Doanh nghiệp 24/07/2020 22:34

Vì sao Vietnam Airlines 4 lần đổi ngày tổ chức Đại hội cổ đông?

Lần thứ 4 đưa ra thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Vietnam Airlines thông báo ngày 10/8. Trước đó, doanh nghiệp này công bố Đại hội cổ đông vào các ngày 29/6, 16/7 và 28/7.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo thay đổi thời gian tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 từ ngày 28/7/2020 sang ngày 10/8.

Ngày cuối cùng để cổ đông đăng ký tham dự Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Vietnam Airlines vẫn giữ nguyên là ngày 15/6/2020.

Trước đó, doanh nghiệp này công bố Đại hội cổ đông lần đầu vào ngày 29/6, sau đó đổi sang ngày 16/7 và tiếp tục rời thời gian tới 28/7.

Vietnam Airlines cho biết, lí do tiếp tục lùi thời điểm Đại hội là vì “công tác chuẩn bị các nội dung họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 chưa hoàn thành”.

Tại Đại hội năm nay, dự kiến Vietnam Airlines sẽ báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và phương án phân phối lợi nhuận; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2019 và định hướng năm 2020; báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát năm 2019 và định hướng năm 2020; phương án kiện toàn Hội đồng quản trị; Chủ trương bán các tàu bay A321CEO…

Vì sao Vietnam Airlines 4 lần đổi ngày tổ chức Đại hội cổ đông? - 1

Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng trong năm 2020

Mới đây, Vietnam Airlines cho biết tính đến tháng 5/2020 Covid-19 đã “đốt” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không.

Liên tục từ 2010 đến 2019, Vietnam Airlines liên tục tăng trưởng. Kết quả kinh doanh của năm 2019 thậm chí còn tốt nhất. Tuy nhiên, đến năm 2020, doanh nghiệp này dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng sau khi đã triển khai hàng loạt giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao cũng như chính sách thuế xăng dầu, giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ.

Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Đặc biệt, Vietnam Airlines đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Hãng này cũng đã trao đổi với chủ sở hữu là ANA của Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn (ANA sở hữu 8,6% cổ phần Vietnam Airlines - PV), tuy nhiên ANA thậm chí còn khó khăn hơn. Họ cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho Vietnam Airlines vay được. Do đó Vietnam Airlines mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *