Doanh Nhân 04/08/2014 10:01

Một năm ngồi "ghế nóng" của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc

ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, Tập đoàn đang nỗ lực từng bước để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chiến lược toàn cầu hóa.

Trao đổi với phóng viên đúng dịp tròn 1 năm nhậm chức, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, Tập đoàn đang nỗ lực từng bước để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chiến lược toàn cầu hóa.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT

Có rất nhiều áp lực trong 1 năm ngồi “ghế nóng” ở FPT. Ông đã vượt qua như thế nào?

Có rất nhiều sự mong đợi từ thị trường, từ nhà đầu tư,  từ các cán bộ, nhân viên của FPT và tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện được những cam kết mình đưa ra khi nhậm chức. Đó là làm sao để FPT chuyên nghiệp hơn, quốc tế hóa hơn và thay đổi nhiều hơn.

 

Tôi cảm thấy tạm hài lòng khi đã làm được một số việc  như đẩy mạnh công tác quản trị theo phương pháp thẻ điểm cân bằng (BSC) - công cụ quản lý được 65% trong số Top 1.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo Fortune ứng dụng; chỉ đạo triển khai Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung hóa năng lực quản lý… trong toàn Tập đoàn.

 

Còn chuyện quốc tế hóa, có thể lấy ví dụ bằng việc FPT mới đây đã hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE (Tập đoàn có doanh thu năm 2013 lên tới trên 70 tỷ USD). Chúng tôi cũng nỗ lực “đẩy” tất cả các đơn vị thành viên ra với thị trường toàn cầu và năm 2013 là năm đầu tiên, 6 công ty thành viên có doanh thu từ thị trường nước ngoài.

 

Trong 6 tháng đầu năm, FPT đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 22%. Điều này có khiến ông hài lòng?

 

Nửa đầu năm này doanh thu toàn Tập đoàn đạt 15.211 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 107% kế hoạch lũy kế. Mảng xuất khẩu phần mềm duy trì sự tăng trưởng ổn định với doanh thu tăng 21%. Khối viễn thông cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17%...

Tuy nhiên, trong khi doanh thu có tốc độ tăng trưởng tốt, thì lợi nhuận lại không được như chúng tôi mong đợi. Có nhiều nguyên nhân, như mảng game và tích hợp hệ thống chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường trong nước.

 

FPT vừa thực hiện hai thương vụ M&A lớn, tức là phải tăng chi trong khi chưa thể có ngay lợi nhuận. Điều này khiến áp lực về lợi nhuận sẽ càng lớn…

 

Trước mắt, chúng tôi sẽ phải rà soát lại những dự án kinh doanh có thể kết thúc nhanh để mang lại doanh thu, tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận. Trong dài hạn, sẽ tập trung tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về M&A, đây là chiến lược được FPT đặt ra từ năm ngoái để giải quyết bài toán tăng trưởng. Hiện ở thị trường trong nước, một số phân khúc thị trường đã tới hạn, gần như không thể tăng trưởng được nữa. M&A ở nước ngoài là một giải pháp để tăng doanh thu và lợi nhuận. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã mua RWE IT Slovakia và mua trang thương mại điện tử 123mua.vn từ VNG. Lợi nhuận sau M&A chưa thể thấy ngay được nhưng FPT vẫn mạnh dạn thực hiện, bởi đó là đầu tư cho tương lai. Chúng tôi cần mở rộng thị trường, khách hàng, sản phẩm dịch vụ mà hiện tại FPT chưa có. Thực hiện M&A, chúng tôi sẽ có được những giá trị đó.

 

Đây có phải là cách để FPT thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa vẫn được ông nhắc tới không?

 

M&A là một bước đi quan trọng khi FPT thực hiện chiến lược toàn cầu hóa. Bên cạnh M&A, chúng tôi cũng đang tích cực mở rộng thị trường ở nước ngoài qua việc thành lập FPT ở Singapore; đẩy nhanh tốc độ thâm nhập thị trường Myanmar, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật...

Hiện FPT đã có mặt ở 19 thị trường trên toàn cầu. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong 6 tháng qua đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn. Chúng tôi hy vọng, trong những tháng cuối năm, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ tốt hơn, bởi nhiều dự án bắt đầu triển khai vào nửa sau của năm và đạt được tốc độ tăng trưởng 30%.

Theo Nguyên Đức

Đầu Tư

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *