Doanh nghiệp 20/03/2015 09:02

Uber, Grabtaxi hứng “búa rìu” chỉ trích vì không sòng phẳng

FICA - Kinh doanh không sòng phẳng khi không cần xe, không cần bộ đàm, không cần quản lý, thậm chí không cần giấy phép mà dựa vào lao động của các hãng taxi khác để kiếm lợi nhuận, theo đại diện của giới kinh doanh vận tải taxi, cả Uber, Grabtaxi, Easytaxi đều đang phạm luật.

Cuộc tranh cãi về tính pháp lý của Uber, Grabtaxi và Easytaxi vẫn chưa có hồi kết
 
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch vụ đặt chỗ taxi qua di động vẫn còn là một dịch vụ mới mẻ ở Việt Nam với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp với 3 đơn vị nổi bật là Uber, Grabtaxi và Easytaxi.
 
Dịch vụ trên chia làm 2 nhóm phân biệt: Grabtaxi và Easytaxi kết nối các hãng taxi truyền thống với khách hàng qua thiết bị di động, trong khi Uber thực hiện kết nối giữa lái xe nói chung và hành khách với nhau.
 
Mặc dù hết sức mới mẻ với thị trường Việt Nam, nhưng các dịch vụ trên đã có một lượng khách hàng thường xuyên tương đối đáng kể, cạnh tranh với dịch vụ taxi truyền thống. Tuy nhiên, giữa các thương hiệu có sự chênh lệch về thị phần, Grabtaxi đang chiếm 62% trong khi EasyTaxi và Uber lần lượt chiếm 17% và 21%. Nguyên nhân dẫn đến khác biệt kể trên do chiến lược marketing, quảng bá đến người dùng của các đơn vị có nhiều khác biệt. Google Trends cho thấy xu hướng tìm kiếm của cộng đồng mạng cũng nghiêng về phía GrabTaxi và Uber.
 
Theo nhận định của Bộ Công thương, với xu hướng dịch vụ đặt chỗ taxi qua di động phát triển như hiện nay, năm 2015 dự đoán sẽ là một năm sôi động đối với thị trường dịch vụ taxi và khách hàng sẽ được sử dụng các dịch vụ ngày càng tốt hơn trong đó sẽ có cả sự góp mặt của các doanh nghiệp Việt vào thị trường đầy tiềm năng này.
 
 Tỷ lệ phân bố thị trường ứng dụng gọi taxi - Nguồn: SocialHeat
 
Tuy nhiên, có mặt tại Hội thảo về Thương mại điện tử trên nền tảng di động được Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/3, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội lại lật ngược vấn đề về an toàn cho hành khách như thế nào khi sử dụng phần mềm kinh doanh vận tải khách như Uber?
 
Về phía đại diện của Uber, ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Uber Việt Nam khẳng định, mô hình mà hãng này áp dụng sẽ tận dụng xe 100%, tăng thu nhập từ 2-4 lần cho tài xế; giúp tài xế giảm mức cước phí đối với khách hàng xuống thấp hơn xe buýt và như vậy, ô tô con sẽ là phương tiên di chuyển cho tất cả mọi người.
 
Với chức năng đi chung xe, đại diện Uber lập luận rằng, điều này sẽ cải thiện hiệu năng sử dụng xe và thời gian sử dụng xe, nói cách khác là sẽ giảm lượng xe tham gia giao thông. Việc giảm lượng xe đi lại cũng đồng nghĩa với việc giảm tắc nghẽn, giảm thời gian lãng phí khi ùn tắc và tăng năng suất.
 
Bên cạnh đó, mô hình này cũng giảm được lượng khí thải CO2, tăng tiết kiệm xã hội nhờ tận dụng tối đa xe các nhân, giúp tiết kiệm chi phí mua xe trị giá hàng tỷ USD và chi phí xây dựng bến bãi đỗ xe.
 
Uber, Grabtaxi, Easytaxi đều vi phạm luật cạnh tranh?
 
Buổi hội thảo bất ngờ trở nên “nóng” hơn, thậm chí có phần gay gắt khi các đại biểu chuyển hướng đề tài sang khía cạnh pháp lý.  Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc hãng Taxi Sông Hồng chất vấn, kinh doanh vận tải xe ôtô ở Việt Nam là 1 ngành kinh doanh có rất nhiều điều kiện, vậy các công ty ứng dụng công nghệ trên taxi ở đây là Grabtaxi, Easytaxi và Uber đã có đủ cơ sở pháp lý để tham gia thị trường dịch vụ này?
 
Thậm chí, vị giám đốc này còn dẫn ra tới 4 tầng giấy phép mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi hiện phải có: Giấy phép “cha” là đăng ký kinh doanh, giấy phép “con” là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, giấy phép “cháu” là phù hiệu xe taxi để dán trên mỗi xe taxi và một loạt các loại giấy phép “chắt” như chứng chỉ tập huấn lái xe taxi, tem kiểm định đồng hồ... Và theo ông Sơn, việc các đơn vị này không cần điều kiện gì mà vẫn hoạt động thì không công bằng với những doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi khác.
 
Ông Đặng Việt Dũng đáp: Uber là công ty công nghệ và không chỉ làm xe, Uber còn làm cả trực thăng, tàu, hàng hóa... Đồng thời khẳng định, các loại giấy phép vận tải từ “cha, con, cháu, chắt” mà ông Sơn vừa nêu, Uber cũng phải có đầy đủ.
 
Còn theo ông Đỗ Quốc Bình, bản chất Uber sử dụng phần mềm trong hoạt động vận tải có thu tiền 20% trên phí dịch vụ. Hãng sử dụng lái xe, phương tiện của cả doanh nghiệp vận tải, nhưng chưa hề ký hợp đồng với một doanh nghiệp taxi nào và bản thân người lái xe hợp tác với Uber cũng ký hợp đồng với Uber tại Hà Lan. Như vậy, không có gì đảm bảo an toàn cho cả người lái lẫn hành khách nếu có sự cố xảy ra – ông Bình lo ngại.
 
Cùng quan điểm với ông Bình, ông Sơn quả quyết, cả ba đơn vị Uber, Grabtaxi và Easytaxi đều đang vi phạm luật cạnh tranh, sử dụng lao động của người khác, không xin phép doanh nghiệp quản lý lái xe đó. Người lái xe ký hợp đồng với những đơn vị này cũng vi phạm luật Lao động vì đang thuộc doanh nghiệp nhưng lại ký hợp đồng chui với doanh nghiệp khác.
 
Giám đốc Taxi Sông Hồng yêu cầu, khi hoạt động, Uber cũng như Grabtaix phải ký hợp đồng với doanh nghiệp để tăng tính trách nhiệm nêu xảy ra sự cố, chứ không thể để tồn tại hình thức “kinh doanh taxi không cần xe, không cần bộ đàm, không cần quản lý”.
 
Toàn cảnh phiên hội thảo
 
“Miếng bánh thị phần đủ lớn cho các bên tham gia”
 
Trong khi đó, ông Dũng khẳng định, Uber không cướp thị phần của các hãng taxi và mô hình hoạt động của hãng chỉ là giải pháp bổ trợ, không phải giải pháp thay thế cho taxi. Ông Dũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu Uber mà nhắm tới là làm sao tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, làm sao cho thị trường đó tiềm năng cho tất cả. Uber muốn tăng tần suất sử dụng xe cho các hãng taxi, bởi nhiều đầu xe chỉ sử dụng 3-4 tiếng trong ngày. Khi sử dụng tổng đài, nhiều khi xe cần có lại chưa thể có ngay, nhưng công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó.
 
Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với câu trả lời này, ông Nguyễn Sơn cho rằng, việc Uber nói đơn vị này là công ty công nghệ chỉ là một cách né tránh, bởi, Uber Việt Nam vận hành một quá trình gồm 5 khâu: kết nối, định giá, vận hành, thanh toán, nhận phản hồi của khách hàng - đó chính là kinh doanh vận tải.
 
Đại diện Uber hứa hẹn, tại một diễn đàn khác, khi có mặt các luật sư thì sẽ có được đáp án chi tiết hơn về vấn đề này. Thêm vào đó, câu trả lời cũng sẽ cần các nhà chức trách, bởi nhiều khuôn khổ pháp lý có thể không theo kịp công nghệ.
 
Bà Emily Thu Đỗ, Giám đốc Marketing của Grabtaxi cũng khẳng định, đơn vị này không cạnh trạnh với các hãng taxi mà chỉ kết nối taxi, tài xế và người tiêu dùng. Theo đó, Grabtaxi không làm ra đội xe riêng, không giành thị phần của các hãng taxi hện tại mà đang trên đà hợp tác với tất cả các hãng taxi.
 
Bà Emily cũng ra rằng, thống kê cho thấy, 62% người dùng điện thoại, thiết bị di động ở Việt Nam là sử dụng smartphone (điện thoại thông thường là 52% và máy tính bảng là 12%). Sự thâm nhập của nhiều hãng điện thoại Android giá rẻ từ Trung Quốc đã giúp lượng smartphone tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam. Và theo đại diện của hãng này, miếng bánh thị phần cùng to lên và đủ cho các bên tham gia thị trường.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *