Tiêu Dùng 01/12/2013 17:21

Thuốc kém chất lượng: Khổ người tiêu dùng

Một thực tế đáng lo ngại là trước khi có những thông báo thu hồi của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế người dân đã phải sử dụng những sản phẩm kém chất lượng.



Những thông tin về thu hồi thuốc do không đảm bảo chất lượng xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10-2013 đã có khoảng gần 100 loại thuốc có tên trong danh sách bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng.

Hậu quả khó lường

Ông Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội - nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, cảnh báo: Người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Nếu sử dụng phải thuốc giả, bác sỹ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị bệnh, có trường hợp còn gây tác dụng phụ, thậm chí tử vong.

Cũng theo ông Hòa, nếu tác dụng phụ của thuốc thật, thuốc chuẩn nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.

Ông Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm đã từng tiếp nhận người bệnh bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt... không rõ nguyên nhân. Chỉ đến khi tiến hành siêu âm ổ bụng, các bác sỹ mới phát hiện trong dạ dày của người bệnh có vô số vỏ thuốc hình con nhộng.

Lý do là vì bệnh nhân đã uống phải thuốc giả nên những vỏ thuốc không được hòa tan và thứ bột trong mỗi viên thuốc đã gây ra tình trạng ứ đọng trong dạ dày và ngộ độc toàn thân. Không ít bệnh nhân khác cũng bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong vì ngộ độc do sử dụng phải thuốc kém chất lượng nhưng không được phát hiện, xử lý, điều trị kịp thời.

Theo ông Lê Quốc Thịnh - Trưởng Khoa Dược BV 71 Trung ương, có thể với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mãn tính thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng do lỡ uống phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại tăng cao hơn, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, khi thuốc không đảm bảo các hoạt chất như đăng ký, kém chất lượng thì còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc, kháng thuốc…

"Lỏng" kiểm soát

Ông Trịnh Văn Lẩu, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho rằng, số loại thuốc kém chất lượng bị yêu cầu thu hồi (bao gồm cả thuốc nội lẫn thuốc NK) chỉ là bề nổi, không phản ánh toàn bộ chất lượng của thị trường thuốc trong nước. Những năm qua, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xét nghiệm thuốc để báo cáo về cơ quan quản lý có quyết định thu hồi.

Tuy nhiên trên thực tế, thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi, ra quyết định thu hồi thường kéo dài hàng tháng, trong khoảng thời gian này số thuốc lẽ ra phải thu hồi đã tiêu thụ được một lượng rất lớn, thậm chí có loại đã được tiêu thụ hết sạch. Trong trường hợp này, nếu người bệnh đã trót uống hết số thuốc kém chất lượng trước khi chúng có quyết định buộc thu hồi thì chỉ còn biết tự chịu.

Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt những chỉ số như công bố. Nhưng, thực tế có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, có khi phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện có vấn đề. Khó khăn nữa là hiện nay với những loại thuốc nhập khẩu, khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước về cảnh báo độc tố vẫn còn nhiều hạn chế.

Một thực tế nữa cũng đang diễn ra là nếu như thuốc trong nước bị phát hiện kém chất lượng, cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy trách nhiệm đến tận nhà sản xuất, thì với thuốc nhập khẩu kém chất lượng trước nay hầu như chỉ giải quyết đến khâu… ngừng cấp phép lưu hành là tối đa.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng.

Theo Minh Châu

Báo Hải quan

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *