Doanh Nhân 28/04/2015 08:40

Chuyện đời đại gia tặng sinh viên 40 tỷ, mừng nhân viên Camry

Tin ông Bên bỏ 40 tỉ đồng xây ký túc xá miễn phí rồi bỏ thêm 15 tỉ đồng mỗi năm nuôi hơn 400 sinh viên ăn học khiến dư luận cả nước té ngửa. Nhưng những người vốn biết ông Bên thì cứ tỉnh rụi, bởi họ hiểu tâm tính không giống ai của ông và đã thấy nhiều chuyện lạ đời khác mà ông đã làm trước đó.

Ông là Phạm Văn Bên nhưng dân miệt Đồng Tháp cứ quen gọi ông là Út Bên hoặc ông Bên Xà Bông, có khi tếu táo gọi luôn là ông Bông Xà Bên, ông đều cười khà khà nhận tuốt. Ông già 66 tuổi nhưng dáng chắc khỏe, đi đứng lẹ làng, nói giọng miền Tây rổn rảng, dứt khoát như dao chém cột.

 

“Ba gai” với chính mình

 

Ông Bên vốn nóng tính mà đa phần ông nổi nóng với chính bản thân ông. Hỏi ông số của vợ ông, ông mở danh bạ chiếc điện thoại di động cảm ứng thế nào mà dãy số ông lưu tên “bà Oanh” hiện ra chỉ có phân nửa. Nhưng ông từ chối được giúp đỡ mà ngồi hí hoáy một hồi lâu, tìm đủ cách tự mở ra cho bằng được, đến mức văng tục rồi hậm hực: “Tao tức muốn hộc máu rồi nha!”. Tính nóng này ông gọi là “ba gai” và ông thừa nhận mình “ba gai” từ nhỏ, cứ sai thì tự phạt, “dốt” thì cũng tự xóa “dốt”. Chẳng hạn, hồi xưa ông ham chơi, bỏ học thi rớt tú tài khiến ông tự giận mình ghê gớm. Vậy là ông quyết định tay trắng bỏ nhà lên Sài Gòn tá túc trong cô nhi viện, tự phạt mình bằng cách làm mướn trong lò bánh mình, làm thợ hồ kiếm tiền ăn học.

 

Thường thịnh nộ với chính mình nhưng ông lại “hiền queo” với mọi người. Đến nhà máy của ông, hỏi công nhân có sợ ông không, họ cười khì: “Sợ gì, ổng hiền queo mà sợ gì. Lần nào gặp tui, chú Bên Xà Bông cũng hỏi han nhà cửa, vợ con, công việc rất là thân tình”. Còn chị Điêu - người giúp việc, lo phần nấu ăn cho gia đình ông sáu năm nay thì kể: “Từ ngày tui sống ở nhà này tới giờ, tui chưa từng thấy dượng Út lớn tiếng với bất cứ ai trong nhà. Tui nấu ăn có nhiều bữa dượng không vừa ý thì dượng cũng không bao giờ la rầy mà chỉ kêu dì Oanh nhắc tui lần sau nấu nhớ để ý nêm nếm lại”.

 

chuyện đời, đại gia, sinh viên, nhân viên, Camry, cơi ngông, từ thiện, Phạm Văn Bên

Ông Bên Xà Bông nói tất cả việc ông làm, nếu có lạ so với số đông chẳng qua bởi ông muốn làm người cho đàng hoàng.

 

 

 

Thề “giàu lên hay là chết”

 

Ông Bên cũng như nhiều người, cảm thấy nghèo là nhục. Nhưng nếu người ta thấy mình nghèo, mình nhục khi đói ăn, thiếu mặc thì với ông, “làm một người đàn ông mà để cho vợ con không được ăn ngon mặc đẹp, khách tới chơi nhà không đãi nổi một bữa cơm cho ra hồn thì nhục”. Sau ngày đất nước thống nhất, khi đã một vợ hai con, ông làm rẫy trồng cây thuốc lá ở cù lao Tây. Ông cuốc đất, trồng trọt, chăm bón, làm ngày làm đêm đến mức bỏ cơm, ngày nắng như thiêu đốt ông quên đội nón. Người ta thu hoạch thuốc lá được khoảng 300 ký lô cho mỗi công đất thì mừng rơn, còn ông vụ nào cũng trúng đậm, ba công đất ông bẻ được tới gần một tấn rưỡi thuốc lá. Vậy mà sau hai năm, ông ngồi tính toán rồi giật mình: “Nhà người ta ruộng đất mút chỉ, người ta cũng làm lụng siêng năng không thua gì mình mà đến già không cất nổi căn nhà tử tế. Trong khi nhà mình chỉ có cục đất chọi chim thì giàu sao nổi, khi nào giàu? Thôi, dẹp!”.

 

Nghĩ là làm, sau lứa bẻ thuốc lá, ông lập tức bỏ ngang ba công đất rẫy, hạ quyết tâm phải giàu, dồn mình vào thế khó, thề với lòng: “Giàu lên hay là chết!”. Và quả thật, những chuyến hàng mà ông hùn vốn vận chuyển cát, đá cho các công trình xây dựng sau đó đã đem tới cho gia đình ông một cuộc sống dễ thở hơn hẳn. Từ mua bán cát, đá, ông xoay ra làm xà bông Cỏ May khiến ông chết tên “Bên Xà Bông”, rồi chuyển qua xay xát lúa gạo, chế biến thức ăn thủy sản… Tất cả đều từ lời thề “phải giàu lên”.

 

Hơn ba chục năm ông lao tâm khổ tứ, lăn lộn bầm dập trên thương trường, suy cho cùng cũng là để kiếm tiền nhưng chưa bao giờ ông nhớ chính xác ông có bao nhiêu tiền trong túi, trong ngân hàng. Kiếm tiền là việc của ông, còn giữ tiền là việc của “bà Oanh”. Ông quan niệm tiền hay vật chất cũng chỉ là “vật ngoài thân”. Đến chiếc ô tô mua cả chục năm nay, ông cũng chưa bao giờ nhớ nổi biển số. Tài xế của ông phải dán một thứ gì đó lên mặt kính để làm dấu, bằng không ông cứ phải đi lòng vòng tìm, ngó thấy gương mặt quen thuộc của anh tài xế ngồi trong xe ông mới biết đó là xe của mình.

 

Hành động theo... binh pháp

 

Ông Bên kể hồi xưa ông học hành dở dang, không kiếm nổi tấm bằng tú tài, chữ nghĩa “không đầy lá mít” nhưng đụng chuyện thì ông toàn lôi... binh pháp ra nói. Đâu phải ông ngồi châm trà, rung đùi nói suông mà thực ra một đời ông đã nghĩ và làm theo đó. Như chuyện ông bỏ làm rẫy đi buôn cát, đá, ông nói đó là làm theo kinh dịch: “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, cũng là làm theo binh pháp Tôn Tử: “Hãy đưa quân vào tử lộ để tìm sinh lộ” và lý giải: “Tôi nghỉ ngang, cố ý làm cho nhà mình lâm vô cảnh bần cùng thì mình mới sáng ra, mới có cách làm giàu tốt nhứt”.

 

Ông kể thời điểm năm 1989, tình trạng suy thoái kinh tế chẳng khác cơn đại hồng thủy ập xuống hầu hết doanh nghiệp trong nước. Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn lên tới 12%, hàng loạt doanh nghiệp “chết tươi”. Lúc này ông đã là chủ của một nhà máy sản xuất xà bông và một nhà máy xay xát lúa gạo, lo nồi cơm cho 100 công nhân. Làm cách nào để hai nhà máy không phải chết chùm trong tình cảnh này? Ông thức trắng mấy đêm rồi đưa ra giải pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức Ngô Khởi binh pháp. Theo đó, ông cho “khai tử” nhà máy sản xuất xà bông và cố thủ nhà máy xay xát lúa gạo. Nhà máy này sẽ chỉ hoạt động cầm chừng, không vay mượn, không mở rộng quy mô dù đơn hàng tăng lên. “Cố thủ thì vẫn sẽ chết nhưng chết từ từ vẫn hơn chết tươi” - ông nói. May mắn, hơn một năm sau, kinh tế khởi sắc, lãi suất ngân hàng giảm, nhiều đối thủ cạnh tranh đã phá sản, nhà máy xay xát lúa gạo của ông đón thời cơ ngóc đầu dậy.

Một đống sách mà ông đã đọc, đã nghiền ngẫm từ thời còn ở cô nhi viện thật không uổng phí.

 

Tặng xe Camry, còn mình chạy xe máy “cùi bắp”

 

Tính riêng ở Đồng Tháp, hiện cơ ngơi của ông Bên có bốn nhà máy lớn cặp theo ba nhánh sông đua nhau nhả khói. Ông Đinh Minh Tâm là người quản lý một trong bốn nhà máy này. Ít ai biết ông Tâm - cánh tay mặt của ông Bên hiện nay vốn là tài xế. Hồi sản xuất xà bông Cỏ May, ông Bên thuê ông Tâm chở đi chào hàng ở khắp các tỉnh, thành. Nhưng dường như chỉ có ông Bên mới phát hiện được tố chất kinh doanh tiềm ẩn ở người đàn ông hiền lành này mà khuyến khích, chỉ dạy. “Nghĩ kỹ, làm nhanh, nói ít làm nhiều để nói gì, làm gì mọi người cũng tin, cũng hết lòng ủng hộ. Đó là điều lớn nhất mà tôi học được từ anh Út Bên” - ông Tâm nói.

 

Năm ngoái, ông Tâm xây nhà mới, mời sếp tổng đến mừng tân gia. Ông Bên đến nhưng trên tay chẳng thấy quà cáp gì. Lát sau, người tài xế của ông lái chiếc ô tô Camry mới cáu đến. Khi đó, ông Bên mới nói chiếc Camry là quà ông mừng tân gia ông Tâm. Ông Tâm tâm tình về ông sếp cũng là người anh lớn của mình: “Thật ra tôi cũng không mấy bất ngờ, bởi tôi biết tính anh Út xưa nay luôn nghĩ nhiều cho người khác”.

 

Tặng xe Camry cho nhân viên, vậy còn ông Bên đi xe gì? Ô tô chỉ xài khi đi ra khỏi tỉnh hoặc vào những dịp quan trọng chứ ngày thường mọi người quen thấy ông tới lui bằng chiếc xe máy tay ga “nồi đồng cối đá” cũ mèm. Ông có vẻ rất khoái chí nếu phát hiện ai đó cũng chạy chiếc xe giống mình.


(Theo PL TP.HCM)

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *