Doanh Nhân 31/05/2018 07:49

“Nữ tướng” giàu nhất Việt Nam đã mất hơn 8.400 tỷ đồng chỉ trong nửa tháng

Chỉ trong vòng nửa tháng (tính từ thời điểm chốt phiên 15/5 tới nay), cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã mất tới 50.000 đồng, tức giảm 25,38%.

Sụt hạng nhanh trong danh sách người giàu thế giới

Nửa sau của tháng 5 có vẻ là khoảng thời gian không mấy may mắn với nữ tỷ phú số 1 Việt Nam trên thị trường chứng khoán.

Với khối tài sản 2,7 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air vẫn là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam
Với khối tài sản 2,7 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air vẫn là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam

Theo đó, chỉ trong vòng nửa tháng (tính từ thời điểm chốt phiên 15/5 tới nay), cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã mất tới 50.000 đồng, tương ứng giảm 25,38%. Riêng phiên giao dịch hôm nay, VJC giảm tới 5.000 đồng sau khi tạm thời lấy lại sắc xanh vào phiên “khởi nghĩa” của VN-Index ngày hôm qua (29/5).

Trước đó, mã này đã ghi nhận hai phiên giảm sàn liên tục vào cuối tuần trước (25/5) và phiên đầu tuần này (28/5).

Diễn biến bất lợi của VJC góp phần làm thị trường chung trở nên u ám, và ở chiều ngược lại, mã này cũng chịu tác động tiêu cực từ sự “tháo chạy” của dòng tiền khỏi thị trường chứng khoán cơ sở thời gian qua.

Với mức giảm của VJC phiên hôm nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air ghi nhận mất 821,6 tỷ đồng và mức thiệt hại của bà Thảo ở mã này trong nửa tháng qua là 8.425,5 tỷ đồng (con số lớn hơn nhiều so với tài sản của bà Vũ Thị Hiền, người giàu thứ 9 thị trường chứng khoán hiện nay đang có, là 5.747 tỷ đồng).

Những thiệt hại trên thị trường chứng khoán đã khiến bà Thảo sụt hạng nhanh trong danh sách người giàu thế giới. Nếu như hồi tháng 3, bà Thảo đứng thứ 766 danh sách này với tài sản ròng 3,1 tỷ USD thì tại thời điểm này, bà Thảo đã lùi về vị trí thứ 911 với khối tài sản giảm còn 2,7 tỷ USD.

Thông tin tiêu cực đè nặng tâm lý nhà đầu tư

Thế nhưng, VJC không phải là mã có diễn biến tệ nhất trong phiên hôm nay (30/5). Trong khi thị trường đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục (đúng như lãnh đạo HSX khẳng định “đà giảm thị trường sẽ chậm lại”), tuy nhiên, vẫn có tới 150 mã giảm giá, 7 mã giảm sàn trên HSX.

Trong số những mã giảm đó có những mã lớn như GAS giảm sàn mất 6.700 đồng, VNM mất 3.100 đồng, PNJ mất 3.000 đồng, NVL mất 2.300 đồng, FPT mất gần 2.000 đồng, MWG cũng mất 2.000 đồng và PLX mất 1.400 đồng…

16 mã lớn giảm giá đã khiến VN30-Index mất 6,26 điểm tương ứng 0,68%. Mức giảm này lớn hơn cả mức giảm của chỉ số chính. VN-Index giảm 3,68 điểm tương ứng 0,39% còn 948,5 điểm.

Nếu như trong khoảng thời gian giao dịch của phiên sáng, bộ đôi VIC và VHM giảm giá đã kéo đà phục hồi của chỉ số thì chiều nay, hai mã này lại tăng giá tích cực, góp tổng cộng 1,7 điểm cho VN-Index.

“Công thần” của VN-Index hôm nay là VCB. Mã này tiếp tục tăng giá 2.000 đồng và góp vào chỉ số chung 2,37 điểm. Đáng tiếc là những nỗ lực của VCB, VHM, VIC, VPB, ROS, HDB, HPG… chỉ có thể nâng đỡ thị trường bớt giảm trong khi vẫn còn nhiều “ông lớn” khác đỏ giá vào cuối phiên giao dịch.

Về phía sàn Hà Nội, HNX-Index đã có một phiên giao dịch lịch sử vào hôm qua khi tăng hơn 5%, thế nhưng hôm nay cũng phải quay đầu giảm 1,19 điểm tương ứng 1,05% còn 111,7 điểm khi có 76 mã giảm giá so với 73 mã tăng. Theo đó, các mã lớn của sàn này như ACB, SHB, CEO, PVS… đều giảm giá.

Thông tin CPI tháng 5 tăng mạnh được cho là một trong những dữ liệu vĩ mô có tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư ngày hôm nay.

Cụ thể, CPI tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ năm 2012, tương ứng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước và 1,61% so với tháng 12 năm 2017. Thực tế này được cho là sẽ làm gia tăng quan ngại về việc lạm phát quay trở lại và kèm theo đó là khả năng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính toàn cầu cũng đang diễn biến rất xấu vì khủng hoảng chính trị ở Italy.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *