Tiêu Dùng 08/02/2014 08:07

Năm 2014: Người tiêu dùng có thể vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”

Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp khi bước sang năm 2014, bởi sức mua có tăng thì sản xuất mới khởi sắc trở lại. Khi đó, sự ảm đạm của nền kinh tế trong năm 2013 mới dần biến mất.

Vừa mới Tết xong, chị Nguyễn Hà Nhi (trú tại phố Vĩnh Hưng) đã bàn với chồng lập kế hoạch chi tiêu cho năm mới. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước chi tiêu quá nhiều, năm 2013 nhà có vài việc lớn nên chúng tôi phải vay mượn. Năm nay chưa dự định làm thêm công việc gì để có thêm thu nhập nên phải tiết kiệm hơn trong chi tiêu để vừa trả nợ, vừa có tiền “phòng thân”- chị Nhi chia sẻ.

Theo chị Nhi, mặc dù chi tiêu cho những sinh hoạt thiết yếu năm ngoái đã tiết giảm nhiều, từ việc mua sắm quần áo cho mẹ, cho con đến các đồ dùng sinh hoạt gia đình không sắm sửa mới thì nhiều tháng, túi tiền của chị Nhi vẫn bị “âm” do một số thời điểm, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng. Chị Nhi cho biết: “Từ tháng 9- 2013, tôi còn mua bảo hiểm cho con với mức 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, năm nay mọi chi tiêu khác còn eo hẹp hơn nữa”.

Có nhà hàng phục vụ ăn uống tại phố Hàng Bè, chị Trần Mai Thanh tỏ ra lạc quan hơn. Theo chị Thanh, những tháng cuối năm 2013, lượng khách đến nhà hàng của chị tăng đều, nhất là khách nước ngoài. “Có lẽ do năm nay kinh tế thế giới dần phục hồi nên khách nước ngoài đã trở lại du lịch Việt Nam đông hơn. Nếu nhà hàng kinh doanh tốt hơn năm ngoái thì thu nhập của nhân viên và các chi phí khác cũng thêm phần “xông xênh”.

Năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này của năm 2013 tăng 5,6% trong khi năm 2012 tăng 6,5%. Cả người dân và doanh nghiệp đều được chứng kiến không khí Tết Nguyên đán ảm đạm hơn nhiều so với những năm trước. Và ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, mọi hoạt động của các cơ quan, công sở đã trở lại nhịp điệu thường ngày, ít các hoạt động vui chơi, du lịch, lễ hội.

Có ý kiến cho rằng, không khí lao động nghiêm túc đầu năm mới chứng tỏ người lao động đang có ý thức, trách nhiệm cao hơn với công việc của mình. Đây chính là một trong những động lực để khôi phục sản xuất nói riêng và kinh tế nói chung.

Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu của người dân có tăng thì mới kích thích sản xuất phát triển. Và sản xuất phát triển mới tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó kích thích tiêu dùng, mua sắm. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khá thận trọng trong việc đánh giá triển vọng tiêu dùng năm 2014.

Ông Ngô Trí Long cho biết: “Nhìn vào Tết Giáp Ngọ thì thấy sức mua thấp. Đây là biểu hiện của năm cũ nhưng là mầm mống, tín hiệu của năm mới. Sức mua năm nay còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô 2014. Theo tôi, khó có khả năng bứt phá”. Vị chuyên gia này cho rằng năm nay, chỉ một số đối tượng tiêu dùng sẽ chi tiêu “nhỉnh” hơn năm ngoái, nhưng mức chênh lệch không nhiều. Đa số vẫn trong thế cầm cự của năm 2013 bởi kinh tế thế giới cũng phục hồi chậm, sản xuất trong nước còn nhiều khó khăn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi chậm theo kinh tế thế giới. “Theo điều tra mới đây, lương công chức mới có 60% người lao động đủ sống, 40% lao động còn lại bao giờ đạt mức đủ sống để tái sản xuất sức lao động giản đơn, chưa nói đến tái sản xuất mở rộng cho bố mẹ, con cái? Tôi được biết, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, lượng hàng bán ra của thương nhân bên ngoài bằng 60% năm ngoái, của doanh nghiệp Nhà nước có thương hiệu bằng 85% năm ngoái. Ngay ngày mở hàng mồng 6 Tết, có siêu thị chỉ đón 6 khách/ngày. Thế nên tôi cho rằng năm 2014, tốc độ lưu chuyển hàng hóa phấn đấu bằng năm ngoái là đáng mừng. Nếu có gia tăng thì nguyên nhân là tăng cơ học, thêm nhân khẩu chứ tăng do người tiêu dùng chịu chi hơn thì khó. Người dân vẫn có xu hướng tiết kiệm để đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật...”- ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Theo Vân Hằng

ANTĐ

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *