Doanh Nhân 19/04/2015 15:12

Một nhà đầu tư hơn 20 năm đi tìm công lý

Thật chạnh lòng khi tiếp xúc với bà - một người phụ nữ đầy kiên nghị - nay đã bước vào tuổi già, nhưng lòng vẫn chưa yên, bởi việc đầu tư của mình gặp đầy trắc trở. Bà kể về suốt hơn 20 năm đi tìm công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình, bởi đã đầu tư rất lớn tài sản vào khu nhà xưởng để sản xuất, nhưng các cơ quan chính quyền cứ mãi đùn đẩy trách nhiệm.

Xót xa kho hàng nhà xưởng Trang Thảo mà bà Còn đã đầu tư rất nhiều tiền, nay do bị ngưng trệ kéo dài nên xuống cấp.

Bức xúc và mong mỏi của bà đang chờ cách giải quyết thấu tình đạt lý của cấp quận và UBND TPHCM.

Biến hoang hóa thành nhà xưởng tạo công ăn việc làm

Đó là bà Nguyễn Thị Còn (SN 1962, ngụ đường Bàn Cờ, phường 3, quận 3, TPHCM) bức xúc gửi đơn cầu cứu đến Báo Lao Động & Đời sống, trình bày về hoàn cảnh từ một nhà đầu tư với số tiền cực lớn cách đây hơn 20 năm, nay bà đang rơi vào hoàn cảnh éo le đến cùng cực. Khi trình bày với chúng tôi, bà Còn không thể cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt già trước tuổi ấy.

Bà Còn trình bày, mới đây, UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM bỗng dưng buộc bà trong vòng 3 ngày phải bàn giao một phần đất tại kho Trang Thảo (có diện tích gần 1.400m2) để xây dựng trụ sở văn phòng Khu phố 6 với diện tích 84m2 và phần đất còn lại sẽ thực hiện bán đấu giá theo công văn số 2665/UBND-TM do bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - ký ngày 27.11.2014. Nội dung là thay đổi phương án xử lý 7 địa chỉ nhà đất của UBND quận Bình Tân, TPHCM, trong đó có phần đất kho Trang Thảo còn 1.389m2, tại tờ bản đồ số thứ 60, thửa 233 bộ địa chính phường Tân Tạo A, quận Bình Tân lập (trước đây là huyện Bình Chánh). Với nội dung này, các cơ quan chức năng đã không hề đoái hoài đến quyền lợi hay thông báo gì cho bà Còn biết.

Tìm hiểu theo phản ánh cầu cứu của bà Còn, phóng viên Báo Lao Động & Đời sống đã vào cuộc thì biết được nguồn gốc đất tại kho Trang Thảo vào năm 1990 là hố bom, ao rau muống bị bỏ hoang sơ nằm ngay mặt đường Quốc lộ 1A. Với đầu óc của một người kinh doanh, tuy khu đất hoang sơ là vậy, nhưng bà Còn đã phát hiện một tiềm năng, đây là một địa điểm thuận lợi giao thương cho ngành nghề lương thực đón mua gạo từ đầu ngõ ra vào TPHCM với thương lái miền Tây rất thuận lợi. Thế là dám nghĩ dám làm, bà Còn - với tư cách là Phó Giám đốc xuất nhập khẩu Cty Trilimex quận 3, TPHCM, chuyên xuất khẩu gạo - đã liên hệ Công an huyện Bình Chánh để ký kết hợp đồng thuê phần đất trên vào năm 1991 với giá 5.000.000 đồng/tháng.

Từ cơ sở pháp lý thuê đất này, bà Còn mạnh dạn đầu tư xây hàng trăm triệu đồng (vào thời đó số tiền này là rất lớn). Từ chỗ đất ao sâu, hoang hóa, bà Còn cho san lấp, cải tạo và xây dựng nhà kho hơn 1.400m2, bên cạnh đó cũng khai phá và bồi thường cho một số hộ dân để làm con đường với diện tích 600m2 xe tải ra vào kho hàng dễ dàng. Với số tiền đầu tư cực lớn vào thời điểm đó, bà Còn đã tạo dựng được kho hàng - có thể nói là lớn nhất khu vực này. Kho Trang Thảo có hai con đường dẫn ra vào kho, một là đường ra Quốc lộ 1A và một hướng ra đường Trần Đại Nghĩa.

Sau khi đầu tư nhà kho và xưởng sản xuất, ông Nguyễn Văn Hùng (tự Hùng “cám”) tham gia góp vào một số máy móc thiết bị lau bóng gạo và trực tiếp trông coi sản xuất, thu mua gạo (chủ yếu là của thương lái từ cửa ngõ miền Tây lên TPHCM) để chế biến. Sau khi gạo thành phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bà Còn làm nhiệm vụ tìm đầu ra cho gạo trong nước, xuất đi nước ngoài. Bên cạnh việc cải tạo hoang hóa, ao hồ thành nhà xưởng nhà kho sản xuất kinh doanh tốt, bà Còn cũng là người tạo cho hàng trăm người lao động địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

 
Lối vào kho hàng Trang Thảo bị lấn chiếm gần hết lối đi, nay lại thêm việc phường muốn xây trụ sở văn phòng khu phố… Ảnh: ĐỨC HIỀN 

Ăn quả quên… kẻ trồng cây

Tuy nhiên, việc kinh doanh sản xuất của bà Còn chỉ mới hoạt động được một năm, đến năm 1992, bất ngờ ông Hùng “cám” bỏ trốn vì đổ nợ với người khác do chính ông này gây ra. Đã phóng lao phải theo lao, bà Còn tự mình đứng ra thay thế ông Hùng “cám” quản lý kho và nhà xưởng cùng người lao động, tiếp tục việc kinh doanh và sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, bà Còn tiếp tục tái ký hợp đồng thuê đất với Công an huyện Bình Chánh (hợp đồng ký ngày 3.3.1994). Từ đây, bà Còn tiếp tục đổ vốn hàng trăm cây vàng đầu tư vào nhà xưởng để sản xuất gạo xuất khẩu với hàng trăm tấn gạo thu mua và xuất khẩu hàng tháng.

Thế nhưng, bất ngờ UBND huyện Bình Chánh thành lập Đoàn công tác đến thông báo niêm phong toàn bộ xưởng và nhà kho Trang Thảo, với lý do ông Nguyễn Văn Hùng (Hùng “cám”) đã thế chấp kho hàng này để vay vốn của ngân hàng. Ông Hùng “cám” đã bỏ trốn nên bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phát lệnh truy nã. Kho hàng Trang Thảo bỗng dưng bị phát mãi trả nợ vay cho ông Hùng.

Bà Còn làm đơn khiếu nại, cầu cứu khắp nơi, cho rằng tài sản kho hàng Trang Thảo không phải là toàn bộ của ông Hùng “cám”, mà vốn đầu tư là của bà Còn, đứng pháp nhân là Cty Trilimex quận 3, TPHCM. Và cũng từ đó, mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của bà Còn bị ngưng trệ, tê liệt. Nhà xưởng bị bỏ hoang phế, kho hàng xuống cấp vì không hoạt động. Bà Còn liên tục đi tìm công lý, gõ cửa cầu cứu khắp nơi.

Đến năm 1998, đơn cầu cứu của bà Còn được Cơ quan CSĐT Công an TPHCM giải quyết bằng cách tạm giao kho hàng Trang Thảo cho Cty Trilimex bảo quản, chờ đấu giá, bởi ông Hùng “cám” đã ra trình diện đầu thú với công an. Qua nhiều phiên tòa xét xử, đến phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM phán quyết, ông Hùng “cám” phải trả và bồi thường cho nhiều cá nhân và đơn vị, trong đó ông Hùng phải bồi thường cho Cty Trilimex quận 3, TPHCM số tiền hơn 347 triệu đồng (theo bản án số 551/HSPT 12/04/2001). Không những vậy, theo phán quyết của tòa án phúc thẩm, ông Hùng “cám” còn bị buộc bồi thường cho UBND huyện Bình Chánh 54 triệu đồng, Cty SinCo 16 triệu đồng, Cty Tổng hợp Tiền Giang 18 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Ba 9 triệu đồng, bà Lê Kim Xuyến 10 triệu đồng…

Lúc này, ông Hùng “cám” ngồi tù, không có khả năng chi trả các khoản tiền theo tòa án phán quyết, bà Còn đã vay mượn khắp nơi trả nợ thay cho ông Hùng để mọi chuyện êm đẹp. Đến năm 2012, khi thi hành án kê biên phát mãi kho Trang Thảo giá đấu giá, chính bà Còn đã trúng đấu giá, mua lại kho hàng này với giá 91 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Còn đã nhiều lần đề nghị xem xét để được cấp quận, cấp thành phố giải quyết cho bà tiếp tục thuê theo hợp đồng đã ký với cơ quan chức năng hoặc mua khu đất theo chỉ định để ổn định việc sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bà Còn trình bày: “Hơn 25 năm tôi thuê đất và là người đầu tư hàng trăm lượng vàng để cải tạo, nâng cấp khu đất này, bỗng dưng ngày 24.3 vừa qua, UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân mời tôi lên làm việc và yêu cầu giao mặt bằng là lối đi vào kho Trang Thảo trong thời hạn 3 ngày cho UBND phường xây văn phòng Khu phố 6. Làm như vậy là bít mất lối đi ra vào kho Trang Thảo, UBND phường cũng nói bằng miệng mà chẳng có văn bản gì cả… Cách làm này của UBND phường là trái pháp luật. Tôi đề nghị UBND quận Bình Tân và UBND TPHCM cần sớm xem xét giải quyết ngay tình trạng xây dựng trụ sở văn phòng Khu phố 6 một cách vô lý của UBND phường Tân Tạo A”.

 
Bà Còn khẳng định với Báo Lao Động & Đời sống, bà xin tặng 600 triệu đồng cho UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân để xây dựng trụ sở văn phòng Khu phố 6 trên mảnh đất công cách kho hàng Trang Thảo vài chục mét. Trong buổi làm việc mới đây với UBND quận Bình Tân, TPHCM, bà Còn cũng khẳng định việc này và đề đạt nguyện vọng chính đáng là xin mua khu đất đặt kho Trang Thảo theo quy định của Nhà nước, nhằm tiếp tục việc kinh doanh và sản xuất mà bà đã đầu tư tiền bạc và công sức suốt hơn 20 năm qua.

Theo Chí Hải - Đức Hiền

Lao Động 

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *