Doanh nghiệp 26/03/2014 08:27

Ý kiến của cổ đông nhỏ: Nói chỉ để cho biết có người phản đối

FICA - Hàng trăm lá phiếu phản đối có khi chỉ đại diện cho một vài phần trăm sở hữu. Tuy vậy, một nhà đầu tư từng là thành viên HĐQT của ngân hàng vẫn cho rằng, cổ đông nhỏ lẻ nên nói ra để HĐQT biết có người phản đối.

Một cổ đông nắm giữ cổ phiếu STB từ năm 1994 đặt câu hỏi trong đại hội hôm qua của Sacombank



Năm ngoái, Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã MBB) đã kéo dài vượt khung dự kiến hơn 2 tiếng, tới 14h.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông của MB đạt 2.311 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011, trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng giảm sút. MB cũng trình cổ đông việc chia cổ tức 12% bằng tiền cho năm 2013, một mức cổ tức không hề thấp so với mặt bằng các ngân hàng năm ngoái.

Tuy nhiên, cổ đông MB cho rằng, với mức lợi nhuận như trên, mức cổ tức 12% là quá thấp và đề nghị nâng lên mức tối thiểu là 15%. Hơn 1 tiếng đồng hồ "đấu tranh" giữa các cổ đông nhỏ lẻ và ban chủ tọa, cuối cùng tại phần bỏ phiếu, vẫn có 78% ý kiến đồng ý. Phòng họp với hàng trăm cổ đông MB đồng loạt giơ phiếu phản đối cũng chỉ tương ứng với 12% ý kiến phản đối.

Năm nay, tại đại hội cổ đông năm 2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), nhiều cổ đông cá nhân cũng bức xúc đề xuất của HĐQT thuận chủ trương nhận sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) và ủy quyền HĐQT xây dựng phương án khả thi.

Cổ đông thắc mắc lý do tại sao phải nhận sáp nhập một ngân hàng nhỏ, lợi nhuận thấp, nợ xấu cao như Southern Bank? Nếu để mở rộng quy mô thì ở đâu có Southern Bank, chỗ đó Sacombank đã có chi nhánh lớn mạnh? Để thuận cho chủ trương là M&A các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng Nhà nước và Southern Bank có lợi, trong khi cổ đông Sacombank không có lợi nhiều?

Tuy phản đối mạnh mẽ và không thỏa mãn với câu trả lời của Chủ tịch Kiều Hữu Dũng, nhưng tại phần bỏ phiếu, tỷ lệ đồng ý thuận chủ trương nhận sáp nhập Southern Bank là 97,31%. Đại diện của hơn 25 triệu cổ phiếu, có lẽ là sự đồng lực của các cổ đông nhỏ lẻ, chỉ chiếm vỏn vẹn 2,61%.

Việc cổ đông nhỏ lẻ bức xúc phản đối các tờ trình tại Đại hội cổ đông thường niên không phải là câu chuyện quá hiếm. Nhưng rất hiếm trường hợp, sự phản đổi này có thể làm xoay chuyển kết quả cuối cùng. Bởi lẽ, kết quả bỏ phiếu được thông qua dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần, và ở nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu tập trung hoặc được ủy quyền cho một vài cá nhân.

Trao đổi trong giờ giải lao tại đại hội hôm qua của Sacombank, bà Vân - một cổ đông nắm giữ cổ phiếu STB từ những ngày đầu tiên chia sẻ: "Mặc dù chỉ sở hữu lượng ít cổ phiếu so với quy mô của một ngân hàng, nhưng là cả tài sản lớn với họ (cổ đông), nên họ phải có quyền được nói".

Thậm chí, tại nhiều đại hội cổ đông, cổ đông còn không sử dụng quyền được nói, hay là việc chất vấn ban chủ tọa. Như tại đại hội cổ đông năm ngoái của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại TPHCM, không có một cánh tay nào giơ lên đặt câu hỏi tại phần thảo luận. Đại hội đã kết thúc nhanh khi không có thêm câu hỏi nào được đưa ra ngoài chính câu hỏi của chính Chủ tọa là Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đặt ra nhằm "cứu vãn" phần thảo luận.

Xin mượn lời của bà Vân, người từng đại diện cho doanh nghiệp góp vốn đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của một ngân hàng TMCP quy mô tầm trung, thay cho lời kết: "Bức xúc phản đối thế thôi chứ kết quả chẳng thay đổi gì đâu bởi phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, cổ đông cũng vẫn nên nói ra để cho nhà đầu tư (HĐQT) biết có người phản đối".

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *