Doanh Nhân 25/12/2013 14:26

9 CEO “mạnh miệng” nhất năm 2013

CEO Tim Cook của Apple lên tiếng bảo vệ người đồng tính, CEO Yang Yuanqing tuyên bố sẽ tặng tiền thưởng của mình cho nhân viên, CEO Howard Schultz của Starbucks kêu gọi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại...

Các giám đốc điều hành (CEO) nói chung thường kín tiếng về những vấn đề nằm ngoài hoạt động của công ty. Tuy vậy, trong năm 2013 vẫn có nhiều vị CEO lên tiếng về các vấn đề chính trị, niềm đam mê cá nhân, hoặc những chủ đề gây tranh cãi khác. Dưới đây là một số vị CEO như vậy:

CEO Tim Cook của Apple bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới (LBGT)

Hầu hết các bang ở Mỹ chưa có quy định bảo vệ người LBGT ở nơi làm việc. CEO Tim Cook của Apple muốn chấm dứt sự phân biệt đối xử này. Trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 11, ông Cook thúc giục thông qua một đạo luật liên bang nhằm bảo vệ người lao động trước tình trạng phân biệt vì khuynh hướng giới tính của họ.

“Những quy định bảo vệ nhằm thúc đẩy sự bình đẳng và đa dạng không nên đi kèm điều kiện về khuynh hướng giới tính. Đã từ rất lâu, nhiều người phải giấu một phần nhận diện của họ trong môi tường làm việc”, ông Cook viết.

Không lâu sau bài viết của Tim Cook, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật chống phân biệt đối xử ở nơi làm việc, trong đó quy định các hành vi phân biệt đối xử nhân viên LBGT ở nơi làm việc là bất hợp pháp. Luật này hiện đang được Hạ viện Mỹ xem xét thông qua.

CEO Muhtar Kent của Coca-Cola kêu gọi Chính phủ Mỹ nới lỏng các quy định nhập cư

 

Với tư cách của một người Mỹ thế hệ đầu tiên và một lãnh đạo doanh nghiệp, CEO Muhtar Kent của hãng nước ngọt Coca-Cola cho rằng, những cải cách trong vấn đề nhập cư là tốt cho các doanh nghiệp. Trong một bài viết hồi tháng 2 trên tờ USA Today, ông Kent nói rằng ông cảm thấy thật may mắn khi được sống và làm việc tại Mỹ, và cho rằng, các doanh nhân nước ngoài cũng nên được trao cơ hội như ông. Ông Kent nói, ông ủng hộ các cải cách về nhập cư, và “chúng ta cần tạo điều kiện để những người giỏi tới sống ở Mỹ”.

CEO Yang Yuanqing của Lenovo dùng tiền thưởng của mình tặng cho nhân viên

Trong bối cảnh chênh lệch thu nhập giữa sếp với nhân viên ở Mỹ ngày càng lớn, việc một vị sếp tỏ ra quan tâm tới thu nhập của cấp dưới chắc chắn thu hút sự chú ý. Tháng 9 vừa qua, CEO Yang Yuanqing của hãng công nghệ Lenovo tuyên bố năm thứ hai liên tiếp dành ít nhất 3 triệu USD trong số tiền thưởng của mình để tặng cho khoảng 10.000 nhân viên.

CEO Marissa Mayer của Yahoo không cho phép nhân viên làm việc ở nhà

Một trong những quyết định của CEO gây chú ý nhiều nhất trong năm qua là việc CEO Marissa Mayer của Yahoo cấm nhân viên làm việc ở nhà. Quyết định này châm ngòi cho một cuộc tranh cãi, trong đó nhiều người cho rằng, quy định này là vô lý và thiếu linh hoạt.

Tuy nhiên, bà Mayer vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình, và nói trên tạp chí Fortune rằng, mọi người đã có cái nhìn sai lầm về quyết định này. Bà Mayer nói, bà muốn nhân viên làm việc ở cơ quan để thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo. Và xem ra, quyết định của bà Mayer là đúng: kể từ khi bà nhậm chức CEO Yahoo vào năm 2012 tới nay, giá cổ phiếu công ty này tăng hơn 100%.

CEO Bill Simon của hãng bán lẻ Wal-Mart sẽ thuê cựu chiến binh làm nhân viên

Hồi đầu năm, CEO Bill Simon của Wal-Mart cam kết, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới này sẽ thuê 100.000 cựu chiến binh làm nhân viên trong vòng 5 năm.

CEO Howard Schultz của hãng cà phê Starbucks thúc giục Chính phủ Mỹ chấm dứt tình trạng đóng cửa

Khi Chính phủ Mỹ đóng cửa vào hồi tháng 10, CEO Howard Schultz của Starbucks quyết không khoanh tay đứng nhìn. Ông đã viết một lá thư kêu gọi CEO của các doanh nghiệp khác gây áp lực buộc Quốc hội Mỹ phải đạt thỏa thuận về ngân sách để Chính phủ mở cửa trở lại. “Tôi đã nghe một số lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ mối lo ngại về sự im lặng và ảnh hưởng của chúng ta trong việc thúc giục các chính trị gia hành động”, ông Schultz viết.

Ngoài ra, ông Schultz còn tặng cà phê miễn phí trong vài ngày khi Chính phủ đóng cửa cho những khách hàng tới uống cà phê Starbucks và mua đồ uống cho người khác. Vị CEO này hy vọng, cách làm của ông sẽ giúp mọi người “kết nối lại với nhau, ngay cả khi chúng ta đợi các quan chức làm điều tương tự cho đất nước”.

CEO Craig Jelinek của hãng bán lẻ Costco cho nhân viên nghỉ trong ngày Tạ ơn

Tất cả các hãng bán lẻ lớn của Mỹ như Wal-Mart, Target hay Kmart đều mở cửa vào ngày lễ Tạ ơn để tranh thủ lượng khách lớn. Tuy nhiên, Costco không gia nhập vào phong trào này và đóng cửa các cửa hàng của mình trong ngày Tạ ơn. CEO Craig Jelinek của Costco nói rằng, cho nhân viên nghỉ một ngày còn quan trọng hơn việc tăng kết quả kinh doanh.

CEO John Mackey của Whole Foods kêu gọi “chủ nghĩa tư bản có lương tâm”

Trong cuốn sách “Conscious Capitalism” (tạm dịch: “Chủ nghĩa tư bản có lương tâm”) của mình, CEO John Mackey của hãng bán lẻ Whole Foods đưa ra một ý tưởng khá thuyết phục: Các công ty hoạt động tốt nhất khi tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan (stakeholders), thay vì các nhà đầu tư. Ông Mackey cho rằng, các bên liên quan trong một công ty bao gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, xã hội và môi trường.

“Nghe thì có vẻ như là giáo điều, nhưng cách tốt nhất để tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn là không đưa điều này thành mục tiêu kinh doanh chính”, ông Mackey nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook kêu gọi cải cách nhập cư

CEO Kent của Coca-Cola không phải là CEO duy nhất lên tiếng về cải cách nhập cư trong năm nay. “Đây là điều mà chúng tôi cho là thực sự quan trọng cho tương lai của đất nước”, CEO Mark Zuckerberg của mạng xã hội Facebook phát biểu hồi tháng 8. Vị CEO trẻ này cũng giúp thành lập một nhóm vận động hành lang nhằm thúc đẩy các cải cách về nhập cư và giáo dục ở Mỹ có tên là FWD.us.

Phương Anh
Theo Fortune
Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *