Doanh nghiệp 08/04/2014 19:06

Vinamilk sẽ loại TH Milk trong 5 năm tới?

FICA - VNM phải đối mặt với tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt với TH Milk, tuy nhiên, theo nhận định của Bản Việt, trong vòng 5 năm tới, VNM sẽ có đủ nguồn lực để giữ vững vị thế dẫn đầu trong phân khúc sữa nước, và thực tế thậm chí tăng thêm thị phần nếu tính về mặt sản lượng.


TH Milk là đối thủ nặng ký của Vinamilk trong phân khúc sữa nước.

 

Theo dự báo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại báo cáo cập nhật về Tổng công sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) vừa công bố chiều nay (8/4), trong năm 2014, tổng doanh thu của Vinamilk sẽ tăng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 15,6% trong vòng 5 năm tới, chủ yếu là nhờ mảng sữa bột (CAGR 18%) và sữa nước (CAGR 15%).

Trong khi áp lực cạnh tranh vẫn kéo dài trong một thời gian, Bản Việt tin rằng VNM sẽ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường dù có nhiều công ty mới xuất hiện. Thực tế, VNM đã mở rộng thị phần trong vòng nhiều năm qua.

Tuy vậy, Bản Việt dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2014 của VNM sẽ giảm xuống mức 33,9% từ 36,1% trong năm 2013 do chi phí đầu vào tăng (cụ thể là chi phí của của sữa bột tách béo tăng 36% trong Quý 4/2013 lên hơn 4.600USD/tấn).

Bản Việt cho biết, vẫn giữ nguyên quan điểm, trong dài hạn biên lợi nhuận gộp của VNM có khả năng phục hồi nhờ tăng cường xây dựng quy trình khép kín, hoạt động logistics hiệu quả hơn và danh mục sản phẩm tốt. Ngoài ra, giá sữa bột tách béo sẽ giảm xuống vì nguồn cung sữa tươi từ trang trại nuôi bò sữa tăng do giá cả gần đây tăng lên (nhà cung ứng chính của VNM là Fonterra gần đây cho biết sẽ tăng công suất trong vòng 4 năm tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới).

Đối mặt với sản phẩm ngoại nhập trong phân khúc sữa bột

Theo phân tích của Bản Việt, sữa nước và sữa bột là hai mảng chính thúc đẩy tăng trưởng, vì tăng trưởng ở các phân khúc sản phẩm khác mà VNM đã nắm được thị phần đáng kể (cụ thể là 73,4% đối với sữa chua, 88% đối với sữa đặc có đường) sẽ bị hạn chế.

Ở phân khúc sữa nước, VNM phải đối mặt với tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt với CTCP Sữa TH (TH Milk); tuy nhiên, theo nhận định của Bản Việt, trong vòng 5 năm tới, VNM sẽ có đủ nguồn lực để giữ vững vị thế dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm này, và thực tế thậm chí tăng thêm thị phần nếu tính về mặt sản lượng.

Bản Việt cũng dự báo VNM sẽ giữ được mức tăng trưởng doanh thu 15,2% (CAGR) trong phân khúc sữa nước nhờ vào tăng trưởng sản lượng dự báo hàng năm đạt trên 8% (so với mức tăng trưởng sản lượng 5,4% mà Công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor dự báo cho phân khúc này) và giá bán tăng trung bình 6% mỗi năm.

Trong khi đó, tại phân khúc sữa bột, VNM có thể sẽ hưởng lợi từ việc người tiêu dùng trong nước chuyển sang sử dụng các phẩm với giá cả phải chăng hơn do tình hình kinh tế bất ổn kéo dài. Tuy vậy, Bản Việt cũng thấy rằng công ty sẽ tiếp tục gặp thách thức ở phân khúc sản phẩm này do sự có mặt của các công ty nước ngoài lớn và thực tế thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng các nhãn hàng ngoại/nhập.

Dự báo doanh thu của VNM từ sữa bột sẽ tăng 18,3% trong năm 2014-2018, nhờ sản lượng hàng năm tăng 11,6% và giá bán hàng năm tăng trung bình 6%. Là một công ty tương đối mới trong lĩnh vực này, VNM sẽ tiến nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng sản lượng dự báo của thị trường (10,5% trong năm 2014-2017 theo Euromonitor) bằng cách tiếp tục giành thị phần từ các công ty nước ngoài.

Nhìn chung, theo đánh giá của Bản Việt, tổng doanh thu thuần sẽ tăng với CAGR 15,6% trong năm 2014-2018, con số này khá khiêm tốn so với mức CAGR cao nhất từ trước đến nay là 26% trong giai đoạn 2008-2013, nhưng đây vẫn là một tỷ lệ bền vững đáng kể và phù hợp với thực thế.

Đàn bò của Vinamilk dự kiến tăng lên 25.500 con vào 2015.

Gần 3.000 tỷ đồng tiền mặt đầu tư mua bò sữa

Theo nhận định của Bản Việt, VNM sẽ phải vẫn chi nhiều cho hoạt động tiếp thị và bán hàng để bảo vệ thị phần vì các công ty khác cũng đang nỗ lực làm điều tương tự.

"Chúng tôi nhận thấy sức ép cạnh tranh ngày càng tăng trong phân khúc sản phẩm sữa chua từ CTCP Sữa Ba Vì (Ba Vì Milk), TH Milk. Năm ngoái, những công ty này đã tăng chi phí cho đóng gói bao bì và chiến dịch tiếp thị. Trong khi đó, Công Ty TNHH Sữa Cô Gái Hà Lan và TH Milk đã liên tục thực hiện các chương trình tiếp thị để thâm nhập thị trường sữa tươi thanh trùng" - báo cáo của Bản Việt cho biết.



Việc tăng công suất cũng sẽ gia tăng tình hình cạnh tranh trong thị trường các sản phẩm làm từ sữa. Nhiều nhà máy mới dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2014; ví dụ như, TH Milk xây nhà máy Mega Plant (500 triệu tấn sữa nước/năm) và nhà máy Nutifood với công suất 50.000 tấn sữa bột/năm.



Theo Bản Việt, Vinamilk dự kiến các trang trại bò sữa riêng của công ty sẽ cung ứng 30%-40% sữa nguyên liệu vào năm 2016. Để làm được điều này, công ty đã lên kế hoạch đầu tư 2.880 tỷ đồng để tăng quy mô đàn bò sữa tại các trang trại của mình lên 25.500 con vào năm 2015, và 28.000 con vào năm 2016.

VNM sẽ dùng tiền mặt của mình để đầu tư và vẫn có thể giữ được mức trả cổ tức bằng tiền mặt hằng năm là 4.000 đồng/cổ phiếu cho đến năm 2016. Hiện tại, VNM sở hữu năm trang trại tọa lạc ở Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và Lâm Đồng, với tổng số lượng đàn bò sữa là 8.500 con.

Theo kế hoạch đầu tư thì VNM sẽ xây dựng 2 trạng trại ở tỉnh Thanh Hóa – một trang trại với 3.000 con bò sữa, và một “siêu trang trại” với diện tích 2.600ha với 20.000 con. Tại Hà Tĩnh, VNM sẽ đầu tư vào trang trại nuôi đàn bò 3.000 con. Bản Việt ước tính số vốn cần cho các dự án này lần lượt là 480 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng. Ở Tây Ninh, VNM dự kiến đầu tư 800 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi 10.000 con bò sữa.

Mai Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *