Doanh Nhân 15/12/2014 09:16

Những đại gia ngân hàng “ngã ngựa” năm 2014

Dù lĩnh vực ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì cũng không thể vin vào cớ đó làm sai để trục lợi cá nhân.

Thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đã có những diễn biến với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

 

Tính riêng trong năm 2014, đối với lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, cơ quan chức năng đã khởi tố 303 vụ, trong đó có một số vụ án nghiêm trọng xảy ra ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Đã có hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ngân hàng bị triệu tập, bắt giữ với những sai phạm nghiêm trọng trong công tác điều hành, quản lý hoạt động tiền tệ.

 

Có thể dẫn chứng một vài vụ việc tiêu biểu: Ngày 25/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can và bắt khẩn cấp 6 cán bộ và lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh khu vực Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Nhóm bị bắt tạm giam gồm Trịnh Tuấn Mẫn, nguyên giám đốc; Huỳnh Quang Xuân, Trưởng phòng tín dụng và Trần Thị Oanh - cán bộ Phòng tín dụng chi nhánh VDB khu vực Minh Hải. Ba cán bộ được tại ngoại là Vũ Văn Quang, nguyên phó giám đốc; Phan Thanh Toàn và Phan Thanh Hải, cùng chức danh Phó phòng tín dụng chi nhánh VDB khu vực Minh Hải.

 

Theo hồ sơ khởi tố, Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Trong vòng 5-10 năm, các doanh nghiệp vay vốn phải hoàn lại vốn đã quá hạn nhưng VDB khu vực Minh Hải không thu hồi được nợ, phần lớn các doanh nghiệp vay vốn sử dụng đồng vốn chưa đúng mục đích, làm ăn thua lỗ đứng bên bờ vực phá sản.

 

Ông Hà Văn Thắm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD. (Ảnh: KT)
 

Đến cuối tháng 7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố và bắt tạm giam ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ông Mai Hữu Khương thành viên HĐQT VNCB, ông Phan Thành Mai nguyên TGĐ VNCB vì “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 

Ba nhân vật này đồng thời còn là lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Nhóm người này đã lập tài khoản thế chấp vay tiền tại VNCB; lập chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, không có hồ sơ… khi quá hạn không có khả năng thu nợ gây thiệt hại cho VNCB trên 6.000 tỉ đồng.

Sau đó không lâu, vào ngày 20/9, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt ông Đỗ Tất Ngọc, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank – Một ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam hoạt động bằng vốn ngân sách.

 

Trước khi ông Đỗ Tất Ngọc bị bắt, một loạt các lãnh đạo Agribank cũng đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra như ông Phạm Thanh Tân, cựu TGĐ Agribank; cựu Phó TGĐ Agribank Kiều Trọng Tuyến và ông Phạm Ngọc Ngoạn, cựu Ủy viên HĐTV Agribank. Tất cả những người này đều bị bắt giữ vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Và mới đây nhất, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng bị bắt vì “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 

Ngoài việc từng là cựu chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Thắm còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương và nhiều công ty khác có liên kết với OceanGroup. Cơ quan Thanh tra của NHNN đã phát giác hoạt động cho vay của OceanBank có nhiều điểm bất ổn, riêng ông Thắm có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

 

Sau hàng loạt những vụ sai phạm lớn trong ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội đã thừa nhận, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN. 

 

Về phía phía Bộ Công an, để xảy ra tình trạng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, nguyên nhân quan trọng trước tiên là do cơ chế quản lý nhà nước còn sơ hở về tài chính, đất đai, tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó tình hình kinh tế còn khó khăn, thất nghiệp nhiều, tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội cũng đáng báo động. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu có lúc còn chưa nghiêm.

 

Xoay quanh câu chuyện một số lãnh đạo ngân hàng bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra trong thời gian gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của một số ngân hàng trong thời gian vừa qua thể hiện tính thượng tôn của pháp luật.

 

“Đây cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các tổ chức tín dụng và những ai đã làm sai, trục lợi cá nhân thì nên dừng lại. Đối với những người có ý định làm sai thì lấy đó là tấm gương cho mình. Dù lĩnh vực ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì cũng không thể vin vào cớ đó làm sai để trục lợi cá nhân. Đây là tác dụng của tái cơ cấu, đổi mới thể chế hoạt động nền kinh tế”, ông Kiên chia sẻ.

 

Ông Kiên cũng cho rằng, những vụ việc tham nhũng tương tự sẽ được đưa ra ánh sáng trong thời gian tới, khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra rốt ráo. Trong quá trình tái cơ cấu, rà soát lại hệ thống, nếu thấy những gì chưa phù hợp, là kẽ hở để các đối tượng trục lợi thì phải nhanh chóng và kiên quyết sửa đổi cho phù hợp. Còn cái nào đã tốt rồi thì nên phát huy.

Theo VOV
Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *