Doanh Nhân 05/04/2018 09:02

“Banker” Trần Mộng Hùng rút lui khỏi Hội đồng quản trị ACB

Trở lại hỗ trợ lãnh đạo ACB sau “sự cố bầu Kiên” năm 2012, tới đây, ông Trần Mộng Hùng sẽ rút lui khỏi Hội đồng quản trị ngân hàng này. Thay vào đó, “cơ quan đầu não” của ACB nhiều khả năng sẽ xuất hiện “người cũ” của VietBank là ông Nguyễn Duy Hưng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 19/4 tới tại TPHCM.

Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng này dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua số lượng thành viên dự kiến bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới (2018-2023) là 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập.

Trong danh sách đề cử không có ông Trần Mộng Hùng và ông Trần Trọng Kiên hiện đang là Thành viên HĐQT ACB nhiệm kỳ cũ. Thay vào đó là ông Đỗ Minh Toàn (Tổng giám đốc) và ông Nguyễn Văn Hoà (Phó Tổng giám đốc).

Gia đình ông Trần Mộng Hùng có vai trò lớn tại ACB
Gia đình ông Trần Mộng Hùng có vai trò lớn tại ACB

Sau khi từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT vào năm 2018, ông Trần Mộng Hùng “tái xuất” trở lại ban lãnh đạo ACB năm 2012 vào thời điểm ngân hàng này lao đao trước cơn sóng dữ của vụ án bầu Kiên. Sau gần 6 năm, thời điểm hiện tại, khi tình hình tài chính, kinh doanh của ACB đã ổn định, có lẽ “banker” Trần Mộng Hùng đã thực sự muốn được nghỉ ngơi.

Tuy vậy, ông Trần Hùng Huy - con trai ông Trần Mộng Hùng, đương kim Chủ tịch HĐQT của ACB và bà Đặng Thu Thuỷ - vợ ông Hùng vẫn tiếp tục nằm trong danh sách đề cử nhiệm kỳ mới. Danh sách này còn có 4 gương mặt cũ khác là ông Nguyễn Thành Long, bà Đinh Thị Hoa, ông Dominic Timothy Charles Scriven.

HĐQT ACB còn đề cử thêm 2 thành viên mới là đại diện của Deutsche Bank là ông Hiep Van Vo và ông Huang Yuan Chiang.

Ứng viên cuối cùng là ông Nguyễn Duy Hưng. Ông Nguyễn Duy Hưng là ứng viên do nhóm cổ đông đề cử để bầu chức danh Thành viên HĐQT của ACB nhiệm kỳ mới. Ông Hưng hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Diên Hồng và Công ty TNHH Quản lý Tài sản Việt.

Trước đó, ông Hưng từng có thời gian là Tổng giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Tại phiên họp ĐHĐCĐ tới đây, ACB cũng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.627 tỷ đồng thông qua phát hành thêm 162,67 triệu cổ phiếu. Chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 15% và dự kiến chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.

Ngoài ra, ACB cũng dự kiến nâng tổng tài sản ngân hàng tăng thêm 18% lên 334.409 tỷ đồng, tín dụng tăng 15%, huy động tiền gửi khách hàng tăng 18%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 5.699 tỷ đồng (gấp 2,14 so với năm 2017).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB tăng nhẹ 0,2% lên 49.100 đồng trong phiên 4/4. Diễn biến này khá tích cực giữa bối cảnh hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều bị xả hàng, giảm giá. Giá cổ phiếu ACB đã tăng gần 23% trong vòng 1 tháng qua và tăng tới 115% so với thời điểm này năm ngoái.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *