Doanh nghiệp 08/05/2018 10:26

Về chung một nhà với “đại gia”, điện máy Trần Anh vẫn long đong vì lỗ

Nợ vay ngân hàng của điện máy Trần Anh giảm mạnh trong năm qua. Vay nợ ngân hàng ngắn hạn hơn 467 tỷ đồng đã được trả toàn bộ. Thay vào đó, công ty này vay từ Công ty mẹ - Thế giới Di động hơn 33,7 tỷ đồng. Các khoản phải trả cho người bán là công ty mẹ cũng tăng mạnh...

Điện máy Trần Anh báo lỗ trong quý 4 cho kỳ tài chính 1/1/2018 - 31/3/2018.
 

Báo cáo tài chính Công ty CP Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG) cho kỳ tài chính 1/1/2018 - 31/3/2018 tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cụ thể, trong kỳ tài chính này, doanh thu thuần của TAG đạt 1.048 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 105 tỷ đồng, giảm 26%.

Khoản tiền này không đủ để gánh đỡ cho chi phí bán hàng lên tới hơn 109 tỷ đồng. Cùng với các loại chi phí khác, Trần Anh lỗ ròng 7,5 tỷ đồng trong quý này. Cùng kỳ năm ngoái TAG vẫn lãi 6,8 tỷ đồng.

Niên độ tài chính của TAG bắt đầu từ 1/4 năm này và kết thúc vào 31/3 năm sau, do đó kỳ tài chính này là quý IV của TAG.

Lũy kế cả niên độ tài chính 2017 - 2018, điện máy Trần Anh lỗ tới 62,9 tỷ đồng trong khi niên độ trước vẫn lãi hơn 19,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ vay ngân hàng của TAG giảm mạnh trong năm qua. Vay nợ ngân hàng ngắn hạn hơn 467 tỷ đồng đã được trả toàn bộ, trong khi vay tài chính dài hạn cũng giảm bớt 1 tỷ đồng.

Thay vào đó, TAG vay từ Thế giới Di động hơn 33,7 tỷ đồng. Đồng thời các khoản phải trả cho người bán cũng tăng mạnh, chủ yếu là từ 903,3 tỷ đồng phải trả cho công ty mẹ là Thế giới Di động. Do đó, mặc dù đã trả được nợ ngân hàng song nợ phải trả của TAG không giảm mà còn tăng nhẹ 7%.

Tổng cộng nguồn vốn của TAG tính đến hết 31/3/2018 là 1.186 tỷ đồng, có tăng nhưng không đáng kể so với con số 1.184 tỷ đồng đầu năm. Riêng nợ phải trả là 974,2 tỷ đồng, chiếm 82% tổng nguồn vốn, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu.

Trước đó, hồi tháng 8/2017, thông tin “ông lớn” Thế giới di động (MWG) quyết định mua lại đối thủ trong ngành điện máy là Công ty CP Thế giới số Trần Anh được công bố sau một thời gian đồn đoán.

Đây có lẽ là thương vụM&A gây chú ý nhất thời gian này khi bên mua là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, vốn nổi tiếng với tham vọng rất lớn, còn bên bị thâu tóm là doanh nghiệp điện máy từng chiếm thị phần lớn nhất tại miền Bắc.

Vào tháng 9/2017, đại diện của Thế giới di động đã bắt đầu tiếp quản Trần Anh. Và ngay sau đó, khi công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 (quý 2 theo niên độ tài chính của Trần Anh - do công ty bắt đầu năm tài chính từ 1/4 và kết thúc vào 31/3 năm sau), Trần Anh báo lỗ 7,5 tỷ đồng mặc dù trước đó luôn có lãi.

Mặc dù đã có những động thái tiếp quản trong những tháng cuối của năm 2017 nhưng đến đầu tháng 1/2018, Thế giới Di động mới hoàn tất việc mua lại cổ phần chi phối đối với Trần Anh.

Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động, Chủ tịch HĐQT Trần Anh cho biết thương vụ mua lại Trần Anh “có nhiều cái dở". Hoàn thành giao dịch vào cuối năm 2017 nhưng gặp mùa Tết nên MWG chưa can thiệp bất cứ điều gì ở Trần Anh, chỉ tập trung cho hàng hóa và ổn định nhân sự.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *