Doanh Nhân 09/01/2018 08:07

Trầm Bê tiều tuỵ trước toà; “đại gia điếu cày” Thanh Thản trông vào “số phận”

Sáng 8/1, xuất hiện trước toà để xét xử về tội “cố ý làm trái…gây hậu quả nghiêm trọng”, các ông Phạm Công Danh và Trầm Bê có sức khoẻ yếu, gầy rộc và mệt mỏi. Trong khi đó, ông Lê Thanh Thản, trong lần hiếm hoi trước báo giới, cũng cho biết đã muốn nghỉ ngơi sau khi hoàn tất dự án Thanh Hà và “chỉ biết lấy số phận an ủi” trước khả năng bị khởi tố.

Các bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê xuất hiện bước vào phiên xét xử (ảnh: Vietnamnet)
Các bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê xuất hiện bước vào phiên xét xử (ảnh: Vietnamnet)

Phạm Công Danh, Trầm Bê sức khỏe yếu trong phiên xét xử

Sáng nay (8/1), báo chí đồng loạt đưa tin vụ xét xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong chiếc áo sơ mi tối màu, Phạm Công Danh được dẫn tới tòa những bước chân chậm rãi nặng nề, mái tóc bạc trắng, người gầy gò hơn nhiều so với phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vào đầu năm 2017.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho rằng bệnh tim, cao huyết áp của ông Danh đang có chuyển biến xấu hơn so với phiên tòa lần trước. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Danh than sức khỏe yếu trí nhớ kém. Do biểu hiện mệt, nên ông Danh đã được tòa cho phép vào phòng lưu tạm để đội ngũ y tế chăm sóc.

Trong khi đó, sức khỏe ông Trầm Bê được cho biết có phần yếu hơn so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Khi được gặp gia đình và thời tiết Sài Gòn ấm, tinh thần ông ổn định, khá thoải mái trước phiên xét xử diễn ra vào ngày 8/1.

Theo luật sư, ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, các luật sư đã gửi bệnh án cho TAND TPHCM, đề nghị để ông Bê được ngồi trong quá trình xét xử.

Trước tòa hôm nay, theo tường thuật của báo chí, ông Bê xuất hiện với dáng vẻ gầy rộc, tiều tuỵ, trên tay cầm túi nylon thuốc tây.

Mường Thanh nộp hơn 1.000 tỷ đồng hậu thanh tra

Chia sẻ trong một cuộc gặp báo chí gần đây, ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh cho biết, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có một số thiếu sót vi phạm, vừa qua đã và đang khắc phục những vấn đề tồn tại sau thanh tra, kiểm tra.

Riêng về kinh tế, cho đến sát ngày 27 Tết năm ngoái, thực hiện các kết luận thanh tra, Tập đoàn Mường Thanh đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt vi phạm (kể cả tiền sử dụng đất đối với các diện tích xây vượt tầng).

Ông Thản khẳng định: Tôi chỉ làm kinh doanh thuần túy, không cố ý vi phạm, quá trình sản xuất kinh doanh chưa được “ưu ái” gì.

Tập đoàn Mường Thanh có thời kỳ mỗi tháng tiếp khoảng 40 đoàn thanh tra, kiểm tra. Mỗi đoàn có những yêu cầu khác nhau và đều căn cứ trên cơ sơ luật pháp quy định.

Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (ảnh: Dân Việt)
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (ảnh: Dân Việt)

Và khi được hỏi nếu cơ quan chức năng quyết khởi tố, ông Thản nói với nhà báo: “Chúng tôi đã chấp hành, thực hiện đầy đủ. Quyết định thế nào là quyền của các cơ quan chức năng. Tôi chỉ biết lấy số phận an ủi thôi. Tôi là người sống thật, không thể giả dối được. Tính cách người Nghệ thế. Nhưng có lẽ điều này cũng gây nhiều phiền toái, thiệt thòi cho tôi”.

Sau khi chia sẻ “bí quyết” kéo giá thành xuống thấp để cung nguồn nhà giá rẻ cho thị trường, vị “đại gia điếu cày” cũng cho biết, sau khi làm xong dự án Thanh Hà, ông sẽ nghỉ.

Doanh nhân lão làng này cũng nhận xét, trên (Chính phủ - PV) thoáng nhưng dưới “thủ tục” rất phức tạp. Chủ trương của Chính phủ rất tốt, nhưng cái vướng lại nằm ở luật “bất thành văn”, ở một số cán bộ trực tiếp khi làm việc với doanh nghiệp.

“Thủ tướng Chính phủ sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng những cán bộ mà tôi đang tiếp xúc hàng ngày lại không cho tôi thấy được điều đó. Mỗi lần có việc là “nản” bởi thủ tục, thôi thì đủ thứ “nhiêu khê” phức tạp!” – ông Thản trải lòng.

Sacombank đã xử lý hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo thông tin được ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cung cấp, tính đến hết năm 2017 ngân hàng này đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, Sacombank đã phải áp dụng nhiều biện pháp: Bao gồm, thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.

Riêng việc tổ chức bán đấu giá công khai ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng vào giữa tháng 12/2017 vừa qua cũng đã đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho kết quả xử lý nợ xấu của Sacombank.

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, hiện đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB của Sacombank hiện đang giao dịch mạnh với việc tăng trần lên 14.550 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đầu phiên chiều đã gần 34 triệu đơn vị, lệnh mua chồng chất với dư mua trần gần 1,3 triệu cổ phiếu; không hề có dư bán.

Bích Diệp (tổng hợp)

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *