Doanh Nhân 24/10/2016 09:58

Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo được minh oan sau xác minh đơn tố cáo

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, cuối tuần trước, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định kiểm tra một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Cùng thời điểm này, Bộ Công Thương cũng đã có kết luận xác minh nội dung tố cáo với ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn này.


Trong khoảng 2-3 năm qua, đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán làm việc với Petrolimex

Trong khoảng 2-3 năm qua, đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán làm việc với Petrolimex

Cụ thể, tại một số doanh nghiệp thuộc Petrolimex, đoàn kiểm tra (do ông Phạm Hùng Sơn là trưởng đoàn) sẽ đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn trong hoạt động xăng dầu từ năm 2014 đến nay.

"Nội dung kiểm tra sẽ đi sâu vào các vấn đề quản lý an toàn của doanh nghiệp, việc đảm bảo an toàn cho các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, công tác quản ký thiết bị, vật tư, hoá chất; thực hiện các quy định về môi trường...của các doanh nghiệp này", nguồn tin trên cho biết.

Có 4 doanh nghiệp phải kiểm tra trong đợt này: Công ty Xăng dầu Lào Cai, Công ty Xăng dầu Yên Bái, Công ty Xăng dầu Phú Thọ và Công ty Xăng dầu Điện Biên.


Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex bị tố cáo nhiều nội dung nhưng qua xác minh, các vấn đề tố cáo đều được cho là không có cơ sở

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex bị tố cáo nhiều nội dung nhưng qua xác minh, các vấn đề tố cáo đều được cho là "không có cơ sở"

Đáng chú ý, cùng thời điểm này, Bộ Công Thương đã có kết luận về kết quả xác minh nội dung tố cáo về một số sai phạm của ông Bùi Ngọc Bảo, phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex.

Mặc dù đây là đơn tố cáo nặc danh, không đủ điều kiện để xử lý, giải quyết nhưng do nội dung đơn tố cáo có nhiều tình tiết cụ thể nên Bộ Công Thương vẫn thực hiện xác minh các nội dung tố cáo.

Việc xác minh với đơn tố cáo trên theo 4 nội dung: Có nội dung về việc bổ nhiệm cán bộ của ông Bảo; việc điều hành Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore bị tố làm làm trái quy định gây thua lỗ 1.500 tỷ đồng; tố cáo việc nhận hối lộ của 2 cán bộ công ty thành viên và cả nội dung về mua chuộc Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã khẳng định cả 4 nội dung trên đều "không có cơ sở". Nhưng đoàn kiểm tra vẫn yêu cầu Petrolimex rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc xây dựng, điều chỉnh các nội quy, quy chế định mức; tăng cường thanh tra, kiểm tra với các đơn vị trực thuộc để chấn chỉnh các sai phạm (nếu có).

Điều đáng nói là mặc dù phủ nhận nội dung tố cáo tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore về trách nhiệm liên quan của ông Bùi Ngọc Bảo về số lỗ của doanh nghiệp này, nhưng Bộ Công Thương vẫn yêu cầu Petrolimex tiến hành "kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế dẫn đến thua lỗ" tại Công ty này.

Bộ Công Thương cho rằng, qua kiểm tra, và theo báo cáo kiểm tra, kiểm toán của Tập đoàn Petrolimex, của Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan thẩm quyền đã thống nhất, các khoản lỗ tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore là do giá dầu thế giới các năm 2014-2015 giảm quá sâu và không có yếu tố "vụ lợi cá nhân". Petrolimex cũng đã báo cáo kịp thời xử lý tình hình với Bộ Công Thương để đánh giá nguyên nhân thua lỗ, hướng khắc phục.

Trong thời gian qua, Petrolimex liên tục "đón" các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nhiều vấn đề.

Đầu tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận thanh tra tại Tập đoàn này. Theo đó, đoàn Thanh tra kết luận, trước đây,Công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định như: tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171,3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT. Ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex và CTCP Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào CTCP Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức.

Ngoài ra, một số khoản đầu tư của Vipco, Hóa dầu Petrolimex, Công ty Xăng dầu khu vực II… được cho biết là bất hợp lý, không đúng quy định.

Đợt thanh tra này cũng làm rõ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên. Cụ thể là việc xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá gần 5 tỷ đồng. Năm 2011, tập đoàn chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn, thực tế 11 công ty đã trích lập số tiền 221,3 tỷ đồng, không đúng đối tượng theo quy định.

Thêm vào đó, Thanh tra Chính phủ nhận xét, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định trong Quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do Liên bộ Tài chính – Công Thương công bố, thể hiện ý chí chủ quan trong việc quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.

Mạnh Quân

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *