Tiêu Dùng 13/01/2014 14:58

Thương mại điện tử Việt Nam: Miếng bánh màu mỡ với kỳ vọng doanh thu 1,5 tỷ USD

FICA - Với quy mô thị trường ở mức trung bình, tương đương với doanh thu 1,3 tỷ USD hay với kịch bản tốt, tương đương với doanh thu 1,5 tỷ USD dự kiến trong 2015 thì TMĐT Việt Nam đang thực sự là mảnh đất màu mỡ để nhiều bên cùng nhảy vào “chia chiếc bánh”.

 

Bài viết đăng trên website Cục Quản lý Cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) có dẫn báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2012 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương phát hành định kỳ hàng năm cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển thương mại điện tử hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Nhận định này tiếp tục được khẳng định tại Báo cáo về tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7/2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore.

Theo Báo cáo của comScore, với 16,1 triệu người dùng Internet mỗi tháng, Việt Nam hiện đang là quốc gia có lượng người dùng Internet đông nhất tại khu vực Đông Nam Á, bỏ xa quốc gia đứng thứ 2 là Indonesia với 13,9 triệu người dùng và thứ 3 là Malaysia với 12 triệu người dùng. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng Internet nhanh thứ 2 tại khu vực. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm đến 14% (chiếm gần 36% dân số Việt Nam, tương đương gần 32 triệu người dùng).

Cũng theo Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường này, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia có lượng người dùng Internet ở độ tuổi trẻ nhất khu vực, với 42% người sử dụng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 15-24, và ở Thái Lan tỷ lệ tương ứng là 45%. Độ tuổi người dùng Internet từ 25 đến 34 ở Việt Nam và Thái Lan lần lượt chiếm 32% và 29%.

Bên cạnh việc người dùng Internet ở độ tuổi trẻ, thời lượng trực tuyến của người dùng tại Việt Nam và Thái Lan cũng nhiều nhất khu vực. Trung bình mỗi người dùng Internet tại Việt Nam trực tuyến 26,2 giờ mỗi tháng, trong khi đó con số ở Thái Lan là 27,2 giờ. Theo nhận định của các nhà phân tích, thời gian trực tuyến của người dùng Internet lâu là cơ hội để các lĩnh vực như thương mại điện tử hay các dịch vụ trực tuyến phát triển, đặc biệt tại các thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam và Thái Lan.

Phát triển cùng tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng Internet, hình thức TMĐT Việt Nam cũng đã có những bước tiến sôi động và hiệu quả. Năm 2012 đã ghi nhận sự phát triển ồ ạt của hình thức mua theo nhóm trên Internet (Nhommua, Muachung…). Các website hoạt động theo mô hình này mặc dù đã trải qua giai đoạn hoàng kim nhưng hiện tại vẫn đang tiếp tục kinh doanh ổn định và ngày càng tự thay đổi để phù hợp với môi trường kinh doanh. Lâu bền và  có chiến lược hơn là các mô hình rao vặt và gian hàng trực tuyến.

Theo ghi nhận của Báo cáo TMĐT 2012, các sàn giao dịch TMĐT kiểu này đang có tốc độ tăng trưởng về nhiều chỉ tiêu khá tốt: lượng giao dịch thành công tăng 11-73%, doanh thu tăng từ 17-80%, lượng thành viên tăng 25-67%...

Theo Báo cáo, với quy mô thị trường ở mức trung bình, tương đương với doanh thu 1,3 tỷ USD hay với kịch bản tốt, tương đương với doanh thu 1,5 tỷ USD dự kiến trong 2015 thì TMĐT Việt Nam đang thực sự là mảnh đất màu mỡ để nhiều bên cùng nhảy vào “chia chiếc bánh”.

Sự phát triển nhanh chóng, ồ ạt nhưng lại thiếu các quy định kiểm soát và các chế tài xử phạt đã làm cho môi trường TMĐT Việt Nam đang ngày càng rối lên theo hướng mạnh ai người đó làm, và vì vậy, rất nhiều thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang diễn ra.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, nhiều người tiêu dùng đang bức xúc vì một ngày nhận được đôi, ba chục tin nhắn điện thoại với các nội dung quảng cáo, chào mời dịch vụ hoặc dụ dỗ chơi cá cược,…Các tin nhắn này phần lớn có mục đích lừa đảo, hướng dẫn người xem thực hiện theo các yêu cầu để có thể thu lợi bất chính. Nếu thực hiện theo các hướng dẫn này, người tiêu dùng có thể ngay lập tức bị trừ tiền trong tài khoản. Nếu tỉnh táo, không thực hiện theo các nội dung hướng dẫn thì người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc và khó chịu khi liên tục phải mở điện thoại để kiểm tra tin nhắn.

Bên cạnh đó, lợi dụng khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua và người bán, một trong những gian lận tiêu dùng chủ yếu xảy ra trong thời gian hiện nay là vấn đề quảng cáo gian dối, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Vụ việc tiêu biểu cho hành vi này là hiện tượng quảng cáo và bán vòng Titan Quan Âm vào năm 2009. Vì tin tưởng vào nội dung quảng cáo được phát liên tục trên các đài truyền hình, rất nhiều người tiêu dùng đã đặt mua vòng Titan Quan Âm với giá bán gần 1 triệu đồng, kèm theo sự tin tưởng đeo chiếc vòng này sẽ chữa được bách bệnh, phòng được mọi rủi ro. Thực tế, giá gốc của chiếc vòng này chỉ là 4000đ, nhập khẩu từ Trung Quốc và làm chủ yếu từ nguyên liệu sắt chứ không phải Titan, vàng, kim loại quý như quảng cáo. Thậm chí nhiều người tiêu dùng sau khi mua sản phẩm về cũng không biết được mình đã bị lừa đảo.

Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, những hành vi tương tự như vụ việc vòng Titan Quan Âm hiện nay vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn với các mặt hàng: mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại…

Ở mức độ lớn hơn là vụ việc Mạng lưới Muaban24 vừa được đưa ra ánh sáng vào tháng 8/2012. Theo đó, các đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ người tiêu dùng mua bán các gian hàng ảo trên Internet với số tiền lớn, sau đó được trích hoa hồng cao khi giới thiệu những người khác cùng mua hàng. Về bản chất, nếu việc mua bán các gian hàng ảo để phục vụ cho hoạt động kinh doanh online thì đây là hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, trong mạng lưới Muaban24, việc mua các gian hàng ảo chỉ là hành vi đánh lừa thị giác, nhằm tạo ra cái cớ để thúc đẩy hành vi kiếm tiền hoa hồng từ người mua sau. Cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì Muaban24 đã phát triển đại diện tại hơn 50 tỉnh thành trong cả nước. Chỉ trong 1 năm, Mạng lưới này đã bán được hơn 120.000 gian hàng, doanh thu thu về hơn 600 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng đã được các đối tượng lừa đảo bỏ túi riêng.

 

Phương Dung

Theo VCA

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *