Tiêu Dùng 08/06/2018 12:48

Việt Nam tiêu thụ rượu bia thứ 3 châu Á, cần tăng thuế để giảm tiêu thụ

Sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh một cách đáng báo động trong vài năm trở lại đây và vươn lên top 3 của khu vực.

Chia sẻ tại Hội thảo “Cung cấp thông tin về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia” do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 8/6/2018, ông Nguyễn Phương Nam, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016 (trong khi trước đó chỉ là 3,8 lít năm 2003).”

"Tỉ lệ dân số sử dụng rượu bia cao, trong đó tỉ lệ nam giới uống ở mức nguy hại cao (44,2%). Nói nôm na, trung bình nam giới Việt Nam uống 6 cốc bia hơi trong 1 lần uống", ông Nam cho hay.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cảnh báo: “Sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Năm 2017, sản lượng bia là 4,006 tỉ lít bia. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỉ lệ uống rượu bia ở cả 2 giới ngày càng gia tăng.”

“Nếu tính riêng với nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì bình quân một người ở Việt Nam tiêu thụ trung bình khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010). Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ 2 các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới. Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để kịp thời điều chỉnh”, ông Quang chia sẻ thông tin.

Trước thực tế nêu trên, ông Nam cho rằng: “Cần tăng thuế, giá để giảm tiêu thụ rượu bia.” 

“Trên thế giới đã có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán. Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình”, ông Nam nhấn mạnh.

Dự kiến Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được Bộ Y tế gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 6/2018; trình Chính phủ vào tháng 10/2018 và trình Quốc hội vào tháng 9/2018.

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *