Doanh nghiệp 22/11/2013 15:30

Vì sao EVN liên tục thoái toàn bộ vốn tại các công ty điện?

FICA - Vì sao EVN liên tục chuyển nhượng toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp điện vốn đang ăn nên làm ra trong năm nay?



EVN không còn là cổ đông lớn tại nhiều công ty điện

Cuối tháng 9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố việc thoái toàn bộ vốn tại Nhiệt điện Quảng Ninh và không còn là cổ đông lớn. Tổng công ty phát điện 1 (Genco 1) là cổ đông mới tại công ty nhiệt điện có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng này, sau khi nhận chuyển nhượng gần 189 triệu cổ phần từ EVN.

Và tiếp tục trong tháng 11/2013, EVN liên tiếp công bố việc không còn là cổ đông lớn của hàng loạt công ty điện niêm yết trên sàn.

Cụ thể, EVN đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 48 triệu cổ phần công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã chứng khoán BTP) cho Tổng công ty phát điện số 3 (Genco 3). Sau đó, EVN công bố chuyển nhượng hơn 166 triệu cổ phần Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) về Tổng công ty phát điện số 2 (Genco 2).

Mới đây nhất, hôm qua, EVN công bố việc chuyển nhượng hơn 36 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (mã chứng khoán TMP) cho Genco 2. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao EVN liên tục chuyển nhượng toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp điện vốn đang ăn nên làm ra trong năm nay. Sau 9 tháng, Nhiệt điện Bà Rịa đã vượt 50% kế hoạch lợi nhuận năm, Thủy điện Thác Mơ thậm chí còn vượt 60% kế hoạch năm trong khi Phả Lại cũng đạt gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Vì sao EVN liên tục thoái vốn tại các công ty điện?

Theo quyết định tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN sẽ chỉ giữ vốn tại 6 doanh nghiệp sản xuất điện là các công ty Thủy điện Hòa Bình, Ialy, Trị An, Tuyên Quang, Sê San và Sơn La.

Với việc sở hữu vốn cổ phần tại hơn 50 các công ty điện trên cả nước, EVN đã thành cập các Tổng công ty phát điện 1, 2 và 3 (Genco 1,2, và 3) và tiến hành chuyển nhượng vốn về các Tổng công ty phát điện này.

Theo đó, Tổng công ty phát điện 1 (Genco 1) sẽ nhận chuyển nhượng và sở hữu phần vốn góp tại Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi; Nhiệt điện Quảng Ninh...

Tổng công ty phát điện 2 (Genco 2) sẽ quản lý phần vốn góp chuyển nhượng từ EVN tại các nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Hải Phòng, Thủ Đức và các nhà máy Thủy điện Thác Mơ, Sông  Ba Hạ, A Vương, Trung Sơn.

Cuối cùng, Genco 3 hay Tổng công ty phát điện 3 sẽ nắm giữ cổ phần tại Nhiệt điện Bà Rịa, Ninh Bình và các thủy điện Thác Bà (TBC), Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH),...

Trao đổi với Fica.vn, đại diện EVN xác nhận việc Tập đoàn đã tiến hành chuyển nhượng vốn tại các công ty điện về các Genco 1,2 và 3 theo các quyết định thành lập các Tổng công ty này của Bộ Công thương. Thực tế, các Genco đã quản lý phần vốn góp của EVN tại các công ty điện từ đầu năm 2013.

Vì vậy, trong thời gian tới, EVN có thể sẽ tiếp tục công bố việc không còn là cổ đông lớn đối với Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà....theo quy định về công bố thông tin đối với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Lý giải việc tại sao EVN lại thành lập các Genco, đại diện cho biết mục đích nhằm chuẩn bị cho việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào sau năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, theo tiến độ, từ năm 2015-2016 sẽ  thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm và từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cơ cấu ngành điện phải đáp ứng hai điều kiện. Giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện là đơn vị độc lập, không có chung lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện.

Giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh, Công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty điện lực được tổ chức thành đơn vị hạch toán độc lập, đơn vị này phải thực hiện tách bạch về tổ chức bộ máy và hạch toán của các bộ phận phân phối điện và bán lẻ điện.

Trong khi đó, EVN lại là cổ đông lớn tại hàng loạt các công ty điện tham gia thị trường. Vì vậy, EVN đã thành lập và chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty điện về các Genco. "Trên cơ sở hạch toán độc lập, các Genco này chào giá bán điện tới EVN và quan hệ giữa EVN và các Genco hiện thực hiện theo hình thức hợp đồng kinh tế", đại diện EVN cho biết.

Vị đại diện EVN cũng nhấn mạnh, hiện các Genco là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn của EVN. Tuy nhiên, trong tương lai, EVN sẽ tiến hành cổ phần hóa các Genco và giảm tỷ lệ sở hữu, nhằm đảm bảo cho việc tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *