Dòng chảy vốn 04/03/2014 09:45

Dự án đường sắt Hà Nội bị phạt 3 triệu euro?

Trao đổi với VOV.VN, ông Nguyễn Quang Mạnh – Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định: “Việc một số tờ báo nói dự án này phải chịu phạt 3 triệu euro là sai”.

Ông Nguyễn Quang Mạnh

Ông Mạnh giải thích: Trong hợp đồng tư vấn, có 2 khoản cấu thành giá trị hợp đồng. Thứ nhất là tính lương nhân sự (các chuyên gia làm bao nhiêu ngày, bao nhiêu công thì ra sản phẩm này và xác định ra mức lương cho nhân sự, chuyên gia). Để nhân sự đó làm được công việc mà mình đã thỏa thuận thì có một khoản mà quốc tế gọi là “bồi hoàn”. Nghĩa là, nhà tư vấn phải bỏ tiền ra trước để chi cho những công việc đó rồi cơ quan quản lý của mình sẽ chi trả khi có các thủ tục đầy đủ. Khoản đó gọi là bồi hoàn chứ không phải như mình gọi “bồi thường” do cái này, cái kia. Theo cách hiểu và đưa tin của một số báo là mình bị sai và phải bồi thường. Đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

 

Khoản kinh phí này đã có trong hợp đồng. Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có hỏi: “Trong giá trị hợp đồng ấy thì khoản chi phí bồi hoàn là bao nhiêu?”, thì chúng tôi báo cáo là gần 3 triệu euro. Đây là khoản mà chúng ta phải xem xét thanh toán quản lý cho họ theo đúng qui định. Hiện nay, giữa họ với mình có những cái họ muốn thanh toán theo thủ tục quốc tế nhưng mình lại có những yêu cầu riêng nên còn có những cái vướng.

 

Số tiền ấy đương nhiên phải trả, nhưng trả theo hình thức nào thì hiện có 2 hình thức. Trong hợp đồng đã ký, ví dụ chi phí máy bay, thuê văn phòng, xe ô tô… để hoàn thành nhiệm vụ, mình yêu cầu họ cứ chi theo định mức và có hóa đơn thì sẽ chi. Nhưng họ yêu cầu theo hợp đồng chúng ta đã ký giá trung bình 1 chuyến máy bay là 1.500 hay 2.000 thì cứ có người đi là phải thanh toán. Nhưng chúng tôi xác định đây là giá hợp đồng từ năm 2007 cho đến khi xong hợp đồng không thay đổi.

 

PV: Khoản 3 triệu euro là tương đối lớn, thưa ông?

 

Là lớn hay nhỏ thì phải tùy thuộc vào tỷ lệ. Nếu so với 1 triệu là lớn nhưng nếu so với 30 triệu là không lớn. Tỷ lệ này đã có qui định rồi nên không thể đánh giá số lượng như vậy được.

 

PV: Việc ký tiếp hợp đồng với tư vấn hay không có tùy thuộc vào khoản bồi hoàn này không, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Ký tiếp hợp đồng hay không là chuyện khác. Chúng ta cần phải gia hạn hợp đồng ấy để làm sao người ta thực hiện tiếp. Nếu mình không làm động tác này thì họ cũng hết hợp đồng từ tháng 11/2013. Đến thời điểm này mình đang bàn với phía tư vấn là thực hiện tiếp và đàm phán các nhiệm vụ, quyền hạn của họ như thế nào.

 

Trong quá trình đàm phán đương nhiên họ có rất nhiều yêu cầu và họ phải soát xét cái kia. Các cơ quan quản lý của Việt Nam phải kiểm soát lại các tính toán chi phí của họ, cái nào hợp lý… quá trình này cũng khiến cho các hoạt động tổng thể của dự án cũng bị chậm lại.

 

PV: Theo chúng tôi được biết thì chi phí họ đưa ra tương đối cao nếu ký tiếp hợp đồng, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Cao hay thấp không thể đánh giá trực quan được. Cao hay thấp là do các cơ quan quản lý xác định dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Có nghĩa rằng, khi người ta đưa ra tính toán chi phí cho các nhiệm vụ từ nay đến khi hoàn thành là bao nhiêu thì những chi phí ấy chúng tôi là người đầu tiên phải xem xét, đối chiếu cái này phù hợp với qui định, nhiệm vụ có đúng không, lương nhân sự có chính xác thế không…

 

Bây giờ, phía tư vấn muốn chúng tôi phải ký bằng 1 số X, nhưng chúng tôi bảo là không thể ký được. Nếu không ký được thì họ chưa thể làm.

 

PV: Trở lại với dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang thi công, ông đánh giá thế nào về tiến độ dự án này?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Nhìn tổng thể tiến độ so với hợp đồng năm 2007 thì chúng ta không đạt được. Các phần việc chưa hoàn thành theo đúng mục tiêu. Một trong những việc của chủ đầu tư với tư vấn, nhất là những người trực tiếp tham gia dự án đều nhìn thấy rằng đó là những việc rất khách quan. Đây là những việc cần tiếp tục tháo gỡ của các cấp liên quan chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, về cơ chế, chính sách tham mưu cho Chính phủ… liên quan đến dự án thí điểm đường sắt đô thị đầu tiên.

 

PV: Ông có thể lấy ví dụ cụ thể về tình hình này?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Cụ thể tại dự án đường sắt này là làm theo các hiệp định đã ký với các nhà tài trợ thì ngoài áp dụng các qui định của Luật pháp Việt Nam thì hai bên Chính phủ Việt Nam và Chính phủ ký điều ước đều lấy cơ sở là quy định về quản lý và thực hiện các hợp đồng xây dựng theo Hiệp hội các nhà thầu quốc tế.

 

Ví dụ, trong qui định của Việt Nam, có những hợp đồng trọn gói và hợp đồng điều chỉnh dự án theo qui định. Họ cũng đồng ý hợp đồng trọn gói nhưng vẫn đưa vào điều chỉnh giá. Họ giải thích cần có hợp đồng trọn gói và cũng cần xem xét điều chỉnh giá. Vì hợp đồng kéo dài 5-7 năm, nếu không xem xét điều chỉnh giá theo qui định thì rủi ro ấy nhà thầu không chịu được. Hai là nếu bắt người ta chịu hoặc yêu cầu người ta chịu thì khi lập đơn thầu họ phải lường hết các rủi ro trong 5 năm nữa thì giá sẽ đội lên. Và như vậy lại không phù hợp với qui định của Việt Nam là giá thầu quá cao, trong khi mình muốn gói gọn dự toán ban đầu.

 

PV: Dự án chưa đúng tiến độ thì nguyên nhân chính có phải từ giải phóng mặt bằng chưa giải quyết được rốt ráo, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Với tuyến số 3, đây chưa phải là nguyên nhân chính, chỉ là một trong những nguyên nhân. Còn nhiều nguyên nhân khác như do tư vấn người ta dựa trên dự án mình đã khảo sát và trình để thiết kế. Nhưng mình làm chưa đạt chất lượng, gần như phải làm lại thì lại mất thêm 1-2 năm để khảo sát thêm. 

 

GPMB lại không đơn thuần như các công tác kỹ thuật khác mà thuộc hệ chế độ chính sách khác và bị ảnh hưởng của quá trình quản lý đất đai trước kia.

 

PV: Thưa ông, ban đầu chúng ta có lường trước khó khăn này không?

 

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Các cơ quan của mình đều cập nhật và cách làm việc với vốn ODA mình không thiếu nhưng đặc thù của mỗi dự án lại khác nhau. Dự án đường sắt thì lần đầu tiên làm nên chưa có khung tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi đó lại dùng khung tiêu chuẩn của họ, vận dụng nước này nước khác mà họ thấy đang tiên tiến… để trình với mình. Chủ đầu tư tiếp nhận rồi báo cáo các cơ quan thẩm tra, đồng ý thì mới làm được nên đã kéo dài thời gian. Trong ký kết trước đây không lường hết được. Đấy là những nội dung khiến việc chuẩn bị của mình bị kéo dài và bị động.

PV: Xin cảm ơn ông!
Trả lời câu hỏi của VOV.VN, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Về nguyên tắc, khi làm đường sắt, tất cả phải có một qui hoạch hoàn chỉnh mà không thể nào thay đổi được vì hệ thống này có kết nối rất quan trọng đối với việc định ra một hệ thống. Đối với Hà Nội hiện nay qui hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, được Bộ GTVT và TP Hà Nội triển khai. Hiện nay, chúng ta đang triển khai tuyến Hà Đông-Cát Linh và tuyến Nhổn – ga Hà Nội. Trong quá trình triển khai thì có những tuyến, đoạn đi ngầm, đoạn đi nổi. Tuyến này đã cố định rồi, bây giờ triển khai ra thì phải giải phóng mặt bằng (GPMB). Khi GPMB rất nhiều vấn đề liên quan đời sống nhân dân, liên quan đến công trình, đòi hỏi phải có quá trình tập trung triển khai mới thực hiện được.



Trong quá trình thực hiện dự án Nhổn – ga Hà Nội thì vướng phải GPMB rất lớn, đặc biệt là đi qua cả những vùng tâm linh.



Về phía TP Hà Nội thì cũng đã có ý kiến này với phía nhà tài trợ là kéo dài dự án để tăng thời gian giải phóng mặt bằng lên. Hiện nay chúng ta đang thực hiện theo hướng như vậy. Phía bạn cũng đã chấp thuận. Bộ GTVT cũng đã làm việc với phía nhà tài trợ Nhật Bản kiến nghị căn cứ vào tình hình thực tế Việt Nam để đưa ra lộ trình trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến ở các đô thị lớn để có thời gian giải phóng mặt bằng. Tất cả những vấn đề liên quan đến hiệp định thì hiện nay đang ở mức thảo luận chứ chưa có kết luận cụ thể, tất nhiên theo hướng bàn với bạn là kéo dài thời gian thực hiện dự án chứ không phải là giải quyết những vấn đề đền bù hay không đền bù./.

 

Theo Vũ Hạnh

VOV online (thực hiện)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *