Tiêu Dùng 23/03/2014 15:52

Đâu là sự thật về rau an toàn?

Số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố mới đây, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của Hà Nội khoảng 2600 tấn/ngày, trong khi lượng rau an toàn mới sản xuất được khoảng 800 tấn/ngày, chỉ chiếm khoảng 30%. Như vậy, hiện trên thị trường có tới 70% sản phẩm rau có nguy cơ chưa an toàn.

Nhập nhèm rau an toàn với rau không an toàn

Sau thông tin về siêu thị bán rau không an toàn đội lốt rau an toàn, thịt heo bệnh, nấm không rõ nguồn gốc… khiến người tiêu dùng hoang mang tìm đến các cửa hàng rau an toàn ngoài phố để mua những họ cũng không biết có chắc những cửa hàng này bán rau sạch thực sự hay không. Một câu hỏi đặt ra là, vậy nguồn gốc thực sự của rau an toàn như thế nào? Vì sao rau an toàn lại trở thành rau không an toàn?...

Mới đây, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)  Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hiện tỷ lệ sản xuất rau an toàn được chứng nhận theo các mô hình như GlobalGap, VietGap… chỉ chiếm từ 1-2% và rau an toàn chỉ chiếm khoảng 7-8% trong tổng số rau đã được sản xuất.

Thực chất rau an toàn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng hiện nay trên thị trường, ngoài các siêu thị thì các cửa hàng bán rau đều trưng biển bán rau an toàn, thực phẩm sạch. Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Mặc dù hiện nay, các khu vực chuyên canh đã được quy hoạch để sản xuất rau sạch, và diện tích rau an toàn ngày một tăng. Tuy nhiên, so với nhu cầu dùng rau sạch, thực phẩm sạch hiện nay cao gấp nhiều lần so với số diện tích đang có để trồng rau sạch dẫn đến việc lượng rau an toàn hiện nay chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu của người dân”.

Bên cạnh tâm lý của người tiêu dùng muốn mua được sản phẩm rẻ, thì nguyên nhân chính là do “cung” không đáp ứng “cầu”. Tiểu thương đã lợi dụng điều này để phù phép, biến rau không rõ nguồn gốc thành rau sạch, rau an toàn bán cho người tiêu dùng khiến cho rau không sạch trở thành rau an toàn và rau thực sự an toàn lại bị “nghi” là rau không an toàn.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, sự nhập nhèm giữa rau an toàn với rau chưa an toàn là do việc phát triển rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu chứng nhận, giám sát và kiểm tra các vùng sản xuất, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu, thị trường phân phối sản phẩm rau an toàn.

“Chính vì khó khăn trong việc quản lý cũng như phân phối sản phẩm rau an toàn nên trên thực tế cho thấy, nhiều cơ sở sản suất rau an toàn bán cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn nhưng khi đưa vào tiêu thụ, ngay cả tại các siêu thị, số lượng rau an toàn này không phải được thu gom từ 1 nguồn thống nhất có những sản phẩm rau ở những vùng chưa được chứng nhận an toàn. Khi phát hiện ra sự nhập nhèm này, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin và hoang mang vì không biết đâu là rau an toàn thực sự và đâu là rau không an toàn”, Thứ trưởng Thu cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay Hà Nội cũng có hàng chục dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung ở các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì…, diện tích ngày càng mở rộng nhưng việc tiêu thụ rau an toàn lại rất khó khăn do không có đầu ra, trong khi chi phí trồng rau sạch tốn kém do có thời gian dài nhưng đến lúc thu hoạch nhiều hộ gia đình phải mang ra chợ bán như rau thông thường.


Quá nhiều đầu mối chịu trách nhiệm

Chính vì sự nhập nhèm này nên người tiêu dùng đã bị “lừa” một cách ngoạn mục trong thời gian qua vì cứ ngỡ siêu thị chỉ luôn luôn bán sản phẩm đảm bảo sạch.

Đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) cho rằng: “Nếu bị phát hiện bán hàng kém chất lượng thì chính siêu thị là nơi phải chịu trách nhiệm về những hậu quả gây ra cho người tiêu dùng. Trong kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng thì bản thân những doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh”.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nhà cung cấp vào siêu thị phải có đầy đủ giấy tờ, còn siêu thị có trách nhiệm đi kiểm tra. Nếu siêu thị không kiểm tra là sơ suất.

“Mấu chốt vấn đề hiện nay là chúng ta đang quản lý rau từ ngọn, trong khi đáng lý phải quản từ gốc mới đúng, nghĩa là phải kiểm soát cả quy trình sản xuất. Quy trình này phải kết hợp chặt chẽ giữa các bên,  từ nhà sản xuất, nhà phân phối và các cơ quan chức năng. Trong đó, các cơ quan chức năng, giám sát đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngành Nông nghiệp bắt đầu quản lý ngay từ ruộng đến khâu sản xuất, còn ngành Công thương quản lý khâu tiêu thụ, phân phối. Và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát thì rau an toàn thực sự mới tới tay người tiêu dùng được”, ông Phú nói.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, việc quản lý, tiêu thụ và xuất xứ hàng hóa trên thị trường sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Bộ NN&PTNT chỉ chịu trách nhiệm trong khâu sản xuất và chế biển, bảo quản đảm bảo sản phẩm sạch sẽ.

“Việc kiểm tra giám sát chứng nhận các cơ sở rau an toàn sẽ thuộc trách nhiệm của các sở nông nghiệp, chi cục bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng ở các địa phương”, bà Thu khẳng định.

Rõ ràng, nguồn cung rau sạch không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho rau không rõ nguồn gốc đội lốt rau an toàn. Nhưng cái gốc của vấn đề lại nằm ở chỗ, quá nhiều đầu mối chịu trách nhiệm và không có ai chịu trách nhiệm đến cùng. Không giải quyết được mâu thuẫn này, gần 100 triệu người dân Việt Nam còn phải ăn rau bẩn, thực phẩm bẩn dài dài.

Theo Thúy Ngân

GTVT

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *