Tiêu Dùng 18/05/2014 08:35

Siêu thị sạch bán rau "bẩn"

Mặc dù đang là tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, thế nhưng tại một số siêu thị, thực phẩm không an toàn vẫn được bày bán một cách công khai như thể đó là hàng “sạch chính hiệu”. Ngay cả một số siêu thị lớn, vốn vẫn được coi là uy tín cũng bày bán như vậy. Vậy người ta đặt ra câu hỏi: Rau an toàn vào siêu thị bằng cách nào và những nơi cung cấp rau ấy sản xuất hay chế biến ra sao?

Tràn ngập rau bẩn

Ngay sau khi bài báo: “Lập lờ đánh lận con đen” trong loạt bài “Siêu thị sạch bán rau “bẩn” được đăng tải trên Báo Năng lượng Mới số 322 ra ngày 13-5-2014, chúng tôi đã nhận được thông tin phản ánh của một khách hàng về việc chị đã mua phải táo thối tại Big C Garden, một chi nhánh của hệ thống siêu thị Big C. Chị kể lại, ngày 9-5 vừa qua, khi đến siêu thị Big C Garden mua hàng, thấy loại táo Mỹ đỏ chỉ bán giá vốn 49.500 đồng/kg, mặc dù nghi ngại “tiền nào của nấy” nhưng vì lựa được những quả táo ngon ngọc ngon ngà, bóng đẹp, “không tỳ vết” cuối cùng chị cũng mua về gần 2kg.

Mà phải nói thêm, để có được những quả táo như vậy, chị đã phải chọn lựa mãi do trong số táo bán tại đây, có rất nhiều quả bị dập nát. Song vì tin tưởng vào thương hiệu, uy tín của Big C nên chị vẫn quyết định mua. Khi mang táo về hăm hở, sung sướng bao nhiêu vì vừa mua được táo rẻ chỉ bằng 1/3 giá thị trường vừa thơm ngon, đẹp mắt thì lúc bổ ra chị thất vọng, chán nản bấy nhiêu, bởi hầu hết số táo chị mua về đều bị thối đen bên trong, đến nỗi, muốn “gỡ” lại phần nào để ăn cũng không được.


“Cứ bổ quả nào ra là hỏng quả ấy. Thật là tiếc!”, chị nói và giải thích thêm: “Thực ra tiếc ở đây không phải là tiền mà là tiếc công sức mình đã lựa chọn. Cái tiếc lớn hơn nữa là sự tin tưởng của mình hình như đã bị đặt nhầm chỗ vào Big C”.
 


Rau được bán trong siêu thị Hapro


Để chứng minh cho lời nói, chị còn đưa ra hóa đơn thanh toán tiền của Big C mà chị vẫn lưu giữ cùng với hình ảnh số táo thối chị đã chụp nhằm chia sẻ với bạn bè, người thân để cảnh báo họ khi mua rau, quả tại Big C Garden. Nếu theo hóa đơn thanh toán chị đưa cho chúng tôi thì số hóa đơn là: 017000074. Còn người thu ngân mang số: 000141. Số tiền chị phải thanh toán cho loại táo Mỹ đỏ là gần 90 nghìn đồng.

Chị rút ra một bài học chua cay: “Chưa chắc siêu thị lớn thì những sản phẩm kinh doanh của họ đều tương xứng với quy mô, tầm vóc của nó. Có chăng chỉ là diện tích, cơ sở hạ tầng lớn cùng với chủng loại, số lượng hàng nhiều. Còn chất lượng thì có khi cũng như một số siêu thị kinh doanh sản phẩm “ma” khác thôi”. Chị còn kể câu chuyện “cười ra nước mắt” mà đám con trẻ nhà chị đã liên tưởng tới số táo chị đã mua. Chúng bảo: “Táo này chẳng khác gì quả táo mà mụ phù thủy đã tặng nàng Bạch Tuyết trong cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” vì bên ngoài rất đẹp nhưng ăn vào là chết người”!

Không chỉ khách hàng trên đây mà còn một số khách hàng nữa cũng mua phải những quả táo như vậy tại Big C. Chỉ có điều, họ đã không lưu giữ hóa đơn cũng như số táo thối để minh chứng cho lời nói của họ. Thế mà, một nhân viên của Big C sau khi tiếp nhận được sự việc mua táo Mỹ đỏ thối đã giải thích đại ý rằng, Big C cũng đã bổ một số quả táo trong số táo Mỹ đỏ ấy để kiểm tra nhưng không có quả nào bị làm sao. “Có lẽ chỉ duy nhất chị là khách hàng mua phải những quả táo như vậy”, nhân viên này biện minh. Tuy nhiên, sự biện minh ấy chẳng ai xác nhận được thực hư ra sao nên cuối cùng cũng chỉ là biện minh mà thôi!

Cũng lại sự việc liên quan đến Big C Gaden mà trong bài trước (đăng tải ở số 322 ra ngày 13-5-2014) chúng tôi đã đề cập các loại rau, củ quả bày bán tại đây chỉ được đề một cách gọn lỏn: “Xuất xứ Việt Nam”. Mang sự việc này đến Đội Phòng chống tội phạm thương mại, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác (Đội 4), Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, một đồng chí đã cho biết, theo quy định đối với rau an toàn được bày bán trong siêu thị, phải đề rõ nguồn gốc xuất xứ, cụ thể như nơi nào sản xuất hoặc chế biến sản phẩm đó, kèm theo địa chỉ trụ sở… Cho nên với cách đề xuất xứ như vậy thì Big C Garden đã không thực hiện đúng quy định. Và đương nhiên với cách đề xuất xứ rau sạch ấy thì sự hoài nghi về việc “lập lờ lận con đen” của Big C không phải là vô căn cứ!

“Hồn Trương Ba - da hàng thịt”

Vậy những nơi chuyên cung cấp rau cho siêu thị là ai? Họ hoạt động và sản xuất, chế biến rau sạch như thế nào?

Trên các bao bì sản phẩm rau, củ quả an toàn của siêu thị Hapro bao giờ cũng in địa chỉ: “… Công ty CP chế biến rau củ quả an toàn Hapro - Cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Hapro Food. Địa chỉ Tổ 47 TT Đông Anh…”. Trong bài trước, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề rau củ quả an toàn của Hapro có thực sự an toàn hay không khi mà chính nhân viên bán hàng của siêu thị lại không khẳng định được và cũng không biết đó là rau nhập từ thị trường hay do chính Hapro chế biến, sản xuất. Bởi vậy, để giải đáp điều này, chúng tôi đã lần theo địa chỉ được in trên bao bì đóng gói rau củ quả an toàn của siêu thị Hapro.
 

Cơ sở Ánh Dương mua rau không rõ nguồn gốc về đóng gói cung cấp cho các siêu thị


Để tìm được địa chỉ theo như bao bì của Hapro, thực sự phải nói rằng, những người viết bài này đã rất vất vả. Bởi không chỉ do thời tiết của cái nắng đầu hè chói chang và oi bức mà còn vì nó nằm ở khu vực mà chính ngay những người dân địa phương cũng không biết. Phải “quần thảo” mãi, gần như “lật tung” cả thị trấn Đông Anh, chúng tôi mới tìm được đến nơi. Đó là khu đất rộng hơn 1.000m2, với vài dãy nhà ngang dọc, trong đó có một khu đất được xây theo kiểu nhà xưởng với mái tôn, các ô cửa thông thoáng. 

Tuy nhiên, phía trong công ty chế biến lặng ngắt như tờ, không một bóng người qua lại. Và nhìn cỏ dại mọc ở đây, có thể hiểu công ty đã lâu không hoạt động, mặc dù phía trên cổng công ty vẫn treo biển hiệu hệt như trên bao bì của rau an toàn Hapro. Liên hệ theo số điện thoại in trên bao bì sản phẩm 04.66715428 thì tổng đài thông báo là không có số máy này. Vậy, thực tế công ty rau củ quả an toàn Hapro có hoạt động ở đây không? Hỏi người dân bán nước ngay gần công ty thì họ cho biết, công ty chế biến rau sạch của Hapro đã không còn ở đây phải hơn 2 năm rồi. Bây giờ trụ sở này là cơ quan khác thuê. “Nghe nói, hình như họ chuyển sang khu Phúc Thọ, Hà Tây hay Vân Trì ngay ở Đông Anh hay sao ấy”. Người bán nước cho biết thêm.


Rõ ràng là ở đây có điều gì không bình thường, bởi thực tế giữa nơi cung cấp rau an toàn cho Hapro và địa chỉ đề trên bao bì đóng gói các sản phẩm không “khớp” nhau. Ngay cả thời điểm hiện tại, các sản phẩm rau củ quả an toàn của Hapro vẫn đề địa chỉ nơi cung cấp rau sạch như vậy. Vậy có thể tin sự “minh bạch” trong việc đề nguồn gốc xuất xứ rau an toàn của Hapro được không cũng như có thể tin chất lượng rau của hệ thống siêu thị này và phương châm siêu thị đặt ra là: “Vì sức khỏe cộng đồng” được không? Đó hàng loạt vấn đề mà bạn đọc đặt ra đối với Công ty CP chế biến rau củ quả an toàn Hapro.

Đối với một số công ty chuyên cung cấp rau sạch cho các siêu thị khác thì sự thể còn rõ hơn ban ngay. Mặc dù hiện nay đang là thời điểm cao trào của tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, thế nhưng sau nhiều lần thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, không ít các công ty chuyên cung cấp rau sạch cho siêu thị đã bị phát hiện, thực ra sản phẩm của họ chỉ là “hữu danh vô thực” mà thôi.

Như Công ty CP Đầu tư Phát triển siêu thị Ánh Dương, trụ sở tại số 3, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, ngoài việc sơ chế rau củ quả trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thì theo đại diện của Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, cơ sở này chuyên cung cấp rau không rõ nguồn gốc xuất xứ cho nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội nhưng tất cả sản phẩm ấy đều được đóng bao bì với nhãn mác rau an toàn do công ty sản xuất và chế biến. Và quy trình chế biến ấy, mặc dù đăng ký với cơ quan chức năng một kiểu song thực tế, Ánh Dương lại làm một kiểu khác. Ánh Dương thu mua rau, củ quả trôi nổi ngoài thị trường rồi mang về “sản xuất, chế biến” bằng cách nhặt bỏ những lá úa vàng, già cỗi, sau đó đóng gói với nhãn mác của công ty và “bỏ mối” cho các siêu thị.

Đây là hoạt động của không ít các công ty chuyên cung cấp “rau an toàn” hiện nay và thực sự hình thức kinh doanh ấy là “ăn thật làm giả”, lừa đảo khách hàng.

Chắc sẽ rất nhiều người còn nhớ “vụ” nấm kim châm được bày bán tại một số siêu thị như Fivimart, Big C… cách đây không lâu. Ai cũng tưởng rằng đây là loại nấm sạch vì được ghi nguồn gốc rõ ràng do cơ sở sản xuất nấm Mai Hương ở 155 Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội sản xuất. Thế nhưng sau khi điều tra, báo chí đã phát hiện: loại nấm rất được ưa chuộng này không phải do cơ sở Mai Hương sản xuất mà nó được nhập từ một cơ sở ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, cơ sở ở Lạng Sơn này đã nhập hàng Tàu trôi nổi rồi chuyển về cho cơ sở Mai Hương đóng gói. Đóng gói, dãn nhác mác của cơ sở xong, Mai Hương bỏ mối cho các siêu thị bán cho khách hàng.

Từ những vụ việc trên đây có thể thấy, nguồn cung cấp rau củ quả được gọi là “an toàn” cho các siêu thị như thế nào và từ đó cũng có thể thấy chất lượng các sản phẩm ấy “sạch” ra sao.

Theo Tú Anh - Thiên Minh
Petrotimes

Chủ đề: CEO , habeco , ssi Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *