Thời sự 02/01/2014 15:58

Bộ Tài chính "áp" quy định đầu tư ra ngoài đối với VAMC

FICA - Thông tư của Bộ Tài chính quy định, VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức là gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước và tham gia góp vốn, mua cổ phần.

VAMC đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 209 hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Thông tư này do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ký và có hiệu lực từ ngày 15/2 tới, nhưng được áp dụng từ năm tài chính 2013.

Chiếu theo thông tư của Bộ Tài chính, VAMC có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của VAMC.

Theo đó, vốn hoạt động của VAMC gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và vốn huy động. Cụ thể, vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm: Vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển được trích theo chế độ quy định; và các nguồn vốn chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Còn vốn huy động gồm trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

VAMC được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên, thông tư của Bộ Tài chính nhấn mạnh, VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới hai hình thức là gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước và tham gia góp vốn, mua cổ phần theo quy định.

Đối với việc trích lập và sử dụng dự phòng, với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Ngoài ra, thông tư cũng có quy định điều khoản xử lý trường hợp đặc biệt. Trường hợp kết thúc năm tài chính, VAMC bị lỗ và trong năm tài chính đó có trái phiếu đặc biệt đến hạn mà tổng các khoản phí trên số tiền thu hồi nợ VAMC được hưởng trong năm nhỏ hơn các khoản đã nhận tạm ứng từ các tổ chức tín dụng phải hoàn trả trong năm thì VAMC báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý phần còn phải hoàn trả tạm ứng đã nhận từ các tổ chức tín dụng theo hướng VAMC được ghi nhận doanh thu và các tổ chức tín dụng ghi nhận vào chi phí.

Còn nhớ, VAMC bắt đầu thực hiện việc mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 1/10/2013 và ngân hàng đầu tiên đăng ký ban nợ cho Công ty này là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) với tổng giá trị ghi sổ của số nợ này là 2.450 tỷ đồng. Và tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *