Tiêu Dùng 27/11/2014 14:16

Giá xăng giảm 10 lần nhưng giá vận tải vẫn giảm nhỏ giọt

Như vậy, người dân vẫn đang phải chịu một mức giá bất hợp lý và trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý.

Đến thời điểm này, giá xăng đã giảm lần thứ 10 liên tiếp và nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động thái rõ rệt giảm giá cước.

 

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ có một số hãng taxi của Hà Nội đã giảm giá cước từ 500 – 800 đồng, còn lại những hãng taxi như Nội Bài, ABC, Ba Sao… vẫn giữ nguyên giá cước. Trong đó, hãng taxi Hà Nội Group hiện có giá cước taxi cao nhất Hà Nội.

 

Lý giải về nguyên nhân chưa giảm giá cước, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng taxi Thành Công cho biết: Trong gần 1 năm trở lại đây việc taxi tăng giảm giá cước mặc dù giá xăng dầu thay đổi rất nhiều nhưng giá taxi tương đối ổn định. Bởi chúng tôi rất ngại tăng giảm do lượng taxi lớn và liên quan đến con người rất lớn cho nên việc tăng giảm là hết sức hạn chế. Tuy đã được công nhận là dịch vụ vận tải hành khách công cộng nhưng đến nay chúng tôi chưa được một chế độ ưu đãi nào của cơ quan quản lý nhà nước trừ các đợt thanh kiểm tra để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình và các quy định của Nhà nước.

 

 

Vận tải hành khách giảm giá nhỏ giọt
 

Tại bến xe Giáp Bát có 6 đơn vị vận tải đã giảm giá cước chạy các tuyến: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ…  với mức giảm trung bình khoảng 10%.  Bến xe Mỹ Đình có 9 doanh nghiệp giảm giá cước trong tổng số 209 doanh nghiệp vận tải hoạt động. Số doanh nghiệp giảm giá cước chủ yếu hoạt động trên tuyến đường Tây Bắc thuộc trục Quốc lộ 2 lên các tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, Tuyên Quang.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, từ trước tới nay, giá cước vận tải hành khách chỉ có ổn định và theo xu hướng tăng. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin niêm yết giá vé mới giảm đi so với thời gian trước.

 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, khi giá xăng giảm sẽ là liều thuốc kích cho vận tải đường bộ. Ông nói: “Tôi cho rằng việc giảm giá của các đơn vị vận tải là một xu hướng tất yếu khi giá xăng dầu giảm đi và trong việc giảm giá này, hành khách cũng sẽ được hưởng lợi...”.

 

Giá cước vận tải hành khách, hàng hóa không thuộc Danh mục Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá, nhưng Luật Giá cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.

 

Cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ khi giá có biến động bất thường. Tại các cuộc đối thoại với doanh nghiệp vận tải của liên Bộ Tài chính – Giao thông Vận tải về giá cước vận tải, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến niêm yết công khai những doanh nghiệp không giảm giá cước, tránh tình trạng người dân bị “móc túi” một cách công khai?.

 

Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao các doanh nghiệp vận tải chỉ giảm giá cước “nhỏ giọt” khi giá xăng dầu đã giảm liên tiếp. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để sử dụng dịch vụ vận tải với giá hợp lý. Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, ở quận Cầu Giấy nói: “Dù giá xăng đã giảm nhưng giá vé của các loại xe khách vẫn chưa được giảm. Vì thế, tôi rất mong muốn giá cước vận chuyển được điều chỉnh giảm theo giá xăng thị trường cho hợp lý”.

 

Bộ Tài Chính vừa công bố kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng ôtô trên địa bàn thành Hà Nội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã giảm giá cước với tỷ lệ trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ tổ chức thanh tra các doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước. Nếu các doanh nghiệp có giá cước chưa sát với thực tế sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý./.

 

Theo Hoài Lam, Quang Dũng
VOV
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *