Doanh Nhân 26/04/2015 07:13

Tỷ phú thêm nghề, nữ đại gia không đếm tiền mình

Bầu Đức được đưa 50.000 tấn đường về VN, ông chủ Vingroup thực hiện việc mở rộng kinh doanh.

Bầu Đức chính thức được đưa 50.000 tấn đường về VN

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT về việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định phương thức điều hành nhập khẩu đường và hướng dẫn về thuế suất trong hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo đúng quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

 

Bầu Đức được ủng hộ đưa đường về VN

Bầu Đức được ủng hộ đưa đường về VN

 

Trước đó, đề xuất này cũng đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức đồng ý về nguyên tắc. Vào đầu tháng 1/2015, Bộ NN&PTNT đã có công văn thống nhất với Bộ Công Thương về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường là 81.000 tấn.

 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, mức thuế suất 2,5% hoàn toàn phù hợp với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

 

Song theo ông, thông tin từ cơ quan quản lý vẫn chưa làm rõ 50.000 tấn đường từ Lào có nằm trong hạn ngạch 81.000 tấn của năm nay.

 

Cường "đô la" vẫn cam chịu mức thù lao 3 triệu đồng/tháng

 

Trong khi đó, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) cũng vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2014, trong đó cho thấy, công ty này vẫn đang duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng” đầy kham khổ khi mức thù lao dành cho lãnh đạo được “ghìm” ở mức cực thấp so với mặt bằng chung trên thị trường.

 

Cụ thể, trong năm vừa rồi, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) với chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc công ty được trả mức thù lao 3 triệu đồng/tháng – mức lương ngang với một công nhân làm công việc bình thường tại các doanh nghiệp.

 

Cường

Cường "đô la" và siêu xe Lamborghini Murcielago LP640.

 

Tuy nhiên, không phải chỉ riêng ông Cường - con trai ruột của bà chủ Quốc Cường Gia Lai là phải gánh chịu mức thu nhập “bèo bọt” nói trên, bản thân bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cũng chỉ có mức thù lao 7 triệu đồng/tháng.

 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, thị giá cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai ở mức 8.500 đồng/cp. Với mức giá này, hiện bà Loan đang sở hữu khối tài sản trên sàn chứng khoán là 867 tỷ đồng, em gái Cường Đô la có 333,2 tỷ đồng. Riêng Cường Đô la chỉ nắm trong tay số cổ phần trị giá 4,6 tỷ đồng.

 

"Bà chúa" vàng nữ trang không biết có bao nhiêu tiền

 

Về nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung, bà sinh năm 1957, nguyên quán Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp. Bà bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1988 trên cương vị Giám đốc.

 

Từ năm 2004 đến nay bà Dung là Chủ tịch hội đồng quản trị và là cổ đông lớn nhất của PNJ. Năm 2011, bà Dung được bầu chọn vào top 5 doanh nhân xuất sắc nhất được vinh danh trong giải thưởng “Ernst & Young – bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2011”.

 

Hiện nay, bà Dung giữ hơn 7.000 cổ phiếu của PNJ với tổng giá trị tài sản tương đương 371,84 Tỷ VNĐ, tính đến ngày 23/4/2015.

 

Nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung

Nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vàng bạc đá quý Phú

Nhuận, bà còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những DN khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Cty CP Địa ốc Đông Á.

 

Năm 2014, PNJ trình cổ đông thông qua mức lương cho Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Trong đó, mức lương của bà Cao Thị Ngọc Dung trong năm 2013 là 153,3 triệu/tháng tương ứng 1,839 tỷ đồng/năm.

 

Ngoài ra, bà Dung còn được thưởng 2,5 tháng lương với chức vụ Tổng giám đốc, tương ứng khoảng 325 triệu đồng.

 

Theo lời nữ doanh nhân này thì tiền bà có rất nhiều nhưng cũng không để ý đến mình có bao nhiêu. Hiện nay, gia đình bà là một trong 30 gia đình giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: "Không thể làm mãi một nghề"

 

Người đàn ông giàu nhất sàn chứng khoán cũng đã có những chia sẻ trước chiến lược mở rộng ngành kinh doanh của mình.

 

Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng tiến hành đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Trong tháng 3, Vingroup liên tục có hai văn bản gửi lên Bộ GTVT đề nghị được mua lại hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn.

 

Tiếp đó, ngày 10/4, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam - Vinatexmart.

 

Sau đó, ngày 20/4, quyết định chính thức về việc góp vốn vào Công ty TNHH một thành viên Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã được Tập đoàn Vingroup công bố trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn mua lại 3 nhà ga lớn nhất VN

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất VN

 

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã tiếp tục đề xuất Bộ GTVT mong muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng.

 

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Tập đoàn Vingroup tổ chức sáng ngày 23/4, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng cho hay, sau một thời gian dài chuẩn bị, năm nay sẽ là thời điểm "vàng" để Tập đoàn “bùng nổ” với một loạt các dự án sẽ được triển khai.

 

Ông Phạm Nhật Vượng khẳng định việc đầu tư không phải theo phong trào, theo mốt mà mục tiêu là tạo ra giá trị sinh thái toàn diện, trọn vẹn cho khách hàng: từ y tế, giáo dục, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, mua sắm... và tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.

 

"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, không thể làm mãi một nghề được", ông Vượng nhấn mạnh.

 

Đại gia Sapa: Xây biệt thự tiền tỷ rồi đập bỏ

 

Nổi lên trong tuần qua, cũng phải kể đến thông tin về nữ đại gia Nguyễn Thị Thoa (sinh năm 1960, từng giữ chức Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) từ thiện hàng chục tỷ đồng, nhà bị chê xấu phá đi làm lại.

 

Một vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Lào Cai cũng cho biết: "Chỉ tính từ năm 2007 - 2011, bà Nguyễn Thị Thoa đã tài trợ cho ngành giáo dục huyện Sapa trên 5 tỷ đồng tiền mặt và trang thiết bị đồ dùng học tập.

 

Tổng số tiền người đàn bà này làm từ thiện ở Sapa cũng phải đến cả chục tỷ đồng, cùng hàng ngàn tấn gạo. Số tiền bà làm từ thiện ở cả nước thì nhiều chục tỷ đồng".

 

Bà Thoa cũng nổi tiếng là một tay chơi có máu mặt ở Sapa. Nữ đại gia này đã xây dựng một "thành phố" của riêng mình mà người dân quanh đó đều vui miệng gọi là "thành phố bà Thoa".

 

Bà Thoa đã mất nhiều năm hì hục ủi đất, xây dựng "thành phố" theo ý tưởng của bà. Nhưng khi bị chê là xây không ra hàng lối gì, nhà cửa méo mó, sai hết phong thủy, ngay lập tức, bà thuê lái máy xúc ủi luôn căn biệt thự để xây lại.

 

Người dân tò mò không hiểu sao bà lại giàu lên nhanh như vậy, mọi chuyện sáng tỏ khi đến đầu năm 2013, bà Nguyễn Thị Thoa đã bị bắt vì nhiều tội trạng.

 

Trong đó, bà Thoa đã câu kết với một số đối tượng làm nhiều hồ sơ chứng từ bất hợp pháp khiến hàng trăm nạn nhân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì trót đặt niềm tin vào bà ta trong mua bán đất đai.

 

Hiện nay, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra.

 

Theo Thái Linh (Tổng hợp)

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *