Doanh nghiệp 20/11/2015 08:28

Uber, Grab - taxi truyền thống: "Đại chiến" chưa có hồi kết

Nhiều người cho rằng, thay vì lo mất thị phần, bị cạnh tranh không lành mạnh thì doanh nghiệp taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng phục vụ và giảm giá cước. Cơ quan quản lý cũng nên giữ vị thế trung lập để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp họ yêu thích.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
 

Taxi nội lo bị “thôn tính”

Tại hội thảo do Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội tổ chức sáng 19/11, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội than thở: “Thời gian qua, cả Uber taxi và Grabtaxi đều thực hiện khuyến mại và có nhiều hoạt động khác nhằm thu hút khách hàng gây lên những xáo trộn nhất định cho thị trường”.

Theo ông Quân, Grab và Uber chỉ là phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi. Về bản chất, 2 công ty này không cung cấp dịch vụ vận tải, chỉ tạo ra nền tảng để các bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty này không chỉ đơn thuần kinh doanh phần mềm, mà còn đang lấn sân sang cả kinh doanh xe taxi.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Tân - đại diện công ty Ba Sao đặt câu hỏi: “Nếu loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử với điều kiện kinh doanh đơn giản hơn rất nhiều so với kinh doanh taxi thì chúng ta có đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh hay không?”

Ông Trần Đức Trí, đại diện hãng taxi Thanh Nga thẳng thắn: “Không hãng nào có thể trả với giá 6.000 đồng/km kể cả áp dụng công nghệ. Từ ngày 19/10 vừa rồi, khi Grab không hỗ trợ nữa thì cũng không lái xe nào chịu được mức giá đó. Thêm nữa, đại đa số các xe của 2 hãng này đều không có phù hiệu hợp đồng nên không biết có bao nhiêu xe tư nhân trà trộn vào kinh doanh. Do đó, cần kiểm tra để tránh tình trạng ai cũng có thể kinh doanh taxi”.

Đại diện VIC taxi cũng chỉ ra rằng, Grab và Uber đang kinh doanh giống như các hãng taxi truyền thống khác nhưng không phải chịu sự quản lý như các hãng khác. Hai hãng này lại tận dụng nhiều xe tư nhân để kinh doanh gây rối loạn kinh doanh, gây ách tắc giao thông, tự ý đặt cước.

"Họ lại không phải thực hiện một số trách nhiệm: tham gia bảo hiểm xã hội, công đoàn, đào tạo, làm đồng phục nhân viên, lắp thiết bị… Lái xe lại không phải tham gia đào tạo lấy chứng chỉ, không mặc đồng phục, không đeo thẻ của hãng, không cần khám sức khỏe định kì. Đặc biệt, những xe này được tự do đi lại ở một số phố cấm mà taxi không được đi lại ở Hà Nội là lợi thế rất lớn”, vị này nói.

Nên đặt người tiêu dùng là trung tâm

Dưới góc độ người tiêu dùng, nhiều người cho rằng, thay vì lo mất thị phần, bị doanh nghiệp khác cạnh tranh không lành mạnh thì doanh nghiệp taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng phục vụ và giảm giá cước. Cơ quan quản lý cũng nên giữ vị thế trung lập để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp họ yêu thích.

Chị Hoàng Thuỳ Minh (Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng thường sử dụng dịch vụ taxi cho rằng: "Bản thân tôi không đặt nặng là taxi truyền thống hay không truyền thống, loại nào có lợi hơn thì dùng, hãng nào dịch vụ tốt thì giữ chân khách. Thực tế khi sử dụng Uber, Grabtaxi tôi thấy giá cước rẻ hơn, nhiều khuyến mãi, dễ gọi xe và tài xế phục vụ tốt". 

Trước đó, trao đổi với báo chí về các kiến nghị tạm dừng hoạt động của các phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm hoạt động bất hợp pháp, Bộ quản lý để doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, đảm bảo công bằng. Grabtaxi đã sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách và đã công khai còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Nói chung là anh không nên lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân. Có thể về mặt luật pháp, cũng phải làm rõ để tạo khuôn khổ cho dịch vụ mới hoạt động được. Nhưng cơ bản, khoa học kỹ thuật phát triển thì qui định, chính sách cũng phải thay đổi theo. GrabCar là hoạt động theo cách thức, theo công nghệ mới thì qui định nào không phù hợp thì chúng ta phải sửa”.

Nói một cách tương đối khách quan, TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Với loại hình kinh doanh vận tải mới như Uber hay GrabTaxi thì cái được cũng nhiều mà cái chưa được cũng không phải nhỏ. Nhưng nhìn chung, thị trường Việt Nam vẫn đang chuyển đổi, hội nhập…nền có những mô hình kinh doanh mới, hiệu quả hơn thì chúng ta cũng phải đi theo thôi".

Còn theo luật sư Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TPHCM: "Trong số các lợi ích phải cân nhắc, lợi ích của người dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm. Hành khách được cung cấp phương thức giao kết hợp đồng vận tải mới bằng thông điệp điện tử an toàn và thuận tiện hơn phương thức giao dịch truyền thống. Khi vận hành của doanh nghiệp hiệu quả hơn và thị trường cạnh tranh hơn khách hàng được hưởng lợi vì cước phí giảm".

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *