Doanh nghiệp 04/01/2014 07:20

DN Việt: Họ đã thắng thị trường!

Vượt lên suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế VN, nhiều DN Việt đã chiến thắng thị trường trong năm 2013…

 

Lễ trao giải thưởng Cúp Thánh Dóng 2013 - vinh danh các Doanh nhân tiêu biểu

Một trong những từ khóa ám ảnh các DN Việt năm 2013 là vốn. Với tỷ lệ 72% nền kinh tế phụ thuộc vốn vay ngân hàng, và các ngân hàng lại đang nghẽn mạch tín dụng vì nợ xấu, ám ảnh vốn là điều tất yếu.

Niềm tin từ cái nhỏ nhặt...

Không có tín dụng, 28% còn lại của nền kinh tế vốn phụ thuộc TTCK và trái phiếu DN. Trong khi DN khó trông vào phát hành lần đầu hay chào bán cổ phiếu mới trên TTCK, muốn có vốn, ngoài trái phiếu, DN bắt buộc phải đột phá ra ngoài khuôn khổ.

Đợt huy động khoản vay hợp vốn quốc tế 100 triệu USD của Vingroup tháng 10/2013 có thể ví như một đột phá ngoài khuôn khổ. Vingroup, trong điều kiện kinh doanh bình thường là DN bất động sản (BĐS) tư nhân hàng đầu VN. Trong điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khi thị trường BĐS yên lặng, cái uy danh nguy nga đồ sộ của DN tư nhân hàng đầu đôi khi lại mang đến nỗi e sợ mơ hồ đối với bất kì nhà đầu tư nào khi được chào mời bỏ vốn. Nhưng Vingroup vẫn vừa phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, lại thành công với khoản vay hợp vốn và mức lãi suất Libor hợp lí. Vì sao?

Điều cốt yếu khi nhà đầu tư quan tâm bỏ vốn dài hạn vào một DN là giá trị tài sản và triển vọng của DN. Lợi tức trái chủ kỳ hạn, lãi suất Libor theo năm hay hình thức trả lãi có thể quan trọng, nhưng cũng không quan trọng bằng sự bảo đảm an toàn của đồng vốn. “Show” được các giá trị, các hứa hẹn, các triển vọng, các bảo đảm, giúp nhà đầu tư mở hầu bao “tin và dùng”, là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật của Vingroup đơn giản: Dựa vào các Tổ chính tài chính quốc tế, chuyên nghiệp tư vấn dựng sổ, thu xếp và điều phối khoản vay. Dịch vụ “đắt” sẽ “xắt ra miếng”. Và để có sự hợp tác của các tổ chức cung cấp dịch vụ đó, đằng sau, Vingroup phải đáp ứng chỉ tiêu tài chính, đặc biệt đáp ứng sự minh bạch thông tin, công khai tốt, xấu, lợi ích, bất lợi lẫn rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải.

Minh bạch thông tin với DN Việt là một lựa chọn khó khăn, nhất là những DN vẫn quen phương thức quản trị gia đình và khi quy mô đã phình to thậm chí tới đại chúng, vẫn chưa sẵn sàng thay đổi tư duy. Nhưng đôi khi có những thay đổi lại đến từ những điều rất nhỏ, thậm chí đi trước cả… tư duy mà người quản trị còn không kịp nhận thức đó là thay đổi. Với Vingroup nói riêng hay nhiều DN khác nói chung, tiếp cận thị trường vốn quốc tế luôn phải chuẩn bị điều kiện đầu tiên là minh bạch, công khai thông tin. Sự minh bạch và công khai thể hiện trước hết ở những điều giản đơn. Một website song ngữ. Những báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức uy tín. Một kế hoạch kinh doanh kĩ càng mà nhà đầu tư muốn “bới lông” cũng khó tìm thấy “vết”. Chuẩn bị như thế có phải tốn nhiều chi phí? Có lẽ không nhiều và không quá khó, nếu so với áp lực các nhà quản trị DN sẽ phải cân nhắc và đối mặt khi chọn minh bạch thông tin. Đáng tiếc là đa phần DN Việt, theo ông Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc khối khách hàng DN của CTCK lớn nhất VN SSI, hầu hết không quan tâm đến những yếu tố minh bạch dù rất nhỏ nhặt này.

Vì vậy 2014, với lũy kế nợ xấu nhóm 5- nhóm nợ mất vốn tại hệ thống ngân hàng khu vực TP.HCM, nơi tập trung gần ½ DN của cả nước đã lên tới 74% tính đến hết tháng 12/2013, nhiều DN Việt chắc chắn sẽ còn đói vốn. Để gỡ thế bí vốn, DN chỉ còn cách học xây dựng niềm tin. Xây dựng và đi lên bằng sự minh bạch, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt.

Hành động, như không còn thời cơ

Trong khi vốn ngoại vẫn liên tục tìm cách vào VN qua cánh cửa mua bán và sáp nhập để nhắm khai thác lượng khách hàng 90 triệu dân Việt đồng thời thâm dụng lao động gia công cho xuất khẩu, thì một DN ngành hàng tiêu dùng rất gắn bó với thị trường nội địa, lại quan tâm hướng đầu tư ngược lại: Đi ra nước ngoài.

Năm 2013, CTCP Vinamilk có 3 thương vụ đầu tư nước ngoài: Tăng vốn đầu tư vào Cty Cty Miraka Limited (New Zealand), từ 121 triệu NZD lên 147,945,157 NZD (tương đương 2,534 tỉ đồng), tập trung cho dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng UHT. Cuối năm 2013, Vinamilk mua lại 70% vốn của Cty Driftwood Dairy Holding Corporation, tương đương 7 triệu USD. Từ Mỹ, Vinamilk  quay ngược một thị trường lân cận VN là Campuchia, đầu tư nắm 51% cổ phần chi phối Angkor Dairy, Cty con của RSMK Group của Campuchia và Hiệp hội DN độc lập của Mỹ thuộc những nhà sáng lập có hoạt động thâm niên trong một DN cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngành công nghiệp sữa của Mỹ trong hơn 50 năm.

Sẽ có nhiều DN cho rằng nếu có nhiều tiền như Vinamilk, muốn đầu tư ở đầu không được. Vấn đề không nằm ở chỉ câu chuyện nhiều hay ít tiền, mà nằm ở hành động. “Nắm bắt thời cơ và nhanh chóng hoạt động chính là chìa khóa thành công cho mọi DN hiện đại”, James C.Collins - nhà quản lý bậc thầy người Mỹ đã nói vậy. Còn ông chủ của “siêu nhân Châu Á” Lí Gia Thành thì khẳng định “20% thành công của DN nằm ở quyết sách và 80% còn lại là hành động”.

Với Vinamilk, CEO Mai Kiều Liên đã thực sự hành động. Hành động khi ít ai hành động. Hành động khi các tài sản tốt, giá rẻ đang bày ra và khi các DN Việt đang lo lắng với những câu chuyện liên doanh, đầu tư, giữ gìn thương hiệu Việt…Cái giá phải trả quy ra tiền cho những hành động này không quá lớn. Đổi lại, Vinamilk chủ động được một chuỗi khép kín từ thị trường công nghệ, nguyên liệu ở quốc gia hàng đầu về công nghiệp sữa đến chế biến và tiêu thụ tại thị trường có GDP lớn nhất thế giới. 

Hãy nghĩ mình có thể...

Paul Tornier - một triết gia Thụy Điển nói rằng người chiến thắng là người nghĩ mình có thể. Trong kinh doanh, ai nghĩ mình có thể, thì dù đó có là anh chàng David  thấp bé nhẹ cân, vẫn có thể đàng hoàng chiến thắng những gã Goliath hung hăng.

Thị trường cà phê VN 2013 chứng kiến một cuộc “so găng” giữa những ông lớn tầm cỡ toàn cầu, đến “hỗn chiến” những anh chàng bán cà phê rong chạy xe máy dạo. Thế nhưng, có một doanh nhân đã đơn thương một mình một hướng: Đưa cà phê Việt đến Mỹ qua cú đầu tư ban đầu 900.000 USD Phạm Đình Nguyên đã trả khi mua lại thị trấn 1 cư dân Buford. Chiến lược kinh doanh dần lộ diện sau “cảm hứng bất thần” và những cuộc… vay tiền để đầu tư, tới đổi tên cho thị trấn này thành Thị trấn Cà phê Phin ngon (PhinDeli).  Nếu theo những tâm sự của doanh nhân độc mã thì có lẽ ngay cả khi mua xong, Nguyên cũng chưa biết mình sẽ kinh doanh gì. Nhưng chỉ với suy nghĩ “không gì là không thể”, Nguyên đã đi tắt, đón đầu, làm được những điều các DN còn đang trù trừ, chuẩn bị.

Thêm một cú đột phá khác năm 2013, cho thấy doanh nhân Phạm Đình Nguyên đang quyết tâm đẩy mạnh chiến lược “không gì là không thể”: Đưa PhinDeli bay vào vũ trụ. Chưa biết trong cuộc chiến cà phê tương lai, chiến thắng sẽ thực sự thuộc về ai nhưng trước mắt PhinDeli cà phê với cái tên Phạm Đình Nguyên  và các hành động nêu bật tinh thần “có thể”, đã khiến nhiều DN trong ngành cà phê phải chú tâm đến hoạt động của thương hiệu mới toanh này.

Khó khăn, cũng như thịnh vượng...

DN ngày nay hầu hết đều xác định chú trọng nhân tài, phát triển nguồn lực là chiến lược trọng tâm. Song để chứng minh DN luôn coi con người là tài sản quí nhất, thì chỉ trong khó khăn, mới có thể nhìn ra.

2013, năm “đáy của khó khăn” như nhận xét của Cựu Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, ngành ngân hàng đãsa thải hàng loạt nhân sự. Những cú cắt giảm mạnh tay về lương thưởng cũng không chóng mặt cho bằng những cú đổ đèo của ngân hàng về số lượng con người.

Tuy nhiên, lại cũng có ngân hàng chon tuyển dụng nhân sự mới với tốc độ hết sức… điên rồ. Năm 2013, cựu Tổng Giám đốc Techcombank và 3 nhân sự ngoại đã về công tác tại VPBank, đánh đấu sự thay mới những nhân sự cấp cao. Nhưng đáng chú ý hơn, 1.835 người mới được tuyển, tính đến cuối tháng 9/2013, mới thực sự là con số không thể xem thường trong bối cảnh các ngân hàng lớn khác như Eximbank, ACB, Techcombank… đã cắt giảm  hàng loạt nhân viên làm việc…

Minh bạch thông tin với DN VN là một lựa chọn khó khăn, nhất là những DN vẫn quen phương thức quản trị gia đình và khi quy mô đã phình to thậm chí tới đại chúng.

Với nền tảng hiện có, để thực hiện tầm nhìn trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu VN ngay trong năm 2014 và lọt top 5 ngân hàng TMCP VN, rõ ràng VPBank đã chọn con đường “tạo người trước khi tạo vật”. Chọn điểm rơi của ngành ngân hàng về kinh doanh và nhân sự, hút người tài của ngân hàng khác, chiến lược của  CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh đang chứng tỏ VPBank sẽ bước vào một thời kì mới. Một nguồn tin của DĐDN cho biết VPBank đang có kế hoạch phát triển theo hướng mở rộng thêm các Trung tâm khách hàng DN phụ trách phân khúc khách hàng là DNNVV. Do đó, nhu cầu tuyển dụng cho các trung tâm này tại VPBank vẫn cao và theo đó tới đây, số lượng nhân sự tuyển mới của VPBank sẽ không chỉ dừng ở con số xấp xỉ 2.000.

Ông Matsushita Konosuke - ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật với tập đoàn Matsushita Electronic lừng danh, có một chia sẻ rất hay về vấn đề sử dụng và quản trị con người: “Đơn giản là không thể mời người ta lúc thịnh vượng, bỏ người ta lúc khó khăn”. Cái tên của NH VPBank có lẽ đang thể hiện đúng tinh thần của thịnh vượng ấy, bắt đầu với chỗ “vượng người”.

Năm 2013, sau suy thoái, thị trường hiện còn hơn 400.000 DN lớn, nhỏ hoạt động. Trong số này, ngoài một vài DN đã kể tên, còn có vô số DN đã vươn lên, chiến thắng thị trường bằng nhiều phương cách. Có những DN đã chiến thắng trước hết với chính mình, vượt qua những thách thức, trở ngại của môi trường kinh doanh và nội tại DN, để giữ một DN không suy suyển. Cũng có không ít DN thất bại. Nhưng thất bại không có nghĩa là họ bị triệt tiêu và vĩnh viễn đánh mất cơ hội đội vương miện chiến thắng. Chính trong thất bại, nhiều DN đã học cách thất bại để lấy lại thành công. Học thất bại, còn khó hơn thành công trong chốc lát.

Suy cho cùng, chiến thắng hay thất bại đôi khi cũng chỉ là một “chương” trong nhiều chương hoạt động của các DN. 2013 là một “chương” của nền kinh tế trên hành trình đi tới năm 2020, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lót trên con đường đó là rất nhiều thành công và thất bại. Làm sao để giảm thiểu được những thất bại, làm sao để DN đến gần hơn với những đỉnh vinh quang, điều đó vẫn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của từng DN trong năm mới 2014 và cả những năm tới.  “Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả. Nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn” - Mahatma Gandhi đã nói.

Theo Lê Mỹ

DDDN

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *