Thời sự 20/05/2014 10:20

Em ruột “bầu” Kiên: “Không được cùm chân anh tôi”

FICA - Đại diện gia đình bị cáo Nguyễn Đức Kiên không đồng tình với việc ông này bị cùm chân tại phiên tòa xét xử.

Sáng nay 20/5, tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã diễn ra phiên xét xử lại vụ án “bầu” Kiên và các đồng phạm. Từ sáng sớm, thân nhân của những bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã tới cổng tòa án để làm thủ tục vào dự tòa.

Đứng lẫn trong đám đông, ông Nguyễn Đức Cương, em ruột của “bầu” Kiên không được vào tham dự phiên tòa do thẻ dự tòa đã hết hạn. Trao đổi với phóng viên, ông Cương cho hay rằng, do không để ý đến thời hạn của thẻ nên ông đang phải đợi ý kiến từ phía tòa án xem có được vào hay không.

Ông Cương tâm sự rằng, ngoài những người nhà bị triệu tập đến, ông Cương là đại diện của gia đình bị cáo đến tham dự phiên tòa. Nói về anh trai mình, ông Cương tâm sự rằng, trong gia đình, ông là em trai liền kề, kém ông Kiên 2 tuổi. Từ bé đến lớn, hai anh em hết sức thân thiết.

Ông Nguyễn Đức Cương đứng đợi để được vào tham dự phiên tòa xét xử anh trai mình
Ông Nguyễn Đức Cương đứng đợi để được vào tham dự phiên tòa xét xử anh trai mình
 

Ông Cương là Phó chủ nhiệm phụ trách điều hành câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật Thăng Long và giám đốc một Công ty về hoạt động thể thao. Trước thời điểm anh trai bị bắt, ông Cương phụ giúp cho anh trai mình việc quản lý các đội bóng
 
Theo ông Cương, ông và gia đình không đồng tình với việc tòa án cùm chân ông Nguyễn Đức Kiên, “Anh tôi không phải tội phạm côn đồ nguy hiểm mà chỉ là doanh nhân, không được cùm chân anh tôi mà phải đối xử đúng pháp luật”, ông Cương nói.
 

Ông Cương mong muốn tòa án sẽ xét xử công bằng, minh bạch, đúng người đúng tôi. Cũng theo em trai của “bầu” Kiên, ông hết sức lo lắng về sức khỏe của anh trai mình vì càng ngày càng thấy sắc diện của anh trai kém đi nhiều. “Không được vào thăm anh lần nào, tôi chỉ được nghe nói qua luật sư rằng sức khỏe của anh không được tốt nên rất lo lắng và muốn được vào thăm anh”, ông Cương chia sẻ.

Trước đó, theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng.

Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.‏Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2/1/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB.

Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.

Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, "bầu" Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng. Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "bầu" Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.‏Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.

 Theo các luật sư, năm 2004 Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Nghị quyết về trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự, trong đó nêu rõ “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm”. Như vậy, việc ông Kiên yêu cầu được mặc thường phục là phù hợp và việc cùm chân là chưa thỏa đáng.

 
 
Lê Tú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *