Doanh Nhân 03/03/2020 18:40

Huyền thoại Jack Welch - cựu CEO của GE đã ra đi và để lại 5 di sản lãnh đạo này

Quả thật là bất khả thi nếu muốn dùng vài trăm từ để có thể tóm tắt những yếu tố đã tạo nên một nhà lãnh đạo vĩ đại như Jack Welch.

Jack Welch, CEO của tập đoàn General Electric, là một tượng đài về nghệ thuật lãnh đạo. Dù vậy, những nguyên tắc chính của ông trong việc quản trị nhân tài lại vô cùng đơn giản và tinh gọn.

Trước hết, hãy nhìn qua đôi nét về tiểu sử của doanh nhân vĩ đại này. Ông gia nhập GE vào năm 1960 với vai trò một kỹ sư hóa chất. Năm 37 tuổi, Welch trở thành Phó chủ tịch trẻ tuổi nhất tại GE. Sau đó, ông còn nắm giữ cương vị CEO tại GE từ năm 1981 đến 2001. Trong suốt nhiệm kỳ với vai trò lãnh đạo GE của Welch, tổng vốn hóa thị trường của công ty đã tăng vọt từ 14 tỷ USD lên 410 tỷ USD. Năm 1999, ông được tạp chí Fortune vinh danh là “Nhà quản trị của thế kỷ”. 

Hôm nay, ngày 03/03/2020, Jack Welch đã qua đời ở tuổi 85 tại New York. Vì vậy, hãy cùng nhìn lại những bài học kinh điển về quản trị mà Jack đã để lại cho giới kinh doanh.

Hỏi những câu hỏi quan trọng

Rất ít người biết rằng nhiều thành công vĩ đại của CEO này lại phần lớn dựa vào những lý thuyết vô cùng cơ bản cũng như các nguyên lý ông học được từ Peter Drucker, một trong những bậc thầy về quản trị của thế kỷ 20. Thực vậy, câu nói nổi tiếng “sửa đổi, đóng cửa hay là bán sạch” của Welch là những tinh hoa ông kế thừa được từ Drucker. 

Hầu hết những nguyên lý quản trị của Welch được xây dựng dựa trên hai câu hỏi cơ bản ông học được từ Drucker. Thứ nhất, “nếu GE chưa tham gia vào một thị trường, bạn có muốn tấn công thị trường đó không?”. Thứ hai, “nếu câu trả lời là không, vậy bạn định làm gì với thị trường trên?”.

Cách tiếp cận này giúp Jack có thể che lấp được những khiếm khuyết của GE và phòng ngừa việc các thị trường yếu điểm trên có thể lấy đi quá nhiều sinh lực trong những ngành thế mạnh của GE.

Hãy tự hỏi bản thân 2 câu hỏi trên. Và nếu bạn đang cưỡi trên một con sóng chỉ vì bạn bắt được nó thay vì đó là con sóng bạn muốn cưỡi ban đầu, vậy có lý do gì khiến bạn không đổi sang một con sóng khác?

Xem những người đồng hành cùng mình là “cộng sự”, không phải “nhân viên”

Khi được hỏi về yếu tố gì ở Welch cũng như nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại khác mà Drucker từng làm việc cùng khiến họ trở nên thành công như vậy, ông trả lời rằng: 

“Welch có một năng lực mà tất cả nhà lãnh đạo tài giỏi đều có, đó chính là khả năng tạo cảm hứng cho những cộng sự của ông.”

Welch ám ảnh với sự minh bạch và trung thực, thậm chí nó còn ở mức độ cực đoan. Ngoài ra, CEO này còn bị ám ảnh về cách tăng sự hào hứng và cải thiện sự tự tin cho các cộng sự. Welch nói rằng “một trong những việc bạn phải làm với vai trò một nhà quản lý đó là truyền sự tự tin cho nhóm của bạn và giúp họ cảm thấy sảng khoái mỗi ngày.” 

Lập ra những ưu tiên và liên tục cân nhắc thứ tự của chúng

Drucker cho biết Welch đánh giá lại các ưu tiên của mình mỗi 5 năm bằng việc tự hỏi rằng “những điều gì cần hoàn thành ngay bây giờ?”. Điều này được Drucker gọi là “chủ động buông có tổ chức”. Đây là phương pháp từ bỏ quá khứ bằng cách đánh giá có ý thức cũng như có chủ ý dựa trên những thay đổi của thị trường và tầm nhìn trong tương lai, thay vì bị kìm hãm bởi những mỏ neo của quá khứ. 

Có trách nhiệm

Welch cũng là một người rất có trách nhiệm. Bên cạnh quá trình lập kế hoạch mỗi 5 năm, ông cũng nhìn vào 3 ưu tiên hàng đầu của mình và tự hỏi rằng mình phù hợp với ưu tiên nào nhất để tập trung hoàn toàn vào công việc đó đồng thời phân công những ưu tiên còn lại cho người khác. Welch thấy đó là cách giúp ông làm việc một cách chủ động và luôn đạt năng suất cao nhất. Chúng ta thấy quản trị là một thứ gì đó thường cần được hoàn thành trước khi công việc được diễn ra. Điều này khiến cho việc trở thành lãnh đạo là việc mà không phải ai cũng có thể làm và thậm chí có thể làm mất đi sự hứng thú đối việc kinh doanh của nhiều người. 

Dành cả cuộc đời để yêu

Tuy nhiên, thứ định nghĩa hay nhất về triết lý lãnh đạo của Welch là một câu nói được coi là chuẩn mực của ông:

“Hãy nhanh chóng rời khỏi căn phòng đó. Ra ngoài và tiếp xúc với con người. Lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe. Yêu cho đến khi chết và thật sự chạm vào họ, hiểu thấu những điều thầm kín trong họ. Nói cho họ ý nghĩa của những việc họ làm. Cho họ mục đích về những việc họ làm và về cuộc sống. Đó là tất cả về thế giới này. Chúng ta giành hầu hết thời gian của mình vào những việc đó. Làm cho họ vui, làm cho họ hào hứng và trao thưởng cho những ai làm những việc mà bạn yêu cầu họ làm.” 

Đó là tất cả về một người đàn ông, một nhà lãnh đạo mà chúng ta ngưỡng mộ. Welch đã để lại cho chúng ta bài học quan trọng nhất trong kỹ năng lãnh đạo, đó là trách nhiệm tạo ra những tổ chức mang lại giá trị, phẩm chất và sự công nhận cho con người. Tạm biệt ông, tạm biệt một huyền thoại.

Thảo Trang

Theo Inc

Chuyên mục: Doanh Nhân , Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *