Doanh nghiệp 09/09/2019 14:05

Trưởng Ban Kinh tế trung ương: Tư nhân sợ "chơi" không muốn "dính" đến doanh nghiệp Nhà nước

Dẫn chứng việc một số doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa nhưng vẫn giữ cổ phần Nhà nước chi phối lớn sẽ không làm thay đổi về chất trong quản trị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương kể: Nhiều doanh nghệp tư nhân nói họ "sợ chơi", "dính vào" doanh nghiệp Nhà nước khi tái cơ cấu.

Tại Hội nghị "Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước" do Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức sáng ngày 9/9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết: Việc một số doanh nghiệp, ngành và lĩnh vực Nhà nước vẫn nắm giữ vốn chi phối đã khiến tư nhân không dám tham giá, khiến tái cơ cấu khó hiệu quả.

Cổ phần hóa chậm vì tư nhân không dám tham gia?

Theo ông Bình, trong kinh tế thị trường hiện nay, một người chiếm 35% vốn trong doanh nghiệp có quyền phủ quyết và chi phối. Như vậy, ở một số doanh nghiệp cổ phần, chúng ta vẫn duy trì vốn Nhà nước chi phối đến 65%.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương: Tư nhân sợ chơi không muốn dính đến doanh nghiệp Nhà nước - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương

Ông Bình nói: "Tư nhân bây giờ họ rất ngại tham gia góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa. Tôi hỏi, họ bảo: không em đi chỗ khác chơi, dính vào đây mệt lắm, không phải đầu cũng phải tai, tư nhân làm với nhau nếu không nên không phải còn ra tòa".

Thực tế, theo ông Bình, với việc cổ phần doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ vốn còn lớn sẽ không làm thay đổi chất lượng quản trị, gây khó khăn cho những ai tham gia góp vốn vào.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói: "Trước đây, sở hữu vốn Nhà nước do Bộ ngành đứng ra đại diện và quản lý cũng là do các công chức của Bộ, ngành. Người ta gọi đó là "vừa đá bóng vừa thổi còi". Cha mẹ nào chả muốn con mình hay. Và cũng vì "cha mẹ" là quản lý nhà nước nên họ có báo cáo không đúng".

Giờ đây, vai trò quản trị, năng lực quản trị doanh nghiệp Nhà nước cần làm rõ ra. Tách bạch rõ chức năng sở hữu tài sản Nhà nước với quản lý của doanh nghiệp.

Theo Trưởng Ban kinh tế trung ương: Trước đây, kinh tế Việt Nam bao cấp đầu vào quá nhiều, khiến dẫn đến bao cấp đầu ra.

Ví dụ sản xuất ra 1 kWh điện mất 10 cent chẳng hạn nhưng một số đối tượng được yêu cầu chỉ bán 8 cent thôi, vậy thì cũng phải tính những phần thiệt hại cho doanh nghiệp và bù vào cho họ. Nếu không, cứ kéo dài mãi, họ phải ăn cả thịt, đến xương để làm nhiệm vụ xã hội là không công bằng.

Bên cạnh những yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua, Trưởng Ban Kinh tế trung ương chỉ ra nhiều nhiệm vụ, nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp Nhà nước khó bứt phá được.

Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước nhiều nhưng vẫn... "nguyên giá trị"

"Bên cạnh những doanh nghiệp Nhà nước yếu kém, chúng ta có những doanh nghiệp lớn, đi đầu và xây dựng đặc trưng cho kinh tế đất nước", ông Bình nói.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương ví dụ: "Ở ngành viễn thông, nếu không có doanh nghiệp ICT Nhà nước, Việt Nam khó có cơ sở hạ tầng viễn thông ngang ngửa các nước phát triển ở châu Á và trên thế giới với giá rẻ. Ở lĩnh vực hàng không, hiện nay đang có gần chục hãng hàng không đã hoạt động và đang chờ cấp phép. Tuy nhiên, nếu không có Vietnam Airlines xây dựng những cụm cảng thì sao có cơ hội cho các hãng hàng không tư nhân tham gia".

Ông Bình nói thêm về hệ thống ngân hàng: "Trước đây ngân hàng chỉ 1 cấp là ngân hàng Nhà nước, vừa làm ngân hàng trung ương, vừa làm nhiệm vụ ngân hàng thương mại. Nhưng sau chúng ta phát triển đến bước thứ 2 là có ngân hàng thương mại, lập 4 ngân hàng chuyên doanh, thương mại. Sau đó cho phép ngân hàng tư nhân, nước ngoài mở chi nhánh, đến bây giờ là cổ phần hóa, đa dạng sở hữu, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ".

Hay một ví dụ sinh động là trước đây khi thực hiện dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khá nhiều doanh nghiệp tư nhân được mời tham gia, nhiều người được mời khảo sát đều cho rằng: "Vất tiền qua cửa sổ, hay ma nó đi". Tuy nhiên, sau khi xây dựng con đường này xong, hiệu quả kinh tế thấy rõ, đời sống các địa phương ở các con đường nhờ vậy khấm khá hớn, đi lại thuận tiện và không gian khổ. Đấy là nhiệm vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước mà không phải ai cũng thấu hiểu.

"Rất nhiều lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không thể làm thì ai làm, mà đây đều là các lĩnh vực đó rất quan trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh", ông Bình nói.

Theo ông Bình, doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế, có đặc quyền nhưng cũng có nhiều quy định ràng buộc khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị trói chân. Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước ban hành nhiều nhưng khâu thực thi còn hạn chế nên Nghị quyết vẫn còn "nguyên giá trị".

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương: "Nhiều người hỏi tôi có ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp mà vốn Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần, vốn còn 14-15% vậy thì yếu tố then chốt, chủ đạo của kinh tế Nhà nước ở đâu? mất đi à?'

Ông Bình nói thêm: "Như vậy, có rất nhiều người vẫn hiểu kinh tế Nhà nước phải ôm tất, làm tất mới là chủ đạo? Không đúng, chủ đạo và then chốt giống như một căn nhà lớn, nhưng chỉ có một then, một khóa để mở, để ra. Then chốt là ở chỗ đó".

 Nguyễn Tuyền

Trưởng Ban Kinh tế trung ương: Tư nhân sợ chơi không muốn dính đến doanh nghiệp Nhà nước - 2

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *