Tiêu Dùng 08/12/2014 08:54

"Nhà đèn" lách luật làm khó người tiêu dùng

Sau chưa tới 5 ngày chốt số điện, vì lý do nào đó, người dân không kịp đóng tiền sẽ bị cắt điện mà không cần một thông báo. Muốn được cấp điện trở lại, mỗi hộ dân phải nộp thêm gần 100 nghìn đồng tiền phí cắt và đóng điện.

 
Người dân bức xúc vì không kịp đóng tiền sẽ bị cắt điện mà không cần một thông báo
Người dân bức xúc vì không kịp đóng tiền sẽ bị cắt điện mà không cần một thông báo

Nghịch lý trên diễn ra đối với nhiều hộ gia đình tại khu vực phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An.

Vừa qua, Báo Giao thông nhận được hàng loạt phản ánh của người dân sống trong Khu tập thể Quang Trung, TP Vinh về việc liên tục bị cắt điện và bị phạt chậm nộp tiền điện ở mức cao mà nguyên nhân của việc này nằm trong những quy định trái luật của điện lực thành phố.
 
Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Tuấn (Phòng 344, Chung cư B3, P. Quang Trung), vào tối 26/11, anh nhận được thông báo (lần 2) về việc nộp tiền điện của Điện lực TP Vinh yêu cầu đóng 142.545 đồng tiền điện từ 18/10 đến 17/11.
 
Ngay sáng hôm sau, anh tới trụ sở điện lực khu vực đóng tiền. Tuy nhiên, nhân viên thu tiền đã yêu cầu anh phải đóng 232 nghìn đồng, trong đó 142 nghìn đồng tiền phí sử dụng điện và 89 nghìn đồng tiền phạt chậm nộp tiền điện theo quy định của phía điện lực. 

Không chỉ anh Tuấn mà trong ngày 28/11 tại Chung cư B3 còn có hộ bà Dương Thị Hướng (Phòng 341) cũng bị cắt điện mà không rõ lý do. Theo phản ánh của chủ nhà thì đã đóng tiền điện tháng 11 từ ngày 25/11 nhưng điện vẫn bị cắt. 

Đem phản ánh của người dân đến lãnh đạo Điện lực TP Vinh, ông Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc điện lực TP. Vinh, thừa nhận: “Số tiền 89 nghìn đồng, trước đây chỉ là 39 nghìn đồng thực chất là phí đóng - cắt điện, được áp dụng đối với những hộ bị cắt điện do không đóng tiền điện đúng thời gian quy định. Còn các trường hợp cụ thể, tôi đã trực tiếp xuống Đội quản lý điện khu vực xác minh, qua đó, xác nhận lỗi này thuộc về nhân viên thu tiền điện”. 

“Việc ngừng cấp điện cho hộ dân đóng tiền chậm đều phải có thông báo trước đối với khách hàng. Khi hộ dân muốn tái sử dụng điện phải đến trụ sở Điện lực thành phố đóng đủ số tiền còn nợ. Lúc đó, Điện lực TP ra thông báo tiếp tục cung cấp điện thì hộ đó mới được cấp điện trở lại. Như vậy, trong trường hợp này việc nhân viên thu phí đóng - cắt điện tại đội là sai quy định. Không loại trừ khả năng các nhân viên cố tình làm sai để trục lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan, đồng thời sẽ yêu cầu trực tiếp đến xin lỗi khách hàng”, ông Dũng khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV về việc người dân không đồng tình hạn thu nộp tiền điện chỉ trong vài ngày, ông Dũng lý giải: “Mặc dù luật quy định là 15 ngày, nhưng vì chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu thu nộp, các đội quản lý điện và thu tiền điện khu vực đều phải chốt sổ vào cuối tháng. Nếu không, nhân viên sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và không được nhận đủ lương. Nên dù có chốt số điện vào ngày 15 hay ngày 18 thì đến ngày 30 cũng phải có tiền điện về đó(!?)”.

Như vậy, rõ ràng Điện lực TP Vinh đã tự nghĩ ra “sáng kiến” rút ngắn thời gian đóng tiền điện xuống còn 7 ngày đối với các hộ chốt sổ sau ngày 15 hàng tháng. Đồng thời, đơn vị này cũng tự đưa vào hợp đồng mua bán điện như một điều khoản bắt buộc với các hộ dân mất tiền sử dụng điện(!?).
 
Theo Văn Thanh
GTVT
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *