Doanh Nhân 11/11/2013 21:39

Bà Trần Ngọc Sương từ chức Chủ tịch HĐQT Sohafood

Sáng 11/11, Sohafood đã tiến hành đại hội cổ đông để bầu ra ban lãnh đạo mới. Đây là đại hội cổ đông lần đầu tiên có sự tham dự của hơn 40 hộ dân nuôi cá tra hiện là chủ nợ của Sohafood.

Mâu thuẫn từ 18,5 tỉ đồng…

Đại hội đã được “làm nóng” khi bà Trần Ngọc Sương – Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) - trình bày về những bất ổn đang xảy ra tại công ty. Theo bà Sương, công ty muốn làm rõ sự thật về việc ban điều hành đã treo các khoản chi phí không đưa vào giá thành, chênh lệch giá trị hàng tồn kho quá lớn so với báo cáo. Cụ thể, qua kiểm tra phát hiện số tiền lỗ của Sohafood trong 7 tháng đầu năm 2013 là hơn 70 tỉ đồng chứ không phải 7 tỉ đồng như báo cáo trước đó.

Những mâu thuẫn trong nội bộ Công ty xuất phát từ ngày 22/6 vừa qua, trong phiên họp chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên. Khi đó, một cổ đông đã đặt vấn đề: Công ty đang thiếu vốn nhưng sao lại trả trước cho người bán cá trên 22 tỉ đồng, đặc biệt là có 18,5 tỉ đồng trả về cho Công ty Thái Bình Dương – nơi ông Nguyễn Tấn Thanh (người giữ chức Giám đốc Sohafood trước ngày 1/8) làm giám đốc. Hôm đó, ông Thanh không chịu giải thích và bỏ ra ngoài. Sau đó, Sohafood tổ chức kiểm tra toàn diện các giao dịch và sổ sách kế toán, thì phát hiện ra hàng loạt sai phạm.

Đáp lại, ông Trần Thanh Long (người vừa từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Sohafood từ ngày 1/8) cho biết, số tiền lỗ 70 tỉ đồng của Sohafood không phải là tiền nợ trong 7 tháng đầu năm 2013, mà là “khoản nợ lũy kế” xuất phát từ ngày Công ty thành lập (2007) đến nay. Ngoài ra, vấn đề 18,5 tỉ đồng xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân khi một đối tác không chịu bán cá cho Sohafood, sau đó, ông Thanh trên danh nghĩa là Giám đốc Công ty Thái Bình Dương đã đứng ra để mua số lượng cá này. Số tiền 18,5 tỉ là tiền ngân hàng cho Sohafood vay, sau đó chuyển sang Công ty Thái Bình Dương, và đã được Công ty Thái Bình Dương trả lại cho ngân hàng, do vậy, mới tồn tại số tiền 18,5 tỉ trên một khoản thu chi trước cho khách hàng.

Ông Nguyễn Trường Hải - người được ông Thanh ủy quyền phát biểu tại đại hội - cho biết thêm, chuyện một đối tác không chịu bán cá cho Sohafood xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, dẫn đến mua bán lòng vòng, ông Thanh không hề được hưởng lợi gì từ việc này. Ngoài ra, cần phải làm rõ chênh lệch 70 tỉ đồng trong báo cáo kiểm toán nằm ở đâu, có phải trong thời gian ông Thanh điều hành hay không?

Bà Trần Ngọc Sương đã từ chức Chủ tịch HĐQT Sohafood.

Ông Trần Văn Trí giữ chức Chủ tịch HĐQT

Giải thích việc hàng chục tỉ đồng tiền cá của người dân đi đâu về đâu, bà Trần Ngọc Sương cho hay, khi bà về Công ty, có nhận được thông tin là thời ông Thanh, Công ty nợ vay ngân hàng 69 tỉ đồng, nhưng khi phòng kế toán báo cáo lại thì số tiền này lên đến 98,8 tỉ đồng. Con số chênh lệch nằm trong tiền cá, vì ban điều hành cũ đã vay ngân hàng, đã chiết khấu bộ chứng từ, nên khi tiền về tới đâu, ngân hàng đã trừ đến đó. Do đó, tiền bán cá của người dân, thay vì trả nợ cho dân, thì đã bị ngân hàng trừ vào số tiền Công ty vay trước đó.

Anh Huỳnh Hoàng Khắp - đại diện cho hơn 40 hộ dân là chủ nợ của Sohahood - bức xúc: “Vấn đề mâu thuẫn cá nhân là chuyện nội bộ của Công ty, Công ty phải tự giải quyết, không thể bắt người dân phải chịu trận. Việc Công ty nợ tiền cá kéo dài đã khiến cho bà con rất khổ sở, việc này cần phải được giải quyết sớm”.

Ông Nguyễn Tấn Thanh sẽ trở lại làm Giám đốc Sohafood.

Ông Trần Văn Trí - chồng bà Diệu Hiền, tham gia đại hội với tư cách là một cổ đông - đề xuất: Bà Trần Ngọc Sương sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn ông Nguyễn Tấn Thanh sẽ trở lại giữ chức giám đốc điều hành. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với ông Trí và cho rằng, ông Thanh là người ký hợp đồng mua cá với nông dân, do đó, việc ông quay trở lại điều hành Công ty, tìm cách trả nợ cho bà con là thích hợp nhất. Tuy nhiên, người đại diện cho ông Thanh lại cho rằng ông Thanh chỉ trở lại làm giám đốc khi bà Sương chấp nhận từ chức Chủ tịch HĐQT.

Nhiều ý kiến khác không đồng tình và cho biết, Sohafood là Công ty cổ phần, nên việc ai làm Chủ tịch HĐQT phải do các cổ đông bầu chọn. Về phần mình, bà Trần Ngọc Sương phân trần: ''Tôi trở về với mục đích muốn cùng Công ty tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là trả nợ tiền cá cho nông dân. Nếu người nào giữ chức lãnh đạo mà có thể trả nợ cho bà con, tôi sẵn sàng nhường chức''.

Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT (tổng cộng 7 thành viên). Sau đó, bà Trần Ngọc Sương đã chủ động từ chức Chủ tịch HĐQT và HĐQT đã thống nhất bầu ông Trần Văn Trí giữ chức danh này. Ngoài ra, ông Nguyễn Tấn Thanh được bầu trở lại làm giám đốc, còn bà Trần Ngọc Sương giữ chức cố vấn Chủ tịch HĐQT.

Sau đại hội, ông Trần Văn Trí cho biết, đối với những hộ dân muốn chuyển thành cổ đông, Công ty sẽ tạo điều kiện hoàn thành nguyện vọng của họ. Bên cạnh đó, Công ty sẽ xây dựng kế hoạch để trả nợ cho các hộ dân còn lại trong thời gian sớm nhất.

Nói về kết quả đại hội, bà Trần Ngọc Sương chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao Công ty có tiền để trả nợ cho người dân. Giờ đây, đã có người đứng ra lãnh đạo Công ty để giải quyết vấn đề trên, xem như tâm nguyện của tôi đã hoàn thành”.

Theo Trần Lưu

Lao động

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *