Tiêu Dùng 08/12/2017 08:01

Tăng giá bán điện: Cần nhìn công bằng và xét tính hợp lý

Ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 6,08%, nhiều ý kiến lo ngại về việc tăng giá điện có tác động tiêu cực đến đời sống người dân, là gia tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không đáng lo như vậy.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn, đánh giá của mình, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần công bằng trong cách đánh giá về giá điện bởi chúng ta duy trì giá điện trong thời gian dài ở mức thấp, việc điều chỉnh giá theo thị trường cạnh tranh, dựa trên các yếu tố đầu vào tăng vừa để thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính doanh nghiệp cân đối, tiết kiệm sản xuất.

Tăng giá bán điện, cần cái nhìn công bằng, minh bạch (ảnh minh hoạ)
Tăng giá bán điện, cần cái nhìn công bằng, minh bạch (ảnh minh hoạ)

Nâng giá điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Bán điện thấp hơn giá thành thì không có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư được.

"Điều cần hết sức chú ý là thực tế, giá bán điện cho thép và xi măng thấp hơn là giá bán điện cho người dân. Điều này đặt vấn đề là chính khu vực sử dụng nhiều điện lại có giá điện rẻ, nên chúng ta muốn khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm thì phải đưa giá về mức cạnh tranh, buộc họ phải tái cơ cấu, có động lực giảm giá. Không thể bao cấp về giá, điều đó đồng nghĩa không có động lực cải cách được", TS Doanh nói.

Ông Doanh nhấn mạnh: Trong 3 năm qua cố gắng giữ giá điện để không tăng giá trong nền kinh tế, nếu giữ mãi như thế thì không ai có thể tiếp tục đầu tư vào điện, dẫn đến mất cân đối cung cầu. Nâng giá điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý.

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng Viện CIEM nêu ra vấn đề là: Việc có thể khuyến khích năng lượng tái tạo thành công hay không chính là ở chỗ cơ chế bán điện có linh hoạt, thị trường hóa hay không? Nhiều năm qua, Việt Nam duy trì giá bán điện thấp chỉ có lợi cho điện than, trong khi chi phí điện của điện giá, mặt trời, sinh khối cao hơn nhưng bền vững hơn, an toàn hơn lại bị mua ở mức thấp, điều này khiến chúng ta không cân đối được.

“Tuy nhiên, Việt Nam duy trì giá điện thấp trong nhiều năm, nếu lộ trình tăng giá điện không được thực hiện, sẽ khiến chúng ta không thu hút được đầu tư mới vào ngành điện, DN sử dụng điện rẻ buộc phải cải cách hệ thống dây truyền để tái cơ cấu chi phí, nâng cao hiệu quả... Đây là hai mặt của vấn đề đỏi hỏi chúng ta phải giải quyết, không trốn tránh”, TS Doanh nói.

Không gây lạm phát và đã đến lúc phải tăng theo thị trường

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: "Tăng giá điện thời điểm này là phù hợp bởi gần 3 năm qua, giá điện không tăng, trong khi đó giá đầu vào như than, dầu, tỷ giá hối đoái được điều chỉnh... Việc tăng giá điện nhằm bù đắp với việc tăng giá đầu vào là hợp lý, mức này chỉ tương đương với lạm phát.

Thực tế việc tăng giá điện mức 6,08%, cộng thêm với 10% của VAT có thể sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng, mức lạm phát từ nay đến tết nguyên đán tăng lên. Tuy nhiên mức độ lạm phát hiện được đánh giá cả năm 4%, các chỉ số giá tiêu dùng hiện được ổn định tăng có.

Theo giáo sư Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: "Trên thực tế, suất đầu tư điện than hiện nay về quan niệm thấp hơn so với công nghệ mới. Tuy nhiên quá trình hoạt động, phát thải ra môi trường cả loại hình này lớn khiến cho việc hiệu quả giảm, chi phí tổng hợp tăng. Tăng giá điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh đảm bảo đúng tiêu chí nâng cao giá để thu hút nhà đầu tư mới từ điện gió, điện mặt trời".

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Lần gần nhất tăng giá điện là từ tháng 3/2015, tức là cũng đã gần 3 năm, trong 3 năm đó, năm 2015 lạm phát 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Như vậy, tính toán nhanh cho thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng điện là đầu vào, trong 3 năm qua, giá bán hàng hóa của bạn tăng mức trung bình, tức là bằng lạm phát. Như vậy, rõ ràng là tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá bán đang giảm.

Theo ông Đức, việc chọn tháng 12 để tăng giá là vì mục tiêu lạm phát 4% có thể tác động nhất định đến những DN đang sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của người dân.Tuy nhiên, phương án tăng giá điện có thể đã được tính toán từ đầu năm. Tôi cho rằng lý do lớn nhất là vì mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 là 4%, Chính phủ chọn thời điểm này để tăng giá điện khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% đã nằm trong lòng bàn tay.

An Linh

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *