Tiêu Dùng 03/03/2014 16:43

Nhốn nháo thị trường gas

Cả nước hiện có hơn 20 triệu bình gas dùng cho sinh hoạt, trong đó bình gas dởm đã chiếm khoảng 5 triệu bình




Nhốn nháo thị trường gas

Theo Hiệp hội gas Việt Nam, cả nước hiện có hơn 20 triệu bình gas dùng cho sinh hoạt, trong đó bình gas dởm đã chiếm khoảng 5 triệu bình, riêng TP.HCM không dưới nửa triệu bình đang được sử dụng.

Ngoài tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas của các hãng gas, tình trạng san chiết, gian lận về đo lường đang diễn biến phổ biến và khó quản. Năm 2013, Chi cục QLTT TP.HCM đã xử lý 84 vụ vi phạm về kinh doanh gas, trong đó có 15 vụ vận chuyển 3.765 chai gas và vỏ chai gas mini đã qua sử dụng không được phép nạp lại; 2 vụ chiết nạp gas chai mini không phép, tịch thu 2.808 chai gas mini; 7 vụ kinh doanh 985 chai gas 12 kg giả các nhãn hiệu; 6 vụ cửa hàng kinh doanh 253 chai gas, 12 kg không có chứng từ hóa đơn, số vụ còn lại vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, quy định buôn bán gas chai và đăng ký kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Ninh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TM -DV Dầu khí Vũng Tàu (đơn vị chiếm thị phần gas khá lớn tại thị trường TP.HCM) cho biết, tình trạng kinh doanh gas dởm trên địa bàn TP.HCM ngày càng phổ biến, nguyên nhân là do một số công ty đầu mối đã cung cấp gas cho các cơ sở san chiết gas trái phép. Để triệt các loại gas dởm trên thị trường, ngoài việc xử lý đến nơi đến chốn các đối tượng vi phạm, các công ty kinh doanh gas cần hợp tác với nhau làm tốt hơn khâu phân phối để gas gian lận không lọt vào mạng lưới bán lẻ gas của mình.

Nhằm siết chặt hoạt động bán lẻ mặt hàng gas trên thị trường, Sở Công Thương TP.HCM đã ban hành văn bản số 290/SCT-KTATMT về chấn chỉnh hoạt động quản lý thị trường gas. Nội dung văn bản chủ yếu tập trung vào việc đăng ký xác định lại hình thức phân phối kinh doanh và thời hạn áp dụng vào cuối tháng 3/2014.

Hộ kinh doanh gas lo lắng

Sau khi văn bản này gửi đến gần 3.000 cửa hàng bán lẻ gas trên địa bàn TP.HCM, nhiều hộ kinh doanh gas đã không đồng tình vì nội dung văn bản gây khó cho hoạt động bán lẻ gas, mặt khác người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt do  gas sẽ tăng giá từ việc “độc quyền mua gas” từ quy định mới.

Nhiều hộ kinh doanh gas lẻ ở địa bàn quận Tân Phú cho biết, văn bản số 290 của Sở Công Thương yêu cầu người bán lẻ gas không được phép mua hàng trực tiếp từ thương nhân kinh doanh gas đầu mối mà chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý kinh doanh gas (trong khi Nghị định 107 của Chính phủ lại cho phép cửa hàng gas ký hợp đồng với 3 thương nhân kinh doanh gas) sẽ gây bất lợi cho người kinh doanh gas lẻ.

Bà Trần Thị Lý, chủ cửa hàng gas trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cho biết, trước đây cửa hàng gas được quyền mua gas của ba thương nhân đầu mối nay chỉ được mua của một tổng đại lý, điều này đã làm giảm sự chọn lựa của người kinh doanh và tăng thêm tính độc quyền của ông chủ tổng đại lý, mà khi đã độc quyền thì sẽ phát sinh việc làm giá, đẩy giá lên cao vô tội vạ, gây sốt hàng… dẫn đến người bán lẻ và người tiêu dụng chịu thiệt.

Một trong những lý do mà các chủ cửa hàng bán lẻ gas “không thích” quy định mới của ngành Công Thương sắp thực hiện là vì quy định mới sẽ làm giảm quyền lợi và quyền lực của người bán lẻ gas. Lâu nay các cửa hàng gas luôn được các hãng gas tranh nhau chi đậm chiết khấu để  giành thị phần, cùng với việc ngành Công Thương không cấp mới giấy phép cho hoạt động bán lẻ gas  nên giấy phép này trở nên có giá và người ta đã sang nhượng mỗi giấy phép với giá hàng trăm triệu đồng.

Mặt khác, khi cửa hàng chỉ mua được sản phẩm của một tổng đại lý, mức chiết khấu từ nhiều hãng gas như trước sẽ không còn, giá gas mua vào người bán lẻ cũng không còn điều kiện để “làm giá” như trước đây nên họ đã phản đối quy định mới.


Theo Thế Vĩnh

Báo công thương

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *