Tiền và Hàng 18/03/2014 19:59

Gần 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường

FICA - Các quy định có liên quan về quản lý thực phẩm chức năng của Việt Nam chưa được chặt chẽ và rõ ràng dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm.

Theo LS - ThS. Phạm Thị Vân Thành, Việt Nam hiện có gần 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng với gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngoài các sản phẩm sản xuất trong nước, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 40% tổng sản lượng thực phẩm chức năng tiêu thụ trên cả nước.

Các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng bá và sử dụng ngày càng rộng rãi tại Việt Nam. Trên các phương tiện thông tin truyền thông (truyền hình, internet, tờ rơi…vv), nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược, phòng tránh và thậm chí là chữa được bách bệnh.

Phần đông người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm này với một tâm lý chung là để bổ sung vào khẩu phần ăn bị thiếu hụt hoặc để tăng cường sức đề kháng, tăng cường chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có công dụng làm đẹp, chống lão hoá hoặc phòng ngừa bệnh tật, thậm chí là chữa bệnh và cho rằng chúng thường không có tác dụng phụ.

Tuy nhiên, theo ThS Phạm Thị Vân Thành, trên thực tế, các quy định có liên quan về quản lý thực phẩm chức năng của Việt Nam chưa được chặt chẽ và rõ ràng dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm. Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người sử dụng, có thể làm cho bệnh nặng thêm vì người dùng tin vào tác dụng và khả năng chữa bệnh, hay thuyên giảm bệnh của sản phẩm trong khi các sản phẩm này lại không phải thuốc chữa bệnh.

Không những thế đa số thực phẩm chức năng được bán với một giá đắt gấp nhiều lần so với giá thực tế, ảnh hưởng đến kinh tế và niềm tin người tiêu dùng. Ví dụ vụ việc thực phẩm chức năng có nhãn hiệu Pine Oil Extract (đã được Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 5024/2011/YT-CNTC) có hình thức và mẫu mã giống hệt sản phẩm Pine Power Gold độc quyền từ tập đoàn Hankook Anderson (Hàn Quốc), và được bán với giá trên 1 triệu đồng/hộp trong khi sản phẩm này được công ty nhập khẩu với giá chưa đến 50 nghìn đồng/hộp.

Trên đây chỉ là một trong những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này, tuy rằng sau khi bị phát hiện sai phạm, đơn vị kinh doanh đã bị thu hồi giấy phép nhưng điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng và các quy định về thực phẩm chức năng chưa được rõ ràng.

Do vậy, để quyền lợi người tiêu dùng thực sự được bảo vệ, ThS Vân Thành cho rằng, các quy định trên trước mắt cần phải được quy định rõ ràng hơn và sau đó tiến tới xây dựng một khung pháp lý riêng cho thực phẩm chức năng ở nước ta. Mục đích để đảm bảo rằng mọi sản phẩm là thực phẩm chức năng đều thực sự an toàn đối với sức khoẻ con người và được quản lý nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng. Tránh trường hợp một số sản phẩm có ghi rõ là thực phẩm chức năng nhưng có thành phần của thuốc chữa bệnh, được quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, việc ban hành khung khổ pháp lý hoàn chỉnh có thể giúp người tiêu dùng phân biệt được rằng các sản phẩm này không phải là thực phẩm nhưng cũng không phải là thuốc chữa bệnh cũng như hiểu được tác dụng, bao gồm cả tác dụng phụ, những lợi ích đối với sức khoẻ của họ, và những quyền lợi hợp pháp mà họ được hưởng trong trường hợp có bất cứ phản ứng nguy hại nào có thể xảy ra trong và sau khi sử dụng các sản phẩm đó.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *