• -
Tiêu Dùng 16/12/2014 13:42

Thị trường những ngày cuối năm: Giá cả nhích từng ngày

Theo các nhà phân phối, bán lẻ và nhà sản xuất, sức mua hàng hóa hiện nay khá thấp. Trên thị trường, một số mặt hàng điện máy - điện tử, thời trang, mỹ phẩm... đang đua nhau giảm giá để xả hàng dịp cuối năm.

Nhưng đó không phải là những mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả... thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người dân vẫn đang nhích giá từng ngày.

Cảnh mua bán rau quả, thực phẩm tại chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh

Toàn giảm giá hàng không thiết yếu

 

Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng đã trưng biển giảm giá cuối năm với mức giảm sâu từ 20-50%. Một số thương hiệu thời trang công sở và gia đình như Canifa, Geece, The One… cũng đưa ra các chương trình giảm giá để kích cầu cuối năm với mức giảm từ 15-30%.

 

Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng đồng giá cũng “vào cuộc” với mức giá hấp dẫn. Trên tuyến phố Chùa Bộc, nhiều cửa hàng đồng giá đã đưa ra các mức giá hấp dẫn: 150.000 - 250.000 đồng/áo phao, 100.000 đồng/áo len… các siêu thị, trung tâm thương mại đã bắt đầu vào đợt chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp lễ hội cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

 

Đại diện các siêu thị Big C, Fivimart, Intimex,… cho biết, giá hàng hóa hiện vẫn chưa có biến động, tuy nhiên cầu về hàng hóa vẫn duy trì ở mức thấp. Ngoài những ngày cuối tuần, hiện nay nhiều siêu thị, trung tâm thương mại rất vắng khách. Các cửa hàng kinh doanh điện tử, điện máy, quần áo thời trang mặc dù liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi kích cầu lên tới 50%, nhưng vẫn ít khách mua.

 

Được biết, từ nay đến Giáng sinh và đón năm mới, hệ thống các siêu thị như Big C, Co.opmart, Citimart, Maximart,… tung ra các chương trình khuyến mãi cuối năm. Các trung tâm thương mại ở TPHCM như Parkson, Vincom, Diamond Plaza cũng vào đợt khuyến mãi sốc với mức giảm giá các mặt hàng thời trang, túi xách, giày dép tới 30-50%. Nhóm ngành hàng điện máy, nội thất, các trung tâm thương mại như Thiên Hòa, Nguyễn Kim, điện máy Chợ Lớn,... cũng ồ ạt tung các chương trình xả hàng, giảm giá cuối năm, với mức giảm cả triệu đồng/sản phẩm cho những sản phẩm tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa, dàn karaoke.

 
  Những mặt hàng giảm giá mạnh vào dịp cuối năm không phải là thiết yếu với cuộc sống người dân.

 

Các siêu thị điện máy nổi tiếng như Pico, Nguyễn Kim, Media Mart... đồng loạt treo các băngrôn, khẩu hiệu giảm giá ở quanh những nơi mà người đi đường có thể nhìn thấy dễ nhất với những dòng chữ to, “sốc” như: “Xả hàng ồ ạt”, “Xả hàng cuối năm giá sốc”, “Giảm giá 30%, 40%, 50%”, “Đại hạ giá”, “Tri ân khách hàng, khuyến mãi giá rẻ nhất”… Hầu như mức giảm giá 50% kèm theo nhiều quà tặng giá trị được nhiều đơn vị kinh doanh áp dụng.

 

Nhiều siêu thị điện máy còn tổ chức những hoạt động bán hàng theo khung giờ vàng với chương trình giảm giá cực “sốc”. Tại các siêu thị trong hệ thống của Pico có trên 5.000 mã sản phẩm được giảm giá từ 10-50% ở mọi mặt hàng, từ đồ gia dụng hằng ngày đến các sản phẩm công nghệ mới. 

 

Bên cạnh đó, các dịch vụ hậu mãi như vận chuyển lắp đặt miễn phí trong bán kính 200km, đổi trả hàng trong vòng 30 ngày, bảo hành, chăm sóc khách hàng sau bán hàng được đặc biệt chú trọng. Mặc dù chương trình khuyến mãi rầm rộ nhưng sức mua của thị trường vẫn yếu, bởi một phần những mặt hàng khuyến mãi, giảm giá không phải là những mặt hàng thiết yếu hằng ngày.

 

Hàng thiết yếu không hề giảm giá

 

Ngược với xu thế khuyến mãi, giảm giá… tại các chợ, điểm bán lẻ, những mặt hàng thiết yếu hằng ngày vẫn trong đà tăng giá với mức tăng chỉ những bà nội trợ thường xuyên mới có thể phát hiện. Từ lạng thịt, cân cá, gói bánh, thùng bia, nước ngọt… đều nhích giá từ vài ngàn đến chưa tới chục ngàn mỗi đơn vị, giá hàng hóa được nhích từng ngày. Khi được hỏi tại sao cơ quan chức năng khẳng định giá thực phẩm không tăng, nguồn cung tương đối đảm bảo, vậy mà giá thịt lợn chỉ trong một tuần đã hai lần tăng giá khoảng 5.000 - 10.000đ/kg. 

 

Nhiều tiểu thương cho biết, trước đây họ nhập nguyên con với giá 50.000 đồng/kg, nhưng giờ đây, giá đã bị đẩy lên 65.000 - 70.000 đồng/kg. Chị Hương - chủ quầy thịt tại chợ Tôn Thất Tùng - cho biết: “Do dịp cuối năm, thịt lợn được xuất đi nước ngoài nhiều nên giá cả đã tăng khá mạnh, dù sức mua yếu. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, khi lượng cầu tăng lên thì có thể mức giá này còn bị đẩy lên cao nữa”.

 

Tại khu vực trung tâm TPHCM, mặt hàng rau-củ-quả, nhiều sạp chợ đã nhích giá thêm 2.000 - 5.000 đồng/kg với lý do thời tiết không thuận lợi. Mặc dù các loại gạo giá vẫn ổn định, nhưng tại một số chợ bán lẻ, tiểu thương đang khuyến khích khách hàng mua gạo với số lượng nhiều hơn để tránh mua gạo ngon giá sẽ tăng hơn vào dịp cuối năm. Khảo sát thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, các loại tôm khô, khô-cá-mực một nắng các loại cũng như những loại hạt điều, hạt dẻ,… cũng ngấp nghé nhích giá thêm trong khoảng 5.000 đồng/kg như thường lệ hay diễn ra vào dịp cuối năm, dù sức mua khá yếu.

 

Đặc biệt là nhóm hàng quà tết với các sản phẩm như bánh kẹo, rượu bia ngoại, nước giải khát, nho khô, chà là, olive... đang được các tiểu thương tăng cường nhập hàng, gói các lẵng quà. So với thời điểm cách đây 1 tuần, một số mặt hàng đã được các tiểu thương nhích giá thêm vài ngàn đồng/sản phẩm. Giá bia lon nguyên thùng tại một số cửa hàng bắt đầu được các tiểu thương nhích nhẹ trong khoảng 5.000 - 7.000 đồng/thùng. Khi thắc mắc lý do tăng thì các đại lý, cửa hàng trả lời: Năm nào cuối năm giá bia chẳng nhích lên, nhất là sắp vào dịp Noel và Tết Dương lịch.

 

Theo Sở Công Thương TPHCM: Người dân yên tâm và đến các cửa hàng bình ổn giá để chọn mua sản phẩm thực phẩm thiết yếu. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Hiện nay, các dịch vụ đều tăng giá, giá hàng hóa không giảm mặc dù xăng dầu giảm rất nhiều lần trong năm. Nguyên nhân là do tổng cầu duy trì ở mức thấp, người tiêu dùng thờ ơ với các chương trình khuyến mãi. Họ chỉ quan tâm đến hàng hóa thiết yếu hằng ngày. Những mặt hàng này vẫn tăng giá. Đây là thời điểm mua sắm bắt đầu sôi động cuối năm nhưng sức mua không tăng, đó là hiện tượng bất thường. Chỉ cần nhìn vào giỏ đi chợ của các bà nội trợ có thể biết được chỉ số CPI - đó là một thực tế hiện nay.

 

Theo báo cáo của tổ điều hành thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 11.2014 ước đạt 265.000 tỉ đồng, tăng 3% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng của năm 2014 tổng mức bán lẻ ước đạt 2.670,6 nghìn tỉ đồng, tăng 11,09% so với cùng kỳ năm 2013 nếu đã loại trừ yếu tố tăng giá 6,5%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11.2014 giảm 0,27% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%.

 

Theo Nhóm PV

Lao động

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *