Doanh nghiệp 23/05/2018 16:52

Vẫn còn hơn 1.000 tấn dưa hấu chờ giải cứu

Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam xác định lượng dưa hấu còn tồn trọng trong dân khoảng 55ha với sản lượng khoảng 1.300 tấn trong tình trang tiêu thụ vô cùng khó khăn.

Giải cứu dưa hấu ở Hà nội (Ảnh minh họa)

Tỉnh Quảng Nam có khoảng 700ha được dùng để trồng dưa hấu. Trong đó, lượng dưa tập trung chủ yếu tại huyện Phú Ninh với khoảng 500ha.

Theo thống kê của Sở Công Thương Quảng Nam, sau gần 2 tuần được chung tay giải cứu, hiện, lượng dưa hấu còn tồn trong dân cỡ khoảng 55ha với sản lượng khoảng 1.300 tấn. Việc tiêu thụ dưa hấu tại huyện Phú Ninh đang vô cùng khó khăn.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở Công Thương Quảng Nam vừa có văn bản “khẩn” gửi Sở Công Thương các tỉnh thành trong cả nước cùng chung tay giải cứu, tìm đầu ra cho dưa hấu, nhằm ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Trong công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh thành, Sở Công Thương Quảng Nam đề nghị các đơn vị sốt sắng thông tin, chỉ đạo đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thành phố cùng chung tay hỗ trợ bà con nông dân Quảng Nam tiêu thụ dưa hấu, giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng có văn bản kêu gọi giải cứu các mặt hàng nông sản cho nông dân. Hồi tuần trước, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản gửi đến các công sở thuộc huyện “kêu gọi ”cán bộ, công chức, người dân “phấn đấu” mỗi người mua 9 kg ớt quả với giá 5.500 đồng/kg để giải cứu ớt cho bà con nông dân.

Sáng này 22/5, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội, câu chuyện giải cứu nông sản cũng được nhiều đại biểu nhắc tới. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng tỷ trọng xuất khẩu nông sản đạt 36 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới như thanh long, xoài…”Thế nhưng nhìn lại từ đầu năm tới nay chúng ta đã giải cứu rất nhiều, gần đây nhất Quảng Nam kêu gọi giải cứu dưa hấu hay huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đề nghị giải cứu 17ha ớt. Trước đó là những cuộc giải cứu khác như: giải cứu củ cải (Hà Nội), cà chua (Bắc Giang)…Giải cứu hết cuộc này đến cuộc khác. Chúng ta phải xem giải cứu thế này có hợp lý không?”, ông Nguyễn Minh Sơn nêu câu hỏi.

Chia sẻ với ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu liên tục tăng cao song tới nay sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tham gia vào chuỗi nông thủy sản thế giới do chưa có thương hiệu. “Chưa có thị trường xuất khẩu bền vững, luôn gặp rào cản kỹ thuật vì vậy nông sản Việt Nam luôn trong tình cảnh được mùa mất giá, phải giải cứu”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa, bởi giờ họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Do vậy nếu nông sản Việt Nam cứ phụ thuộc vào Trung Quốc thì chắc chắn hệ lụy sẽ rất lớn.

H.Anh 

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *