Tiêu Dùng 19/03/2018 06:46

Vướng tranh chấp: Người tiêu dùng chấp nhận "ngậm bồ hòn"

40% người tiêu dùng tại Việt nam lựa chọn im lặng khi xảy ra tranh chấp do còn chưa hiểu rõ các quy trình giải quyết khiếu nại, hay gặp khó khăn trong khi liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền để gửi yêu cầu khiếu nại.

anz-niem-tin-nguoi-tieu-dung-viet-cao-nhat-chau-a-1476929679873
(Ảnh minh hoạ).

Con số trên là kết khảo sát của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) được nhắc đến mới đây tại Hội nghị Tổng kết công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu vực miền Trung.

GIZ cho rằng, cần nhiều hơn nữa những hướng dẫn cụ thể về thủ tục rút gọn cho vụ án của người tiêu dùng, đồng thời đa dạng hoá, mở rộng phạm vi thực hiện hoạt động tuyên truyền như đưa các nội dung giáo dục về tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chương trình giảng dạy, đào tạo tại các cấp trung học và đại học, hay thực hiện chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm. 

Về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu cho biết, trong năm 2018 sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phương thức tuyên truyền trên các mạng xã hội, như Youtube, Facebook, website,…

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong năm 2017, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý trên 1400 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến nhiều hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thống kê cho thấy, trong năm 2017, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (177 trường hợp, chiếm khoảng 17.77%). Sau đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (147 trường hợp, chiếm 14.76%) và nhóm điện thoại, viễn thông (114 trường hợp, chiếm 11.44%).

Trong các năm gần đây, đây đều là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì trong năm 2017, cơ quan quản lý đã nhận rất nhiều cuộc gọi phản ánh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhóm “đồ điện tử gia dụng”, cụ thể là các vấn đề liên quan đến bảo hành sản phẩm.

Trong số 999 yêu cầu gọi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, có 23,69% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là cung cấp thông tin với tỉ lệ 21,39%, bảo hành với tỉ lệ 20,78%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (12,75%), thu hồi sản phẩm khuyết tật (0.4%) và các hành vi khác (20.98%).

Phương Dung

 
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *