Doanh nghiệp 15/01/2016 09:39

Thương vụ "điên đảo": Ngày lãi 150 tỷ, đêm lỗ 600 tỷ

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, nhiều ông chủ mang lợi nhuận cả trăm tỷ đồng mỗi ngày về cho doanh nghiệp, nhưng cũng có những vụ cổ đông thấy mất hàng chục triệu đôla chỉ sau một đêm.

Được mất trăm tỷ

Một kỷ lục kiếm tiền nhanh vừa xác lập trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) công bố thông tin cho biết, doanh nghiệp (DN) này vừa bán toàn bộ 99,99% vốn của Công ty TNHH Trường Thuận Phát thu về khoản lãi 150 tỷ đồng.

Thương vụ mua bán gây xôn xao dư luận bởi DN được lập ra và bán đi trong vòng đúng 1 ngày. Ngày 11/1/2016, HĐQT CII ban hành nghị quyết thành lập Công ty TNHH Trường Thuận Phát. Đến ngày 12/1, CII bán toàn bộ cho một đối tác liên doanh liên doanh với NĐT nước ngoài.

Trong thông báo phát đi, CII giải thích khá kỹ về bản chất của thương vụ. Theo đó, CII thành lập Công ty TTP và cam kết sẽ chuyển nhượng một tài sản của CII theo giá xác định trước cho Công ty TTP. Đối tác đã đồng ý mua lại phần vốn góp của CII trong Công ty TTP với khoảng chênh lệch giá nói trên.

Tuy nhiên, do quy định về bảo mật thông tin theo Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, CII không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tài sản mà CII cam kết bán cho công ty con mới thành lập vẫn là điều bí ẩn.

Theo như những gì DN này giải thích, thực chất đây là một thương vụ bán tài sản. Thủ tục bán vốn đơn giản hơn cho nên DN đã chọn cách thức này thay vì trực tiếp bán tài sản. Cái lợi là dễ làm. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều NĐT e ngại vì không biết DN đã bán gì và việc bán đó là tin tốt hay xấu đối với DN.

Trước đó, hồi cuối 2015, trường hợp Công ty Đầu tư tổng hợp Hà Nội - Hanic (SHN) liên tiếp bán cổ phần tại 2 DN vừa mua trước đó vài ngày và thu về hơn 250 tỷ đồng cũng gây xôn xao dư luận. Cổ phiếu này đã từng xuống dưới 1.000 đồng/cp và đã tăng nhanh trong gần 1 năm qua lên tới trên 12.000 đồng/cp nhờ những thương vụ mang dấu ấn của người đã dang tay ra cứu DN.

SHN là một trường hợp khá đặc biệt. DN này từng rơi vào một vụ bê bối khá lớn. Hồi đầu năm 2012, ông Đinh Hồng Long, chủ tịch SHN khi đó đã tuyên bố DN bên bờ vực phá sản, hơn 6.000 cổ đông nguy cơ mất vốn. Khoản tiền hàng trăm tỷ Hanic góp để hợp tác đầu tư và kinh doanh một dự án BĐS hồi năm 2011 đã bỗng dưng biến thành nợ khó đòi do đại diện DN đối tác bỏ trốn.

Sự hồi phục của SHN bắt đầu từ khoảng quý II/2015 sau khi Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền trở thành NĐT chiến lược. Lời hứa “mỗi tháng một thương vụ lớn” từ Geleximco được đưa ra tại ĐHCĐ thường niên của SHN dường như đang trở thành hiện thực.

Chứng khoán hồi hộp

Đầu tư kiếm tiền từ cổ tức trên TTCK không dễ, lướt sóng ăn chênh lệch cũng rất khó. Tuy nhiên, vẫn có những con sóng lớn trên thị trường mà nếu ai nắm bắt được cũng có thể kiếm được gấp 5-7, thậm chí vài chục lần so với vốn đầu tư.

SHN có những con sóng rất lớn. Giá cổ phiếu có lúc giảm vài chục lần, từ đỉnh cao 40 ngàn đồng/cp có lúc về tới 600 đồng/cp.

Việc DN làm ăn được mất là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sự minh bạch là vấn đề đáng bàn. Nhiều NĐT đã khóc dở mếu dở vì cổ phiếu này lao dốc trong năm 2012. Họ không được biết về quyết định đem tiền huy động vốn để đầu tư thứ cấp dự án BĐS sau đó dẫn tới mất mát. Câu chuyện sử dụng vốn và giám sát sử dụng vốn dường như là chuyện riêng của những người trong cuộc.

Cú hồi phục ngoạn mục của SHN từ 2.500 đồng lên trên 21.000 đồng trong quý II/2015 cũng là một bất ngờ với nhiều NĐT bởi trên các báo cáo, tình hình tài chính và kinh doanh của DN này vẫn bết bát, không gì chuyển biến gì.

Hồi cuối năm ngoái, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu công ty con - Bất động sản Đông Dương để ghi nhận 180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt xa kết quả đạt được 9 tháng đầu năm.

Tuyệt chiêu của các ông chủ nói trên khiến nhiều người giật mình. Việc bán tài sản hay xoay sở dòng tiền không hẳn là câu chuyện vui đối với cổ đông nhưng cũng không phải quá xấu. Trường hợp của Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) gần mới khiến nhiều người ngã ngửa.

Từ lãi 3,9 tỷ, chỉ sau 1 đêm, báo cáo kiểm toán cho thấy JVC lỗ 623 tỷ đồng trong nửa năm từ 1/4-30/9/2015 do công ty gặp một số biến cố ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh dẫn đến doanh thu bán hàng bị giảm sút, một số dự án bị hoãn lại nên tổng doanh thu giảm mạnh. Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng cho một số khoản phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và tài sản ngắn hạn khác trị giá hơn, dẫn đến lợi nhuận trong kỳ bị giảm mạnh.

Cổ phiếu JVC giảm sàn 6 phiên liên tục từ mức 5.400 đồng xuống 3.800 đồng/cp nhưng rất ít người có thể bán thoát ra được. Trước đó, JVC cũng dính đến nhiều tai tiếng như vụ chậm công bố thông tin thay đổi nhân sự cao cấp…

Trước đó, nhiều vụ tin vào sếp lớn DN cũng khiến rất nhiều NĐT mất tiền như tại KSS, OGC, TVC, ALP, AVF, HLA, PVA, VSP, STL, DDM, PFL, DVD…

Nhiều NĐT cho biết, họ cảm thấy chóng mặt với chiêu trò của các DN niêm yết. Nhiều DN ngày càng trở nên sành sỏi trong việc “múa may” với sổ sách, báo cáo tài chính, thay vì tập trung vào hoạt động cốt lõi. Đây cũng là lý do các NĐT gắn cho sự ảm đạm của TTCK trong thời gian gần đây.

V.Hà

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *