Doanh Nhân 07/12/2013 07:08

Vẫn mờ nhạt “Chân dung người nông dân Việt Nam”

FICA - Lich sử phát triển kinh tế đất nước đã chứng minh vai trò “tấm đệm” của người nông dân đã đưa đất nước vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên những gì người nông dân được hưởng hiện nay vẫn chưa xứng đáng với những đóng góp công sức của họ …

Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tam nông nhưng điều đó chỉ đúng về chủ trương, còn thực tế thực hiện chưa tiếp cận đúng mức đến người nông dân (ND).

Phát biểu tại hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập” tổ chức sáng 05/12, tại Hà Nội, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Dường như mỗi lần đất nước gặp khó khăn, kinh tế gặp cú sốc, vai trò của người nông dân lại hiện lên là tấm đệm cho nền kinh tế; nhưng khi ổn định rồi thì có vẻ vai trò của nông dân lại bị mờ nhạt.

“Cần nhìn nhận người ND trong vai trò trung tâm của tam nông để khắc họa đầy đủ và rõ nét chân dung của người nông dân, chỉ ra những nét tích cực và những yếu kém của họ… Nhìn nhận những hạn chế của họ để giúp họ phát huy khả năng chứ không phải để đánh giá thấp vai trò của họ,” TS Thắng nhấn mạnh.

 

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng vai trò người ND đang bị mờ nhạt

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người ND ở nông thôn đã được nâng cao và người ND đã có những tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ do toàn cầu hóa mang lại. Tuy nhiên, thu nhập từ nông nghiệp của người ND có xu hướng giảm trong những năm gần đây do ảnh hưởng của sự giảm giá nông sản trên thị trường. Ngày càng nhiều người chuyển sang làm dịch vụ phi nông nghiệp, làm công, làm thuê để có thêm thu nhập. Tỷ lệ phân hóa giàu nghèo ngày càng cao và dường như một bộ phận ND đang bị bỏ rơi.

Có ý kiến cho rằng ND bây giờ không đói mà chỉ thiếu tiền! Nhưng ngoài vấn đề về thu nhập hạn chế, người ND vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cú sốc tập thể như thiên tai hay cú sốc giá, và nhìn chung khả năng phục hồi sau các cú sốc này còn hạn chế. Khi khó khăn họ không biết làm gì ngoài việc cắt giảm chi tiêu, bán đất hay kêu gọi sự trợ giúp của người thân, rất ít người tìm kiếm sự trợ giúp của chính quyền hay bảo hiểm.

Người ND vẫn loay hoay với những khó khăn gặp phải trong đầu vào sản xuất như giá vật tư cao và khó tiếp cận với tín dụng nông nghiệp. Họ cũng đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm bởi họ còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường, thiếu khả năng chế biến, thiếu thông tin về giá bán sản phẩm…

Mặc dù nhiều người ND sẵn sang bán đất hay dành một khoản đầu tư lớn cho con cái học hành, nhưng nhìn chung trình độ dân trí ở nông thôn Việt Nam còn thấp, rất ít người ND đọc báo và tỷ lệ này có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Khắc họa đâu có dễ...

TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Hiện nay người ND nước ta vẫn nghèo, họ chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng vẫn không có tiền. Họ khổ như vậy nhưng chúng ta có những chính sách làm cho họ khổ thêm. Ví dụ xã Quảng Vinh, Quảng Xương (Thanh Hóa) có 500 cán bộ, có 9.500 dân, thu nhập của xã 1 tháng có 400 triệu không đủ tiền để trả cho cán bộ, buộc người ND phải đóng góp. Năm 2012 cả nước có 64.000 cán bộ chưa qua đào tạo đại học, trên 50% cán bộ xã chưa được đào tạo về quản lý thì làm sao lãnh đạo được ND.

“Mục tiêu nhất quán của chúng ta là đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được điều đó chúng ta phải vượt qua một “cửa ải” đầu tầu là tam nông. Không giải quyết được vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn chắc chắn chúng ta không thể đạt được mục tiêu này,” ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Theo ông Cường, tam nông hiện nay là “tam nông ba nhất”: Nông dân khổ nhất, nông nghiệp vất vả nhất, và nông thôn khó khăn nhất. Người ND cũng mang 5 cái nhất: Đông nhất, nghèo nhất, hy sinh nhiều nhất, hưởng lợi ít nhất và bức xúc nhất. Cần khắc họa rõ nét chân dung người ND trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập là một hình mẫu hoàn toàn mới, đưa ra tiêu chí và phân công rõ trách nhiệm người thực hiện để đạt được các tiêu chí này.

“Theo tôi, chân dung người ND mới cần phải đáp ứng 9 tiêu chí như: có trình độ KHCN; thạo nghề, lành nghề làm nông; có kiến thức sản xuất hàn hóa, kiến thức thị trường; biết sử dụng công nghệ, phương tiện cơ giới vào sản xuất; gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống; biết kết hợp phát huy giữa cần cù chịu khó và sáng tạo; hợp tác trong sản xuất; bảo vệ môi trường; và có tình cảm trong sáng, có tính cộng đồng cao,”

Ông Cường cũng cho rằng mục tiêu đề ra trong Nghị quyết TƯ 7 khóa X về tam nông có mục tiêu cao nhưng đầu tư chưa đủ và chính sách thì còn “nửa vời”.

Có đại biểu cho rằng “tinh thần đổi mới nằm trong máu của người ND Việt Nam”, do đó cần đánh giá cao năng nực đổi mới của người ND bởi họ đã và đang dần dần thay đổi để thích nghi với xu hướng phát triển và toàn cầu hóa, tiếp cận và sử dụng máy móc hiện đại, tiếp cận di động, Internet, cho con học đại học.

 

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng chân dung người ND cần gồm các yếu tố: thể lực thể chất tốt, chuyên nghiệp, có văn hóa, đời sống sung túc, và nhìn thấy tương lai. “Đồng nghiệp nước ngoài cho rằng ND Việt Nam thiếu chuyên nghiệp vì họ không biết sử dụng máy móc, không biết dùng giống gì, bón phân gì, thuốc trừ sâu gì, phun kiểu gì… hầu hết các công đoạn này họ phải thuê. Do thiếu hiểu biết tiêu dùng nên người ND làm những sản phẩm cho người ta ăn và cả họ ăn nhiều khi thành hiểm họa.”

Có ý kiến cho rằng, các nhà nghiên cứu không nên chỉ tập trung vào các mảng sáng của người ND mà nên nghiên cứu sâu vào các mảng tối trong bức tranh chân dung người ND để làm rõ tại sao 49% người ND cho đất, tặng đất? Ngoài yếu tố rằng họ không sống được bằng nghề nông thì có thể nhìn nhận dưới góc độ rằng người ND đang có những lựa chọn đầu tư và rằng đây có thể là cơ hội để tập trung hóa đất sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất manh mún. Cần làm rõ tâm trạng người nông dân với vấn đề đất đai, chính sách, với chế độ chính trị, Đảng, chính quyền, họ hài lòng ở mức nào và còn bức xúc những gì?

GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng hiện nay có ba nhóm ND: Người năng động thì giàu có, người cần cù thì đủ ăn, còn người “lờ đờ” thì “đói”. Điều cần thiết là phải đưa tiến bộ khoa học vào cho nông dân bằng cách soạn thảo những tài liệu vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ làm để hướng dẫn nông dân sản xuất thay vì đưa ra các tài liệu quá hàn lâm. Cần xây dựng sự liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp với nông dân để đưa nền nông nghiệp phát triển.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng: Có một nhóm “nông dân công” là những người ND ra thành phố làm thuê kiếm sống, họ chưa được bảo vệ quyền lợi và cũng không ai biết họ ra sao. Vai trò của doanh nghiệp là phải giúp người ND đi vào sản xuất hàng hóa. Nếu không được dẫn dắt trong sản xuất thì người nông dân vẫn bị quấn theo chiều giá: Giá lên thì đua nhau làm, giá xuống thì thi nhau bỏ.

“Chúng ta không nên chỉ nói đến cái nghèo của nông dân mà phải làm rõ vì sao họ nghèo và đưa ra giải pháp giúp họ bớt nghèo; cần làm rõ khả năng tiếp cận, hưởng lợi từ tài nguyên rừng, đất, dịch vụ công, dịch vụ kỹ thuật, sự tham gia của người ND vào các tổ chức xã hội, kinh tế ra sao, họ được hưởng lợi những gì,” ông Doanh cho biết.

Thảo Nguyên

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *