Đối thoại 23/03/2014 10:29

Quý bà quyền lực và tham vọng hồi sinh Tràng Tiền Plaza

Đầy quyền lực, nhiều năng lượng và yêu thích kiếm tiền đã khiến bà Lê Hồng Thủy Tiên không chỉ là bóng hồng sau lưng chồng - doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

1 Có lẽ nhiều người dân Hà Nội, nhất là những thương nhân buôn bán quanh khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ nhớ mãi ngày (6/4/2013) Tràng Tiền Plaza bừng tỉnh, tháo bỏ chiếc áo cũ kỹ, bình dân để khoác lên mình những thương hiệu sang trọng, quý phái. Và đó cũng là ngày ông, bà Johnathan Hạnh Nguyễn - Lê Hồng Thủy Tiên, Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Imex Pan Pacific Group (IPP Group) không ngớt nở nụ cười mãn nguyện trước đông đảo quan khách, hơn 40 đối tác và văn nghệ sĩ… về thành quả đầu tư của mình.

Họ đã quyết định chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng để Tràng Tiền Plaza hồi sinh một cách ngoạn mục.

Nhiều người bảo, đôi “trai tài, gái sắc này” đang chơi với canh bạc Tràng Tiền Plaza, nhưng với họ, đó không phải là sự may rủi, mà là đầu tư đúng đẳng cấp theo tư duy của “hàng hiệu”.

Sau hơn 1 năm Tràng Tiền Plaza đi vào hoạt động, tôi gặp lại bà Thủy Tiên nhân dịp bà  ra Hà Nội nhận giải thưởng Bông Hồng Vàng. Vẫn gu thời trang kín đáo, sang trọng, nụ cười rạng rỡ cùng phong thái tự tin giữa đám đông khiến bà luôn cuốn hút bất cứ ai bắt gặp và trò chuyện. Nhưng có một điều, ánh mắt bà đã thể hiện mình là người phụ nữ đầy quyền lực hơn, với những tham vọng lớn hơn. Bà bảo, Tràng Tiền Plaza  đã hồi sinh như bao người thấy. Trong vòng 2 năm tới, tại TP. HCM sẽ xuất hiện một trung tâm thương mại tương tự như vậy. 

2 Khi nhắc đến IPP Group, là người ta nhớ ngay đến cái tên Johnathan Hạnh Nguyễn (người Philippines gốc Việt). Ông chính là người khai sinh IPP Group từ năm 1986 tại Philippines và đã chèo lái con thuyền này trong 20 năm. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, ông đã giao lại việc điều hành cho người vợ, chính là người đàn bà đẹp, nổi tiếng những năm 90 thế kỷ trước - bà Lê Hồng Thủy Tiên.

Bà là một trong những nhân tố tạo nên hình ảnh của “thế hệ vàng” trong nền điện ảnh  Việt Nam với dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh… Trong đó, có vai diễn để đời trong phim “Vị đắng tình yêu” với diễn viên Lê Công Tuấn Anh.

Năm 1993, bà quyết định dự thi tuyển làm tiếp viên hàng không cho Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cũng trong thời gian này, qua những chuyến bay, bà gặp và kết duyên với doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP Group.

Quyết định bỏ showbiz, tiếp viên hàng không trong lúc vàng son, bà bước vào nghiệp kinh doanh với người thầy, cũng là người chồng của mình hơn 20 năm qua.

Thời gian đầu, do còn hoài nghi về khả năng cầm cương kinh doanh của bà, Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn đứng sau hậu thuẫn, nhưng sau 3 năm, ông nhận ra, người đàn bà này sở hữu nhiều điểm mạnh trong kinh doanh.

Ai cũng biết, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có mối quan hệ thân thiết với các ông trùm hàng hiệu. Song các thương hiệu cao cấp luôn cần các công ty chuyên nghiệp để phân phối và phát triển sản phẩm của họ ở thị trường mới. Trong khi đó, hơn 9 năm về trước, ở Việt Nam cũng khó có công ty nào đáp ứng được các tiêu chí như vậy.

Bối cảnh đó đã đẩy IPP vào thế cờ khó đỡ khi đi đàm phán để đưa các thương hiệu xa xỉ cập bến thị trường Việt Nam. Đó là lúc ông Johnathan Hạnh Nguyễn cần đến người phụ nữ rất năng động, máu lửa, nhưng cũng mềm mại trong giải quyết công việc như bà.

Chính thức vào vị trí CEO, nhiệm vụ đầu tiên của bà là tiếp cận và làm thị trường cho ba thương hiệu: Burberry, Bally và Ferragamo.

“Tôi đã phải lập nhiều phương án kinh doanh và trình bày với họ một cách ấn tượng và thuyết phục nhất để ‘gút’ được hợp đồng phân phối với tinh thần đôi bên đều có lợi”, bà nói và cho biết thêm, điều vô cùng khó khăn đối với IPP lúc đó là cùng lúc phải tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh của thương hiệu lớn, mà vẫn giữ thế chủ động quyết định kinh doanh phù hợp với người tiêu dùng và luật pháp Việt Nam. Nhưng cuối cùng, qua 5 lần đàm phán, IPP đã thành công.

Đến nay, bà đang quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD. “Tham vọng của tôi là đạt tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. Tôi đã đi gần tới đích”, bà nói.

Có một thực tế ít người biết rằng, tuy các thương hiệu có sự cạnh tranh, thậm chí đối đầu rất quyết liệt, nhưng ở họ luôn toát lên sự đồng thuận, cùng tạo nên một cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ thông tin về các thị trường đã, đang xây dựng hay còn ở dạng tiềm năng. Hiện các thương hiệu xa xỉ đánh giá Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng, có nhu cầu, có đẳng cấp trong số những nền kinh tế mới nổi. Do đó, sau IPP, đã có nhiều công ty bắt đầu tiếp cận các thương hiệu hàng hiệu. Việt Nam đang dần dần có văn hóa hàng hiệu và các đối thủ của IPP bắt đầu lộ diện. 

Nhưng bà Thủy Tiên rất tự tin khi phải đối đầu, vì IPP  đã có nền tảng vững chắc, IPP đã có kinh nghiệm, uy tín hơn 20 năm qua. 

Để tồn tại và phát triển bền vững với ngành nghề kinh doanh hàng hiệu thuế suất cao, bà đã xác định chỉ tiêu lợi nhuận thấp và minh bạch trong việc khai báo nộp thuế, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Có thể, IPP sẽ phải từ bỏ cuộc chơi giống như nhiều công ty kinh doanh cùng ngành nghề nếu chỉ nhìn thấy lợi trước mắt, không có kế họach phát triển ổn định lâu dài  bằng sự minh bạch, đảm bảo uy tín của chất lượng, cái tâm của người chủ.

Nhưng chỉ dựa vào đó thôi, thì không đủ. IPP đạt được thành công như hôm nay là do bà đã nghiên cứu mọi khía cạnh của kinh doanh để cạnh tranh ở mức cao nhất.

Theo bà, việc nghiên cứu và xác định nhu cầu, cũng như phân khúc khách hàng tiêu thụ hàng hóa đặc thù là rất quan trọng. Ngoài phân khúc người tiêu dùng cao cấp và trung cấp trong nước, phân khúc khách du lịch nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thị trường mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam. Nhờ khai thác tốt phân khúc khách du lịch này, nên trong năm vừa qua, mặc dù khủng hoảng kinh tế, doanh thu của IPP vẫn ổn định và tăng trưởng 10%.

Trong giới kinh doanh hàng hiệu, đặc biệt dưới con mắt của đối tác nước ngoài, Thủy Tiên là người đàn bà nhiều năng lượng và yêu thích kiếm tiền, đặc biệt là khả năng nắm bắt được xu thế kinh doanh. Ngay cả trong lĩnh vực nhượng quyền đồ ăn nhanh, cơ hội đang nở rộ đối với IPP. 

“Phân khúc thị trường kinh doanh đồ ăn nhanh là một trong những trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi thời gian tới”, bà nói và cho biết, hiện IPP đã nhượng quyền thành công và liên tục mở nhiều cửa hàng của các nhãn hiệu lớn như Burger King, Domino’s Pizza, Gà Rán Popeyes, Dunkin’ Donuts… ở trung tâm TP.HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn. Doanh thu ngành thức ăn nhanh trong năm vừa qua chiếm 8,04% tổng doanh thu của Tập đoàn.

“Hy vọng nền kinh tế năm 2014 sẽ bớt khó khăn để IPP đạt được tốc độ tăng trưởng chung 20%. Năm nay, chúng tôi sẽ phát triển thêm hệ thống chuỗi cửa hàng thời trang trung cấp và hệ thống chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Cùng với đó, tập trung xây dựng 2 trung tâm phân phối nguyên liệu và sản xuất bánh phục vụ chuỗi 4 thương hiệu thức ăn nhanh”, bà nói.

3 Kinh doanh hàng hiệu và sài hàng hiệu là lẽ dĩ nhiên, nhưng bà không phải là tín đồ của một thương hiệu thời trang nhất định nào. Với bà, mỗi thương hiệu đều có một nét đặc trưng riêng: Chanel thì đẳng cấp và sang trọng, Versace kiêu sa và nữ tính, Ferragamo tạo cảm giác thoải mái và thời thượng… Nhưng đường nét chi tiết tinh tế của bộ trang phục mới là lựa chọn hàng đầu của bà.

“Không ai đánh giá bạn khi bạn không hề có một món đồ hiệu nào trên người. Chính nhân cách và tri thức của bạn đã toát lên một giá trị vô giá. Hãy thận trọng và tránh xa hàng nhái, hàng giả. Đeo, mặc nó vào người sẽ làm bạn “nghèo đi” về nhân cách và lòng tự trọng”, bà chia sẻ.

Giới truyền thông giờ gắn cho bà cái tên “Mẹ chồng Hà Tăng”, nhưng bà bảo, chẳng thích cái tên ấy. Lý do là vì, phụ nữ ai cũng thích khen trẻ, mà cái tên ấy lại khiến bà… già đi. Hơn nữa, Thủy Tiên ngày nay giờ đã khác xưa nhiều lắm. Bà không muốn tên tuổi mình vẫn lẩn khuất đâu đó bóng dáng của giới showbiz, mà chỉ muốn đơn giản được gọi là “doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên” - người bao năm qua đã nỗ lực không ngừng để có được vị thế và uy tín vững chắc trên thương trường trong nước, cũng như quốc tế.

TRAO ĐỔI VỚI LÊ HỒNG THỦY TIÊN:

Bà nói gì về người chồng, cũng là người thầy trong kinh doanh của mình?

Ông xã đã dạy tôi kinh doanh ngay từ khi bước vào nghề, đã luôn ủng hộ và biết rõ năng lực của tôi. Trong kinh doanh và kể cả trong gia đình, thỉnh thoảng cũng phải có những bất đồng, quan trọng là mình có thể bảo vệ ý kiến của mình bằng những luận chứng hợp lý và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Ông bà ta đã có câu: “Nói phải, củ cải cũng nghe”. Đồng thời thông qua tranh luận, mình cũng học hỏi và phát hiện ra nhiều vấn đề mới mẻ cần phải ghi nhận từ các phản bác.

Thời gian gần đây, bà thường xuyên xuất hiện tại những sự kiện từ thiện của gia đình. Quan điểm làm từ thiện của bà như thế nào?

Với IPP, hoạt động từ thiện xã hội chính là nét văn hóa, là một phần không thể thiếu trong tiêu chí phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi chú trọng làm từ thiện trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa giáo dục ở những tỉnh nghèo và khu vực đảo Hoàng  Sa - Trường Sa. Từ năm 2008 đến nay, IPP đã đóng góp hơn 62 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. Riêng năm 2013, IPP đóng góp trên 20 tỷ đồng.

Theo Anh Hoa
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Đối thoại

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *