Doanh nghiệp 28/07/2015 22:36

Vì sao Vinaxuki phải khẩn cấp bán nhà máy?

Vinaxuki là doanh nghiệp từng được coi là đơn vị đầu tàu trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với nỗ lực và ước mơ sản xuất xe “made in Vietnam”.

Hôm nay, báo giới đồng loạt đưa tin Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa có thông báo khẩn cấp về việc bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ. Vinaxuki là doanh nghiệp từng được coi là đơn vị đầu tàu trong nước.
 

Hôm nay, báo giới đồng loạt đưa tin Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa có thông báo khẩn cấp về việc bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ. Vinaxuki là doanh nghiệp từng được coi là đơn vị đầu tàu trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với nỗ lực và ước mơ sản xuất xe “made in Vietnam”.

 
vi sao vinaxuki phai khan cap ban nha may? hinh 0
Một góc trong xưởng sản xuất ôtô số 1 Mê Linh

Theo phản ánh của báo chí, Tổng Giám đốc Công ty Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên đã thông báo tới một số ngân hàng, cơ quan an ninh kinh tế và các chủ nợ về việc bán nhà xưởng sản xuất ôtô số 1 Mê Linh. Hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị,... Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của hội đồng quản trị Vinaxuki.

Cảnh buồn của Vinaxuki được miêu tả là nhà máy sản xuất ôtô tại số 1 Mê Linh chỉ có rất ít nhân viên đi làm, mà phần nhiều trong số đó là các thành viên thuộc tổ bảo vệ. Trong khi đó, trước đây, tại xưởng có đến hàng trăm công nhân, kỹ sư làm việc 24/24 giờ. Nhưng do khó khăn về cơ chế, chính sách nên doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn, toàn bộ dây chuyền, máy móc đành để không.

Gian khó của Vinaxuki dần hiện rõ trong mắt dư luận khi từ nửa cuối năm 2013 người ta để ý thấy doanh nghiệp này bắt đầu không gửi báo cáo bán hàng theo tháng cho Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam.

Điều đáng buồn hơn, bản thân ông Bùi Ngọc Huyên luôn khát khao và nỗ lực với ước mơ có thể làm ra cho chiếc xe du lịch “Made in Vietnam” mang tên VG có giá bình dân khoảng 300 triệu đồng. Hơn nữa, mô hình chiếc xe đã được ông Huyên đích thân mang tới triển lãm Vietnam Motor Show 2012.

Song, với tuyên bố phải bán nhà xưởng để trả nợ, ước mơ của ông Huyên và Vinaxuki giờ hiện rõ sẽ chỉ mãi là giấc mơ. Trong số rất nhiều lý do dẫn đến sự thất bại của Vinaxuki được chia sẻ trên báo chí, người ta không khó để tìm thấy nguyên nhân thiếu vốn. Bản thân ông Bùi Ngọc Huyên nhiều lần chia sẻ rằng, doanh nghiệp của ông có quyết tâm nội địa hoá sản phẩm nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đặc biệt, cái “chết” vì thiếu tiền được ông Huyên nêu cụ thể trên Cafebiz: “Ngân hàng cho tôi vay 150 tỷ đồng, cái nhà máy tôi xây hết 450 tỷ. Khi ngân hàng mới tài trợ tôi 50 tỷ còn 100 tỷ họ cắt luôn. Thế là nhà máy của tôi "chết".

Không chỉ bế tắc về vốn, Chủ tịch Vinaxuki còn cho biết, khó khăn còn ở các chính sách thuế. Nếu ra được thị trường giá bán của xe nội cũng chẳng thể rẻ hơn giá xe nhập khẩu là bao.

Lấy ví dụ cụ thể về khó khăn này, ông Huyên cho hay, mức giá xe VG được căn cứ dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương là giảm 75% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe có tỷ lệ nội địa hóa cao trên 50%. Tuy nhiên, đề nghị này sau đó đã không được thông qua khiến Vinaxuki gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thiện phần còn lại của mẫu xe.

Một khó khăn khác mà Vinaxuki gặp phải nữa là chính sách của ngành vẫn chưa rõ ràng. Chiến lược phát triển ngành ô tô đã được phê duyệt nhưng gần như chỉ có ưu đãi cho các doanh nghiệp lắp ráp. Còn doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư nội địa hóa thì lại loay hoay vì không có tiền.

Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, trong đó phải kể đến việc đầu tư làm khuôn mẫu và máy dập, đến nay Vinaxuki lại rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Bản thân doanh nghiệp này đang phải ôm khoản nợ lên đến 1.200 tỷ, trong khi nhà máy buộc phải ngừng hoạt động đã 3 năm nay vì không tìm đâu ra vốn để hoạt động.

Suốt 3 năm qua, để trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải bán hơn 5.000 tấn sắt vụn và máy móc cũ. Doanh nghiệp cũng buộc phải cắt giảm lao động từ 1.160 xuống còn hơn 200 người, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao, được đào tạo bài bản.

Cái chết được báo trước?

 

Trên Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới thẳng thắn gọi đây là "cái chết được báo trước". Theo quan điểm riêng của ông Sơn, nguyên nhân dẫn tới tình cảnh hiện nay của Vinaxuki là:

Một là, Vinaxuki đã không tuân theo đúng phương thức phát triển của ngành ô tô là phải từ dưới đi lên, tức là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ trước, làm được các phụ kiện như điều hoà, đèn, phanh..., sau đó mới  tính đến làm ô tô.

Hai là, Vinaxuki đầu tư sản xuất ô tô theo phương thức trên không dựa trên vốn gia đình hay vốn cổ đông là chính mà nguồn vốn đi vay quá lớn. Đây cũng là chuyện ngược.

Ba là, theo lời ông Bùi Ngọc Huyên, theo chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp được cho vay vốn với lãi suất thấp để phát triển ngành ô tô mà Vinaxuki không thể vay nổi được.

Bốn là, Vinaxuki ở thế rất khó một phần do chính sách tỷ giá của Việt Nam./.

 
Theo Hà Trần
VOV.VNTổng hợp theo VTCnews, Đất Việt, Bizlive
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *