Doanh nghiệp 21/06/2019 07:00

Vì sao các nước xử phạt còn Việt Nam lại tuyên Grab “vô tội” trong vụ thâu tóm Uber?

Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã nhắm đến sai đối tượng khi thực hiện cuộc điều tra trong thương vụ Grab mua lại Uber...

Vì sao các nước xử phạt còn Việt Nam lại tuyên Grab “vô tội” trong vụ thâu tóm Uber? - 1

Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã nhắm đến sai đối tượng khi thực hiện cuộc điều tra trong thương vụ Grab mua lại Uber.

Người trong cuộc nói gì?

Hội đồng Xử lý vụ cạnh tranh liên quan đến việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam vừa đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo đó, Hội đồng này đã tuyên bố thương vụ này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế, Grab không vi phạm luật Cạnh tranh.

Thông tin này gây bất ngờ đối với nhiều người, bởi trước Việt Nam, một số nước đã xử phạt Grab và Uber vì hành vi tương tự trong thương vụ nói trên.

Cụ thể, cuối tháng 9/2018, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore phạt Grab và Uber tổng cộng 9,1 triệu USD, trong đó Uber bị phạt 4,6 triệu USD, Grab hơn 4,5 triệu USD.

Mức phạt được đề ra dựa vào các yếu tố về doanh thu của công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, có xét các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Sau đó, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Philippines ngày 17/10/2018 cũng tuyên bố phạt 16 triệu Peso, tương đương gần 300.000 USD, đối với hai ứng dụng gọi xe Grab và Uber vì hành vi sáp nhập hoạt động tại quốc gia này trong lúc nhà chức trách còn đang tiến hành rà soát thương vụ.

Theo ý kiến của cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam, giao dịch Grab mua lại Uber được xem xét trên phạm vi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thông qua hợp đồng mua bán chung và hợp đồng chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ.

Bản chất và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng là chuyển giao tài sản và nghĩa vụ. Do vậy, giao dịch Grab mua lại Uber không phải là một giao dịch mua cổ phần nên không liên quan đến quyền bỏ phiếu tại cơ quan quản lý của doanh nghiệp bị kiểm soát là công ty Uber Việt Nam.

"Nhưng với việc mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam, Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber", cơ quan quản lý cạnh tranh khẳng định.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Uber Việt Nam trong phiên điều trần lại khẳng định công ty không và chưa bao giờ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam.

Theo đó, Uber Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ (marketing, điều tra, khảo sát thị trường…) cho công ty Uber B.V – một thực thể nước ngoài vận hành ứng dụng Uber và đây là các dịch vụ thông thường, ngoài Uber Việt Nam còn nhiều công ty khác có thể cung cấp cho Công ty Uber B.V. những dịch vụ này. Vì vậy, Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã nhắm đến sai đối tượng khi thực hiện cuộc điều tra.

Công ty Uber B.V. cho rằng cơ quan điều tra tiến hành điều tra hành vi tập trung kinh tế, kết luận điều tra kiến nghị xử phạt nhóm doanh nghiệp Uber (gồm Uber Việt Nam và Uber B.V) nhưng trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra, điều tra viên đã không làm việc với Uber B.V.

Do đó công ty không có điều kiện cung cấp các chứng cứ có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tại phiên điều trần, đại diện của công ty Uber B.V. cũng nêu trong vụ việc này.

"Thua cuộc", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phải đóng phí 100 triệu đồng

Theo Hội đồng cạnh tranh, căn cứ giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển phần mềm và thí điểm kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Theo báo cáo điều tra, dịch vụ do GrabTaxi cung cấp tại thị trường Việt Nam là cung ứng dịch vụ trung gian kết nối vận tải trên nền tảng phần mềm Grab. Dịch vụ do Uber cung cấp tại Việt Nam là cung ứng dịch vụ trung gian kết nối vận tải trên phần mềm Uber.

Vì vậy nhóm điều tra viên tập trung điều tra vào thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe và lái xe đối với ô tô dưới 9 chỗ.

Tuy nhiên theo Hội động xử lý cạnh tranh, dịch vụ trung gian kết nối hành khách qua phần mềm và qua tổng đài có nhiều đặc tính giống nhau và có thể thay thế cho nhau.

Nói cách khác, phần mềm ứng dụng kết nội vận tải của Grab/Uber và các phần mềm ứng dụng khác có thể thay thế bằng phương thức kết nối vận tải hành khách qua tổng đài của doanh nghiệp taxi.

Ngoài ra, kết quả khảo sát điều tra cũng cho thấy, có trên 50% số người tiêu dùng được hỏi sẽ không tiếp tục sử dụng dịch vụ của Grab và Uber khi giá cả hai bên này tăng lên 10% trong 6 tháng liên tiếp. Thay vào đó, họ sẽ gọi taxi truyền thống hoặc các ứng dụng tương tự.

Qua điều tra xác định, Hội đồng cạnh tranh cũng cho biết có 55 doanh nghiệp trên thị trường trung gian kết nối vận tải hành khách dưới 9 chỗ trên nền tảng phần mềm, tổng đài tại Hà Nội và 23 doanh nghiệp như vậy tại TP.HCM.

Trong vụ việc này, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh nhận thấy các bên bị điều tra là Grabtaxi và Uber Việt Nam có ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ.

Tuy nhiên, Grabtaxi không tham quản lý Uber Việt Nam, không chiếm bất kỳ tỷ lệ quyền bỏ phiếu nào trong các cơ quan quản lý của Uber Việt Nam.

Nhóm điều tra cũng thừa nhận thương vụ mua bán không phải là giao dịch mua cổ phiếu. Hội động xử lý vụ việc cạnh tranh khẳng định quan hệ mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa GrabTaxi và Uber Việt Nam không đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế.

Do vậy Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với GrabTaxi và Uber Việt Nam.

Về phí xử lý vụ việc cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh yêu cầu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phải chịu mức phí xử lý vụ việc là 100 triệu đồng nộp tại Kho bác Nhà nước TP. Hà Nội.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Ngay sau thương vụ, Cục quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ về thương về để điều tra hành vi tập trung kinh tế. Quá trình điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh đã xác định việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *