Doanh nghiệp 28/08/2020 11:27

Walmart muốn cùng Microsoft thâu tóm TikTok

Hãng bán lẻ khổng lồ của Mỹ Walmart vừa cho biết sẽ hợp tác với Microsoft để đấu thầu mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Chia sẻ với BBC, Walmart cho biết thoả thuận mua lại TikTok - ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc – sẽ giúp hãng mở rộng hoạt động.

Hoạt động tại Mỹ của TikTok có thể thu về hơn 30 tỷ USD nếu thoả thuận đạt được.

TikTok có 90 ngày để bán chi nhánh tại Mỹ cho một công ty Mỹ nếu không phải đối mặt với lệnh cấm tại nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc ứng dụng chia sẻ video TikTok tiết lộ dữ liệu của người dùng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, công ty mẹ của TikTok đã phủ nhận cáo buộc này.

Vào sáng qua, giám đốc điều hành của TikTok cũng đã từ chức trước khi lệnh cấm được ban hành. Được biết, ông này mới nắm quyền điều hành TikTok chưa đến 3 tháng.

Nói với BBC, người phát ngôn của Walmart cũng xác nhận tập đoàn này đang theo đuổi thương vụ này. “Chúng tôi tự tin là mối quan hệ đối tác giữa Walmart và Microsoft sẽ đáp ứng được kỳ vọng của người dùng TikTok Mỹ đồng thời giải toả mối lo ngại của chính quyền Mỹ”.

Đầu tháng 8 vừa qua, Microsoft cũng đã xác nhận đang đàm phán với TikTok, tuy nhiên, nói với BBC, tập đoàn này cho biết “chưa có gì để chia sẻ lúc này”.

Để chiến thắng thương vụ này, Walmart còn phải cạnh tranh với các nhà thầu tiềm năng khác, bao gồm cả gã khổng lồ công nghệ Mỹ Oracle.

Theo các báo cáo, hoạt động tại Mỹ của TikTok có thể thu về hơn 30 tỷ USD nếu thoả thuận đạt được.

Kể từ khi ra mắt toàn cầu vào cuối năm 2018, ứng dụng TikTok đã thu hút được một lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ dưới 25 tuổi. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo ra những video ngắn với sự hỗ trợ của nhiều công cụ khác.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã cáo buộc chủ sở hữu của ứng dụng này – công ty ByteDance của Trung Quốc – là mối đe doạ đối với an ninh nước Mỹ.

Cáo buộc này nói rằng, dữ liệu mà công ty này thu thập được từ 800 triệu người dùng, trong đó có 100 triệu người ở Mỹ - có nguy cơ bị chính phủ Trung Quốc khai thác.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất vì cho rằng chúng "lén lút" truyền dữ liệu của người dùng.

Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này và gọi lệnh cấm của Mỹ có động cơ chính trị.

Người sáng lập ByteDance, ông Zhang Yiming, đã phải đối mặt với chỉ trích vì đã quyết định bán TikTok cho một công ty Mỹ. Tuy nhiên, trong một lá thư gửi tới nhân viên Trung Quốc, ông nói rằng, đó là cách duy nhất để ứng dụng không bị gỡ tại Mỹ.

Đây không phải là ứng dụng của Trung Quốc duy nhất bị chính quyền Mỹ nghi ngờ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ứng dụng tin nhắn WeChat của Trung Quốc cũng đang đối mặt với lệnh cấm tương tự.

Nhật Linh

Theo BBC

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *