Ông Nakao cũng đã gặp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đánh giá của lãnh đạo Chủ tịch ADB, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, và giáo dục. Đồng thời, ghi nhận những thành quả Việt Nam đạt được trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong  ba năm liên tiếp cũng như những nỗ lực trong việc tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ lạm phát từ mức trên 20% vào tháng 8/2011 xuống còn khoảng 6% vào tháng 12/2013, ổn định tỷ giá hối đoái, đảm bảo thặng dư lớn cán cân tài khoản vãng lai và tăng cường dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo ADB, trong khi các chính sách của Chính phủ đã thành công trong việc giảm bớt những bất ổn kinh tế vĩ mô, vẫn cần có nhiều tiến bộ hơn nữa để giải quyết những điểm yếu mang tính cơ cấu của nền kinh tế.

Ông Nakao cho rằng, “Để đạt được tiềm năng, Việt Nam cần phải giải quyết nhiều nguy cơ đa dạng và những thách thức như cải thiện tính cạnh tranh, giải quyết những bất bình đẳng đang gia tăng, xây dựng năng lực thể chế và tăng cường quản trị điều hành’’.

Theo đó, Chủ tịch ADB nhấn mạnh, tăng trưởng nhanh không thể bền vững nếu thiếu những quy định và sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với hệ thống tài chính, không áp dụng những quy tắc thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn và không có hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội tốt hơn.

Ông Nakao cũng đề cập tới vấn đề sáng tạo thông qua cạnh tranh, phát triển đồng đều thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội, và hội nhập thông qua hợp tác khu vực.

Để Việt Nam tận dụng triệt để hơn nữa những lợi ích của chương trình kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, điều quan trọng theo ông Nakao là phải mở rộng việc cung cấp các dịch vụ như nước, vệ sinh và điện một cách ổn định cho cộng đồng dân cư đô thị đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Riêng đối với tài trợ cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Việt Nam sẽ cần khoảng 167 tỷ USD trong một thập kỷ tới để đảm bảo được mức tăng trưởng đã đề ra.

Ngoài những nỗ lực tăng cường ngân sách, Việt Nam có thể bù đắp thiếu hụt về nguồn vốn tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công-tư, phát triển các thị trường vốn trong nước và Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN. Khuyến khích cho vay bằng đồng nội tệ sẽ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tiết kiệm trong nước có tiềm năng  lớn của Việt Nam.

Lãnh đạo ADB cũng cam kết hỗ trợ phát triển sâu hơn thị trường trái phiếu để có thể tài trợ vốn dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết nhất.

ADB đã có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi trở lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993. Tính đến ngày 30/9/2013, ADB đã cung cấp hỗ trợ với tổng trị giá 12,7 tỷ USD cho Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *