Doanh Nhân 25/11/2013 09:15

Kềm Nghĩa: Số 1 thế giới từ tủ nhỏ bên đường

Không có gì ngăn cản Kềm Nghĩa trở thành thương hiệu kềm dẫn đầu thế giới. Cách đây 10 năm, đó là giấc mơ, nhưng hiện tại, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, thời gian để hoàn thành mục tiêu này là 5 năm.

Nổi danh nhờ… xách tay

Cách đây 2 tháng, trong buổi làm việc xét chọn thương hiệu tiêu biểu của Hội đồng chung tuyển Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2013, câu chuyện “xuất khẩu bằng đường xách tay” của Kềm Nghĩa nổi lên thành một chủ đề sôi nổi về con đường đưa thương hiệu Việt ra thế giới.


Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa

Cũng phải nói thêm, thành viên Hội đồng chung tuyển của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt hầu hết là doanh nhân tên tuổi, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Họ không chỉ là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn là những con người được kỳ vọng sẽ tạo nên chỗ đứng xứng đáng cho thương hiệu Việt trên thị trường khu vực và thế giới.

Còn nhớ khi đó, một vị doanh nhân tên tuổi của Hội đồng chung tuyển Giải thưởng đã phải thốt lên rằng, nếu không có dịp trực tiếp đến các cơ sở sản xuất của Kềm Nghĩa, chứng kiến hàng trăm công nhân làm việc liên tục, nghe chuyện người Việt ở Mỹ tiêu thụ hàng trăm triệu bộ dụng cụ làm móng mỗi năm qua đường “xách tay” của người Việt về thăm quê, ông không thể tin rằng, sản phẩm của Kềm Nghĩa được giới chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp dịch vụ nail xếp hàng thứ 3 thế giới.

Hiếm có sản phẩm “made in Việt Nam” lại có được doanh số xuất khẩu nhờ hàng xách tay như Kềm Nghĩa. Theo thông tin của Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2013, “hàng xách tay” chiếm 40% doanh thu nội địa, trị giá khoảng 5 triệu USD. Nếu so với doanh thu xuất khẩu qua đường chính ngạch là 2,5 triệu USD, có thể thấy cán cân đang nghiêng về phương thức xuất khẩu đặc biệt này.

“Xách tay không phải là một hoạt động mà chúng tôi khuyến khích. Đó chỉ là một thực tế mà chúng tôi khó ngăn được, dù biết rằng xách tay đôi khi làm méo mó giá cả và sản lượng trên thị trường xuất khẩu chính thức của sản phẩm Kềm Nghĩa”, ông Tuấn nói.

Công xưởng kềm của thế giới

Thực ra, chuyện Kềm Nghĩa nổi tiếng trong giới làm nail chuyên nghiệp không phải là mới, hay như việc không ít người Việt ở Mỹ kiếm lời khá lớn từ các chuyến “hàng xách tay” mỗi lần về thăm quê hương cũng đã được nhắc tới, nhưng thứ hạng tốp đầu thế giới của một thương hiệu Việt thuần túy thì thực sự đáng để bàn.

Đem câu chuyện này đến hỏi ông Nguyễn Minh Tuấn, ông thẳng thắn, hiện chưa có một cuộc thăm dò hay điều tra chính thức nào về một thương hiệu kềm hàng đầu thế giới, nên cũng không rõ xếp hạng thế nào.

“Cũng có một số thương hiệu kềm nổi tiếng tại Pháp và Đức, được thị trường quốc tế biết đến rộng rãi nhờ xuất hiện cách nay hàng trăm năm. Trong khi đó, Kềm Nghĩa mới xây dựng thương hiệu chừng 20 năm nay, nhưng chúng tôi tự hào là một trong những thương hiệu Việt Nam đầu tiên bước ra thị trường quốc tế và gây tiếng vang lớn nhờ uy tín chất lượng và là người tiên phong mở đường cho thế giới biết đến Việt Nam như một nước mạnh trong lĩnh vực sản xuất kềm”, ông Nghĩa tự hào chia sẻ.

Thử làm một vài phép so sánh trong lĩnh vực sản xuất kềm và dụng cụ làm móng cho giới chuyên nghiệp, Kềm Nghĩa của Việt Nam đang được xếp hàng đầu về chất lượng, đứng đầu về quy mô và tổ chức sản xuất và đứng thứ hai về công suất sản xuất. Thậm chí, nếu tính theo cách xếp hạng các thương hiệu bị làm nhái trong ngành công nghiệp sản xuất công cụ, dụng cụ chăm sóc sắc đẹp dựa trên xuất xứ của sản phẩm tại thị trường Trung Quốc, thì tỷ lệ sản phẩm “made in Vietnam” bị nhái đã vượt qua nhiều nguồn gốc khác, buộc ông Tuấn phải niêm yết giá cao hơn các sản phẩm cùng loại khoảng 4 lần để chống lại hàng giả, hàng nhái...

Không những thế, nghe kể, các thợ làm nail người Việt tại Mỹ sử dụng Kềm Nghĩa không chỉ như một dụng cụ chất lượng, mà còn là cách khẳng định chất lượng phục vụ cho công việc của họ. Đây là điều mà bất cứ một thương hiệu, sản phẩm nào cũng mong muốn đạt tới.

“Thông thường, các nhà sản xuất muốn bán được hàng trên thị trường thường làm hàng giá rẻ, nên chất lượng không tốt. Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng dần dần thấy dó là cách làm ăn theo kiểu ‘mỳ ăn liền’, không có tương lai”, ông Tuấn kể khi được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng uy tín cho một sản phẩm tiêu dùng tưởng như nhỏ bé và đơn giản vô cùng.

“Làm kềm, nhưng tôi đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đào tạo công nhân tay nghề giỏi, sử dụng nguyên liệu thép cực tốt và áp dụng hệ thống quản lý ISO theo tiêu chuẩn quốc tế ngay từ thời kỳ bắt đầu phát triển. Có thể, một phần bởi tôi là người đam mê kỹ thuật và công nghệ, song mấu chốt của cách làm này là tôi muốn phục vụ khách hàng không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể với tất cả trách nhiệm và sự trân trọng”, ông Tuấn chia sẻ.

Vậy nên, người tạo dựng nên thương hiệu Kiềm Nghĩa từ những ngày đầu tiên vất vả với công việc mài kềm kiếm ăn đã lăn lộn ở nhà máy, cùng với các kỹ sư của tôi ngày đêm mày mò tìm các bí quyết công nghệ, nhằm giúp nâng cao tay nghề của người thợ, giúp người chưa khéo khéo hơn. Kềm bán ra không đạt yêu cầu, ông Tuấn yêu cầu đổi cho khách hàng không điều kiện, mọi chi phí thu đổi Công ty chịu. Lâu dần, cách làm trở thành văn hóa ứng xử truyền thống của Công ty…

Hiện sản phẩm của Kềm Nghĩa đã có mặt ở 25 quốc gia trên thế giới, tập trung vào thị trường các nước công nghiệp phát triển đòi hỏi chất lượng cao.

Mỗi năm, doanh thu xuất khẩu của Kềm Nghĩa tăng khá mạnh. Kềm Nghĩa đã trở thành đối tác gia công ngày càng quan trọng của nhiều doanh nghiệp có thương hiệu kềm hàng đầu châu Âu và thế giới, như Zwilling Henckel, Credo (Đức), Kiepe, Tecniwork (Italy), Decorse Voirin -SAM (Pháp) hay Alex Beauty Concept, Metzger, Vector Group (Nga), Utsumi, Suwada (Nhật Bản)…, với tổng giá trị hơn 2 triệu USD. Thị trường Trung Quốc cũng là nơi tiêu thụ lớn sản phẩm của Kềm Nghĩa.

 

Số 1 không còn là giấc mơ

Hiện tại, ông Tuấn cho biết, Kềm Nghĩa có 3 nhà máy sản xuất, gồm Nhà máy tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Nhà máy tại Hóc Môn, Nhà máy tại Khu công nghiệp Xuyên Á - Long An, với tổng diện tích gần 20.000 m2.

Cả 3 nhà máy đều được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, tự động và bán tự động, quy trình công nghệ tiên tiến, có đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ sư lành nghề, với trên 1.800 lao động thời vụ và bán thời vụ phục vụ hoạt động sản xuất kềm cắt móng và kềm cắt da, các công cụ làm móng khác, nước sơn...

Cũng nghe ông kể, việc quản lý các nhà máy được chuyên nghiệp hóa từ những bước đầu tiên, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, công suất sản xuất trung bình mỗi năm hàng chục triệu sản phẩm kềm các loại. Việc kiểm tra chất lượng được thực hiện với 100% sản phẩm được kiểm tra ở khâu cuối cùng, các sản phẩm trước khi nhập kho đều qua sự kiểm tra, đảm bảo không có sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm có sai lỗi nhập kho thành phẩm.

Rồi kế hoạch xây dựng cụm nhà máy tập trung, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ mới, tăng cường đội ngũ quản lý và nhân viên kỹ thuật, đào tạo lao động tay nghề cao, cải thiện môi trường làm việc nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm… đang được rốt ráo triển khai.

Nếu so với thời điểm năm 1982, thời điểm ông Tuấn đặt tủ nhỏ bên vỉa hè để hành nghề mài kềm, đến năm 1992, xưởng sản xuất Kềm Nghĩa đầu tiên ra đời với cái tên “Nghĩa Sài Gòn” trên diện tích mặt bằng khoảng 200 m2, vài chục công nhân đều là người trong gia đình và tận dụng nhà ở mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, bản thân ông Tuấn cũng vừa làm thầy, vừa làm thợ, chặng đường thực hiện ước mơ làm chủ của ông chủ Kềm Nghĩa có vẻ đã thành công. Song, cũng như ông đã từng chia sẻ, ông không phải là người an phận.

“Tôi muốn nhắc lại một lần nữa là, Việt Nam hội đủ điều kiện để trở thành quốc gia sản xuất kềm hàng đầu thế giới, do đó không có lý do nào ngăn được Kềm Nghĩa trở thành thương hiệu kềm dẫn đầu thế giới. Trước đây 10 năm, điều đó chỉ là giấc mơ, nhưng giờ đây nó đang trở thành hiện thực. Chúng tôi đang ráo riết triển khai kế hoạch 5 năm để thực hiện mục tiêu này”, ông Tuấn thẳng thắn chia sẻ về một tương lai dẫn đầu thế giới của thương hiệu Việt đang rất gần…

Chân dung ông Nguyễn Minh Tuấn

Năm 1992, ông Nguyễn Minh Tuấn mở cơ sở sản xuất dụng cụ làm móng mang tên “Nghĩa Sài Gòn” với tổng diện tích nhà xưởng 200 m2 và lực lượng lao động chủ yếu là những thành viên trong gia đình.

 

Năm 2000, Công ty TNHH Cơ khí Kềm Nghĩa được thành lập.

 

Năm 2001, sản phẩm Kềm Nghĩa thâm nhập thị trường Mỹ, theo chân các Việt kiều xuất ngoại.

 

Năm 2003, sản phẩm Kềm Nghĩa đã có mặt tại những thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia và một số nước châu Âu, như Italy, Bồ Đào Nha, Nga…

 

Năm 2006, thiết lập thành công mạng lưới phân phối sản phẩm tại thị trường Mỹ. Đồng thời, đăng ký bản quyền cho sản phẩm mang tên gọi Supper Nghĩa tại Mỹ.

 

Năm 2008, Công ty đã tiến hành chuyển đổi từ TNHH sang hình thức cổ phần.

Theo Khánh An - Thanh Vũ
Đầu tư

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *