Doanh Nhân 25/12/2017 07:33

Vũ “nhôm” là điển hình cho “lũng đoạn” kinh tế

Trao đổi với Dân Việt về sự việc của ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ 'nhôm') các chuyên gia cho rằng, đây là điển hình cho “lũng đoạn” kinh tế.


Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an

DN đã tặng quà đắt tiền chẳng có gì vô tư!

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho rằng: Câu chuyện về ông Phan Văn Anh Vũ hay người ta gọi là “Vũ Nhôm” thì trước đây dư luận đã biết tới việc tặng quà là xe sang cho UBND TP. Đà Nẵng. Khi đó tôi đã nói, việc doanh nghiệp tặng xe cho nhiều địa phương đều có mục đích cả, chẳng có chuyện vô tư trong sáng đâu. Hay nói đúng hơn là doanh nghiệp họ “đầu tư” cho lãnh đạo để nhằm đạt được mục đích của họ sau đó.

Theo ông Cương, cái đáng lo ngại nhất là tính dân chủ ở một số địa phương còn yếu, khi doanh nghiệp đã được lãnh đạo cao nhất của tỉnh là bí thư, chủ tịch “ok” thì hầu như họ chẳng còn xem các cấp Sở ra gì. “Câu chuyện Giám đốc sở trẻ tuổi ở Quảng Nam, hay Giám đốc sở ở Yên Bái là một ví dụ điển hình cho tính dân chủ ở cơ sở. Tại sao các đơn vị khác lại không có ai lên tiếng”, ông Cương nói. Qua đó cũng cho thấy, cán bộ của ta bây giờ cũng không còn nhiều người có dũng khí, chẳng ai dám đương đầu.

Theo ông Cương, để giải quyết được tình trạng doanh nghiệp “lũng đoạn” bằng cách quan hệ với quan chức thì bản thân các cơ quan quản lý nhà nước như UBKT của các sở ban ngành, của tỉnh phải vào cuộc và làm hết trách nhiệm. Một khi đã có kết luận kiểm tra bằng văn bản, nếu gửi lên nhiều lần mà lãnh đạo cao nhất của tỉnh không giải quyết thì khi đó trách nhiệm thuộc về các lãnh đạo cao nhất.

Ông Cương cũng cho rằng, hiện có những thông tin đồn về việc Vũ “nhôm” còn là người trong ngành công an, dù thông tin chưa được xác thực nhưng quy định của pháp luật làm gì có chuyện cán bộ ngành được đi làm kinh tế. Trường hợp là công an cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và chẳng có ngoại lệ hay ưu tiên gì cả nên vi phạm thì cần xử lý nghiêm.


PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại

Có hiện tượng “móc ngoặc” giữa DN với quan chức

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho biết: Ngày xưa quan chức khi bị xử tội tham ô chủ yếu liên quan tới “rút ruột” từ các DN Nhà nước nhưng từ khoảng 10 -15 năm nay đã dần chuyển sang doanh nghiệp tư nhân, thậm chí có cả doanh nghiệp FDI. Mối quan hệ này có sự “móc ngoặc” theo kiểu anh cấp cho tôi dự án còn tôi sẽ “lại quả” cho anh một khoản từ chính dự án đó. Lúc đầu chỉ xuất hiện lác đác nhưng giờ thì phổ biến và ở cấp tỉnh là nhiều.

Có nhiều doanh nghiệp tư nhân nổi đình nổi đám vì có tin đồn có những ông rất to đứng ở đằng sau “chống lưng”.

Theo ông Nam, trường hợp Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng đã “móc ngoặc” rất lâu, sinh năm 1975 mà từ năm 2000 dư luận đã có thông tin công ty của Vũ “nhôm” “lũng đoạn” và tới nay đã sở hữu hàng loạt các lô đất vàng. “Một bên có tài sản “vàng” còn một bên có tiền, và sẽ lại quả theo thỏa thuận là điều đáng lo ngại. Còn một vài hiện vật cụ thể như tặng ô tô sang hay căn hộ…chỉ là những thứ nhìn thấy nhưng tỉ lệ đó theo tôi là rất nhỏ. Cái nhiều người lo ngại chính là sự “móc ngoặc” đã tới mức xảy ra tình trạng “lũng đoạn”, ngang nhiên coi thường xã hội thì rất ghê gớm”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới cũng có tình trạng này như ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước đã hình thành “Tam giác quỷ”, với sự “móc ngoặc” của doanh nghiệp tư nhân, quan chức và ngân hàng. “Tam giác quỷ” này đã tìm cách moi tài sản nhà nước, moi tiền ngân hàng để làm giàu cho một nhóm lợi ích. Tuy nhiên, khi các nước này càng phát triển thì luật của họ càng nghiêm. Ví dụ như câu chuyện về nhà sáng lập Lotte, Shin Kyuk-Ho bị truy tố về tội trốn thuế và gian lận cùng ba thành viên trong gia đình và bị xử phạt 20 tháng tù chỉ vì trả lương sai cho người nhà mà không tham gia làm việc trong công ty vừa được xử ngày 22.12 vừa qua là một minh chứng. Tuy nhiên, ở Việt Nam các quy định của pháp luật về vấn đề này còn chung chung nên rất khó xử lý.

Ông Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần doanh nghiệp thì cần tạo ra môi trường bình đẳng. Nếu có thể chế tốt và đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh thì chẳng bao giờ có những “móc ngoặc xảy ra”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính

Thứ nhất quan hệ thứ nhì tiền tệ

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho biết: Tình trạng một số doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với các quan chức, từ đó có hiện tượng thao túng hoạt động về chính sách nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh nói chung ngày càng phổ biến. Có nơi gọi là doanh nghiệp “sân sau” và câu nói “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ” giờ đã trở thành quen thuộc . Nhiều doanh nghiệp họ chẳng ngại cho biết, muốn kinh doanh thành công hay chiếm được những dự án thì thứ nhất là quan hệ thứ nhì là tiền tệ chứ chẳng liên quan gì tới năng lực của doanh nghiệp đó.

“Việc kiên quyết đấu tranh, chống mối quan hệ thân hữu, tham ô, hối lộ, tham nhũng, lũng đoạn chính trị, kinh tế là một việc làm cực kỳ cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bản chất ở đây là sự cấu kết, móc nối của một số doanh nghiệp với những người có chức có quyền trong bộ máy công quyền để từ đó lợi dụng chức vụ quyền hạn cũng như chức trách của mình, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp đó hoặc nhóm người nào đó. Hiện tượng này phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang xây dựng và phát triển, còn các quốc gia phát triển thì bị giới hạn ở lĩnh vực nhất định do có luật quy định chặt chẽ hơn.

Còn ở Việt Nam, hình thức “cấu kết” của doanh nghiệp với quan chức ở nhiều góc độ khác nhau, có thể là giúp được lợi ích ưu đãi mà doanh nghiệp khác không thể có được trong một dự án. Tức là chỉ ảnh hưởng tới 1 hoặc một nhóm doanh nghiệp nhỏ nhưng cấp độ cao hơn là cấu kết chặt chẽ, lũng đoạn cả kinh tế bằng chính trị. Ông Vũ “nhôm” là trường hợp có thể điều chỉnh mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và cả các quan chức nên mới xảy ra tình trạng muốn gì được đó, coi thường cả luật pháp và các quan chức. Tình trạng này đang bóp méo cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh của nên kinh tế, tạo ra mối quan hệ ngầm, luật lệ ngầm như người ta gọi là “mafia” . Từ đó, làm cho cạnh tranh bình đẳng, công bằng và tuân thủ theo luật pháp chẳng còn ý nghĩa gì. Nó sẽ còn ảnh hưởng tới cả lòng tin của các doanh nghiệp vào luật lệ, lòng tin của xã hội, của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Phi Long
Dân Việt

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *