Doanh Nhân 15/11/2015 11:58

Đại gia Việt: Bầu Đức buôn bò, Trầm Bê thôi chức

Bầu Đức hứa hẹn sẽ cho ra thương hiệu thị bò riêng trong năm sau; ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Sacombank....

Bầu Đức buôn bò

Được biết đến là đại gia BĐS, đại gia buôn gỗ, Bầu Đức giờ đây lại được gọi với biệt danh mới "đại gia buôn bò".

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa cho biết: HAGL mới gia nhập lĩnh vực chăn nuôi từ tháng 6/2014 và xây dựng chiến lược chăn nuôi bò của tập đoàn ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.

Dai gia Viet: Bau Duc buon bo, Tram Be thoi chuc
Ảnh minh họa

HAGL hiện là doanh nghiệp nhập bò lớn nhất từ Úc về Việt Nam. Đến nay sản lượng HAGL nhập về 120 nghìn con, với số vốn lên tới 140 triệu USD. Trong đó chủ yếu là bò thịt (khoảng 110 nghìn con và bò sữa (khoảng 10 nghìn con).

 

Theo vị đại gia này, nếu hướng tới phát triển ổn định thì phải đầu tư vào bò sinh sản. "Hiện các doanh nghiệp nhập bò thịt, có thể nhập loại 500 kg/con về mổ ngay, hay 250 kg rồi về vỗ béo mấy tháng sau giết thịt chỉ là phần ngọn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận”.

Nhưng kinh doanh theo hình thức này thì sẽ mất rất nhiều ngoại tệ. Do đó, trong tương lai, Bầu Đức cho biết đang hướng tới mô hình đầu tư bò sinh sản.

Với kế hoạch như vậy, ông Đức kỳ vọng sẽ ra mắt thương hiệu thịt bò riêng, đảm bảo vệ vào năm sau. "Để phục vụ hoạt động kinh doanh thịt bò, lãnh đạo doanh nghiệp đã có quỹ đất lớn tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện doanh nghiệp của Bầu Đức xuất chuồng mỗi ngày 300 con bò, trong đó 2 phần 3 xuất cho các lò mổ tại Hà Nội.

Về khả năng cạnh tranh với thịt bò của Mỹ, Australia... trong bối cảnh hội nhập, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra khá tự tin khi cho rằng thuế nhập khẩu hiện ở mức 14 - 30%, trong khi các mặt hàng vào Việt Nam chủ yếu là thịt bò cao cấp, chiếm số lượng rất nhỏ. Trong 2 - 3 năm tới, doanh nghiệp Việt có thể cung cấp những loại thịt này nên ông Đức cho rằng 'không có cửa' cho thịt bò ngoại.

'Chúng tôi là 1 doanh nghiệp bước vào chăn nuôi khá muộn, vì thế trước khi làm đã tính toán kỹ. Hiện nay công nghệ nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai với Australia, New Zealand là giống nhau, con giống cũng tương đồng. Tuy nhiên, thị trường 80 triệu dân của ta đã hơn hẳn họ. Nếu chịu làm thì cơ hội thắng sẽ trong tầm tay', ông Đức chia sẻ.

Theo tính toán của vị này, chi phí vận chuyển bò từ Australia sang Việt Nam chiếm tới 30% giá thành (giá bò ở Australia là 2 USD/kg nhưng sang Việt Nam thì bán giá 3,1 USD), chưa kể bò chở sang Việt Nam trong thời gian chờ giết mổ còn bị hao hụt.

Vì vậy, chăn nuôi bò trong nước sẽ có lợi thế hơn so với bò ngoại nhập khẩu. Sắp tới nếu tự túc được về giá thì lợi thế này sẽ được tăng lên đáng kể.

Ông Đức cũng ngỏ ý muốn được các đối tác Australia chia sẻ công nghệ, kinh nghiệp nhân giống và phát triển tổng đàn bò sinh sản. Ông đánh giá, tự túc được giống bò là chìa khóa để ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững và cơ hội thắng các đối thủ trong hội nhập không phải là vấn đề quá lớn.

Rất nhiều chuyên gia đã đánh giá cao thành công của Bầu Đức, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi VN dù đóng vai trò quan trọng nhưng đại đa số người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và bị doanh nghiệp nước ngoài khống chế toàn tập như hiện nay.

 

Ông Trầm Bê rời ghế Phó chủ tịch HĐQT Sacombank

 

HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank, mã STB-HoSE) đã họp và thống nhất cho ông Trầm Bê thôi chức Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank từ ngày 11/11/2015.

 

Việc thôi chức Phó Chủ tịch HĐQT của ông Trầm Bê là theo nguyện vọng cá nhân. Theo quyết định này, ông Trầm Bê hiện vẫn là thành viên HĐQT của Sacombank.

 

Đại gia Trầm Bê là người từng thông báo bị mất chiếc sừng tê giác "nặng 4 kg, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Sau đó, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS, tổ chức phi chính phủ) đã có văn bản yêu cầu công an Việt Nam xác nhận tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác này.

 

Theo WCS, qua trao đổi với CITES Việt Nam (cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) cho thấy, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. "Vì vậy chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp”, văn bản WCS nêu.

 

Sau đó, vị đại gia lên tiếng giải thích, chiếc sừng bị mất là của con tê giác trắng đã xử lý thành thú nhồi bông được một người bạn ở quận 5 (TP HCM) tặng nhân dịp tân gia năm 2007. Do đó, việc sở hữu chiếc sừng tê giác (đã bị mất trộm) là hợp pháp bởi ông có đủ giấy tờ nhập khẩu như giấy kiểm dịch, hồ sơ nhập khẩu hải quan... và cả thiệp mừng tân gia của người tặng.

 

Hồ sơ cho thấy, bạn ông Trầm Bê đứng tên nhập khẩu kiện hàng chứa con tê giác trắng đã được xử lý làm khô. Chi cục Hải quan khu vực IV (Cục hải quan TP HCM, cảng IDC Phước Long I) có tờ khai mở ngày 24/10/2006 với nội dung "lô hàng chứa con tê giác hai sừng trọng lượng tổng cộng 885 ký (chân đế bằng cốt thép xi măng và nhựa composite), đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm". Các giấy tờ cũng thể hiện, xuất xứ món hàng là Nam Phi và có giấy phép kiểm dịch của nước này ngày 20/10/2006.

 

Kỹ sư "Hai lúa": Gian nan đường đến thành công

 

Vốn học ngành công nghệ thông tin nhưng với đam mê cơ khí, anh Nguyễn Hải Châu (Liên Mạc – Từ Liêm – Hà Nội) đã chế tạo thành công hàng chục máy cơ khí đa năng, phục vụ nông nghiệp. Nhờ sáng tạo của mình, anh thu về 6-7 tỉ đồng mỗi năm và đánh bật nhiều máy móc của Trung Quốc.

Anh cũng chính là tác giả của hàng chục chiếc máy cơ khí đa năng nhiều năm nay đã phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của bà con. Đó là máy băm nghiền đa năng, máy ép cám viên, máy nghiền vỏ dừa… Ít ai biết rằng, anh Châu chưa từng được đào tạo bài bản về cơ khí.

 

Sau 2 năm trời, anh Châu xuất xưởng thành công chiếc máy băm nghiền đa năng trong sự vui mừng khôn xiết. Vì có thể thực hiện đồng thời 3 chức năng nên anh Châu đặt tên là máy băm, nghiền 3A. Thế nhưng giá xuất xưởng chỉ khoảng 4-6 triệu đồng. Đặc biệt hơn, không ít sản phẩm của anh Châu đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia.


“Mỗi sản phẩm, trước khi sản xuất hàng loạt đều phải qua quá trình thử nghiệm. Tôi đem cho người dân sử dụng và phát hiện lỗi để tiếp tục khắc phục. Ngoài ra, việc đưa cho bà con sử dụng trước cũng nhằm mục đích khảo sát thị trường để cân nhắc việc sản xuất hàng loạt” – anh Châu cho hay.

 

Mỗi tháng, cơ sở của anh Châu cung cấp ra thị trường khoảng 1000 chiếc máy. Giá bán dao động từ 2-15 triệu đồng tùy chủng loại máy. Với số lượng máy móc xuất xưởng khổng lồ, mỗi năm đem về cho anh Châu khoảng 7 tỉ đồng.

 

Có được thành công này, anh Châu cũng giống nhiều nhà khoa học "chân đất" khác, cũng trải qua vô vàn những khó khăn, cũng có lúc trở thành con nợ, phải đi vay mượn khắp nơi, không khí gia đình căng thẳng... Đó là lúc chưa bán được máy, còn khi bán được máy rồi thì phải ăn nằm cả tuần để đòi nợ.

 

Đây cũng là tình cảnh chung của những nhà sáng chế "chân đất". Rất nhiều sáng chế đã được đưa vào thực tiễn, được ứng dụng trong đời sống sản xuất mang lại hiệu quả hữu ích cho người dân như: Lò đốt rác, thuốc trừ sâu tự chế... Hay sáng chế tàu ngầm mi ni của ông Nguyễn Quốc Hòa và Phan Bội Trân được xem là một thành công lớn.

 

Thế nhưng đáng tiếc, những sản phẩm này mặc dù rất được nước ngoài coi trọng, thậm chí nhiều chuyên gia nước ngoài phải sang VN để học công nghệ thì tại VN họ vẫn chưa được công nhận, cấp bằng.

Theo An An

Đất Việt

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *