Thời sự 03/01/2014 11:10

Hậu tái cơ cấu, ngân hàng nào hồi sinh?

Sau 2 năm tái cơ cấu, có ngân hàng đã từ bờ vực phá sản vươn vị thế tiến công, chuyển lỗ thành lãi. Song cũng có ngân hàng khi tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở thay tên đổi họ, việc hồi sinh thật sự vẫn ở phía trước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (giữa) tại lễ công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới của TPBank.

Hồi sinh bên “cửa tử”'

Đến thời điểm này, chưa ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính quý IV/2013, nhưng kết quả kinh doanh của một số ngân hàng đã bắt đầu lộ diện. Đáng ngạc nhiên là, ngân hàng công bố vượt chỉ tiêu lợi nhuận sớm nhất hệ thống lại là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một ngân hàng vừa trải qua 1,5 năm tái cơ cấu. Đây cũng là ngân hàng thể hiện rõ nhất sự lột xác hậu tái cơ cấu.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, trước tái cơ cấu, TPBank rơi vào khó khăn về thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu lên tới 6,4%, chất lượng tín dụng và tài sản giảm sút nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất vốn, tổng giám đốc rơi vào vòng lao lý…

Thế nhưng, sau khi thực hiện tái cơ cấu, đến nay, TPBank đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng, tổng tài sản tăng hơn hai lần, lợi nhuận đạt hơn 500 tỷ đồng trong một năm rưỡi qua…

Ngoài TPBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng được coi là thành công trong thương vụ thâu tóm Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) - một ngân hàng yếu kém đứng trước bờ vực phá sản.

Thực tế, từ một ngân hàng thường xuyên có lãi, sau khi sáp nhập, SHB đã lỗ nặng trong năm 2012 và trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống. Đến tháng 6/2013, nợ xấu của SHB vẫn trên 9%.

Tuy nhiên, cuối tháng 9/2013, nợ xấu của SHB chỉ còn trên 7% và hết năm 2013 giảm còn dưới 5%. Lợi nhuận của SHB cũng đang quay trở lại, đạt trên 700 tỷ đồng tính đến quý III/2013. Niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại với SHB. Minh chứng là cổ phiếu SHB vẫn đứng top đầu về thanh khoản trên sàn chứng khoán và dự báo sẽ tiếp tục nóng trong năm 2014.

Một trường hợp thoát hiểm khá thành công nữa là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Từng đứng trên bờ vực đổ vỡ vì mất thanh khoản, nhưng đến cuối năm 2013, SCB đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Tháng 10/2013, sau khi phát hành riêng lẻ thành công 171,1 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của SCB đã lên đến gần 10,590 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 7 trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB cho biết, cho đến nay, SCB trả được toàn bộ tái cấp vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước, đã cân bằng được trạng thái vàng với số lượng lên tới 9 tấn và đang dần lấy lại niềm tin của thị trường.

Năm 2014 bộn bề

Ngoài TPBank, SHB, SCB, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã chứng kiến nhiều trường hợp tự tái cơ cấu hay M&A khác. Thế nhưng, cho đến nay, nhiều trường hợp tái cơ cấu vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thay tên đổi họ.

Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), dù được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tự tái cơ cấu từ lâu, song đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Kết thúc quý III/2013, dư nợ tín dụng của Navibank là âm 8,53%.

Nợ xấu tại thời điểm ngày 30/9 lên tới 8,78%, tăng tới 42,4% so với đầu năm, trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới gần một nửa. Lợi nhuận của Ngân hàng giảm tới 90% so với cùng kỳ. Có thể thấy, lộ trình tái cơ cấu của Navibank vẫn còn rất dài.

Mới đây, với sự tham gia của nhóm cổ đông mới, Navibank đã lên kế hoạch thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu, chuyển trụ sở ra miền Bắc, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Dân Quốc. Do thông tin về cổ đông mới chưa rõ ràng, hiện không ai có thể khẳng định những cổ đông mới này có đủ nguồn lực bù đắp các tổn thất hiện nay của Navibank và đưa Ngân hàng hồi phục.

Tương tự, giữa năm 2013, với sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm 20 cổ đông mới, Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). đến nay, ngân hàng này cũng chưa có nhiều thay đổi trong hoạt động, mà chủ yếu mới thay đổi “nửa vời” về hình thức. Hơn nữa, thông tin không rõ ràng và sự tham gia của nhóm cổ đông trong ngành xây dựng đang làm dấy lên những lo ngại về cho vay “sân sau”.

Một thương hiệu ngân hàng “mới toanh” khác cũng chưa được đánh giá cao là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank).

Được hợp nhất từ hai tổ chức tín dụng yếu (PVFC và Westernbank), PVcombank có vốn điều lệ lên tới 9.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, việc hợp nhất hai bên dường như mới chỉ là phép cộng đơn thuần, chưa thấy nhiều chuyển biến. Thị trường vẫn đang chờ đợi sự lột xác thật sự của PVcombank.

Như vậy, sau 2 năm tái cơ cấu, trong số 8/9 ngân hàng TMCP yếu kém đã được xử lý, nhiều ngân hàng vẫn chưa lột xác thật sự. Mặt khác, ngoài GPBank vẫn chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu, toàn hệ thống còn thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có 2 ngân hàng thương mại. Rõ ràng, chặng đường tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước vẫn rất nặng nề.

Theo Hà Tâm
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *